Thời gian giải thể Quỹ Hỗ trợ nông dân là bao lâu? Có được phép gia hạn thời gian giải thể hay không?
Thời gian giải thể Quỹ Hỗ trợ nông dân là bao lâu? Có được phép gia hạn thời gian giải thể hay không?
Đối chiếu với quy định tại khoản 5 Điều 42 Nghị định 37/2023/NĐ-CP về quy trình giải thể Quỹ Hỗ trợ nông dân:
Theo đó, thời gian giải thể Quỹ Hỗ trợ nông dân không quá 02 năm tính từ ngày quyết định giải thể có hiệu lực.
Vậy có được phép gia hạn thời gian giải thể Quỹ Hỗ trợ nông dân hay không?
Như đã nêu ở trên thì thời gian giải thể Quỹ Hỗ trợ nông dân không quá 02 năm tính từ ngày quyết định giải thể có hiệu lực.
Trường hợp cần thiết theo yêu cầu thực tiễn có thể gia hạn thời gian giải thể Quỹ Hỗ trợ nông dân.
Thời gian tối đa có thể gia hạn việc giải thể Quỹ Hỗ trợ nông dân: không quá 01 năm.
Đối tượng có thẩm quyền gia hạn: Thủ tướng Chính phủ/ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh/ Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Ngoài ra, Quỹ Hỗ trợ nông dân bị giải thể khi thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Điều 40 Nghị định 37/2023/NĐ-CP, cụ thể như sau:
- Quỹ Hỗ trợ nông dân bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ và có tỷ lệ dư nợ cho vay bình quân năm (không bao gồm các khoản nhận ủy thác cho vay) trên vốn chủ sở hữu của Quỹ Hỗ trợ nông dân thấp hơn 20% trong 05 năm liên tiếp kể từ ngày Nghị định 37/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành*.
(*) Nghị định 37/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 08 tháng 8 năm 2023 theo quy định tại Điều 52 Nghị định 37/2023/NĐ-CP.
- Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay cao hơn 50% và/hoặc lũy kế chênh lệch thu chi âm lớn hơn hoặc bằng 75% số vốn điều lệ thực có của Quỹ Hỗ trợ nông dân trong 05 năm liên tiếp kể từ ngày Nghị định 37/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành.
- Các trường hợp Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương/cấp tỉnh/cấp huyện không cần thiết phải tiếp tục duy trì hoạt động theo đánh giá của Thủ tướng Chính phủ/Ủy ban nhân dân cấp tỉnh/Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Thời gian giải thể Quỹ Hỗ trợ nông dân là bao lâu? Có được phép gia hạn thời gian giải thể hay không? (Hình từ Internet)
Hội đồng giải thể phải tổ chức giải thể Quỹ Hỗ trợ nông dân theo phương án giải thể được duyệt khi nào?
Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 44 Nghị định 37/2023/NĐ-CP thì tính từ thời điểm quyết định giải thể có hiệu lực, trong vòng 05 ngày làm việc Hội đồng giải thể phải có trách nhiệm tổ chức giải thể Quỹ Hỗ trợ nông dân theo phương án giải thể được duyệt.
Lưu ý số 1: cũng trong khoản thời gian nêu trên Hội đồng giải thể phải tiến hành thu hồi con dấu của Quỹ Hỗ trợ nông dân để phục vụ việc giải thể;
Lưu ý số 2: phương án giải thể do Hội đồng giải thể Quỹ Hỗ trợ nông dân xây dựng và đề xuất với cơ quan có thẩm quyền phải những nội dung như sau:
- Đánh giá của tổ chức kiểm toán độc lập về thực trạng tài chính và xác định giá trị còn lại vốn chủ sở hữu của Quỹ Hỗ trợ nông dân, trừ trường hợp Quỹ Hỗ trợ nông dân đã có báo cáo tài chính được kiểm toán độc lập trong vòng 06 tháng trước thời điểm quyết định giải thể Quỹ Hỗ trợ nông dân;
- Phương án thanh lý tài sản, xử lý nguồn vốn, các khoản cho vay và đầu tư đang thực hiện và thanh toán các khoản nợ của Quỹ Hỗ trợ nông dân;
- Phương án chuyển giao các khoản nhận ủy thác của các tổ chức ủy thác;
- Phương án xử lý các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng lao động;
- Điều khoản chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích của Quỹ Hỗ trợ nông dân.
Hội đồng giải thể Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương bao gồm những đối tượng nào?
Đối chiếu với quy định tại khoản 2 Điều 41 Nghị định 37/2023/NĐ-CP thì Hội đồng giải thể Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương bao gồm những đối tượng sau:
- Lãnh đạo Trung ương Hội nông dân Việt Nam;
- Đại diện lãnh đạo các cơ quan: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Lao động - Thương binh và Xã hội cùng cấp;
- Đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Hội đồng quản lý, Ban Kiểm soát Quỹ Hỗ trợ nông dân cùng cấp;
- Đại diện của các cơ quan liên quan (nếu cần thiết) theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, mục đích của việc thành lập Hội đồng giải thể Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương là để tham mưu về phương án và tổ chức thực hiện giải thể Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương.
Quỹ Hỗ trợ nông dân theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 37/2023/NĐ-CP là Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, trực thuộc cơ quan Hội Nông dân các cấp; hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo toàn và phát triển vốn; thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định tại Nghị định 37/2023/NĐ-CP.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.