Thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo gồm những gì? Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo có được quyền quyết định dừng thai kỳ không?

Anh chị họ tôi lấy nhau đã hơn 6 năm nhưng vẫn chưa có con dù đã dùng nhiều biện pháp can thiệp. Sau quá trình tìm hiểu về mang thai hộ và được sự đồng ý mang thai hộ từ tôi. Anh chị tôi tiến hành các thủ tục để có thể nhờ tôi mang thai hộ, tuy nhiên không may đến tháng thứ 5 sau một lần đi khám thai định kỳ tôi được trung tâm y tế thông báo bào thai mang dị tật và có nguy cơ liệt chi dưới và được chỉ định phải chấm dứt thai kỳ. Khi tôi về thông báo cho anh, chị tôi biết thì họ vẫn muốn giữ đứa bé lại. Vậy cho tôi hỏi tôi có được quyền quyết định chấm dứt thai kỳ không? Câu hỏi của chị An đến từ Đồng Nai.

Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo cần phải bảo đảm những điều kiện nào?

Mang thai hộ

Mang thai hộ (Hình từ Internet)

Căn cứ khoản 22 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 định nghĩa việc Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo như sau:

Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
22. Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con.

Như vậy, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo cần đáp ứng các điều kiện sau:

– Người mang thai hộ phải hoàn toàn tự nguyện.

– Việc mang thai hộ không vì mục đích thương mại.

– Người nhờ mang thai hộ cụ thể là người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

Thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo gồm những gì?

Căn cứ Điều 96 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau:

Thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
1. Thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo giữa vợ chồng nhờ mang thai hộ (sau đây gọi là bên nhờ mang thai hộ) và vợ chồng người mang thai hộ (sau đây gọi là bên mang thai hộ) phải có các nội dung cơ bản sau đây:
a) Thông tin đầy đủ về bên nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ theo các điều kiện có liên quan quy định tại Điều 95 của Luật này;
b) Cam kết thực hiện các quyền, nghĩa vụ quy định tại Điều 97 và Điều 98 của Luật này;
c) Việc giải quyết hậu quả trong trường hợp có tai biến sản khoa; hỗ trợ để bảo đảm sức khỏe sinh sản cho người mang thai hộ trong thời gian mang thai và sinh con, việc nhận con của bên nhờ mang thai hộ, quyền và nghĩa vụ của hai bên đối với con trong trường hợp con chưa được giao cho bên nhờ mang thai hộ và các quyền, nghĩa vụ khác có liên quan;
d) Trách nhiệm dân sự trong trường hợp một hoặc cả hai bên vi phạm cam kết theo thỏa thuận.
2. Thỏa thuận về việc mang thai hộ phải được lập thành văn bản có công chứng. Trong trường hợp vợ chồng bên nhờ mang thai hộ ủy quyền cho nhau hoặc vợ chồng bên mang thai hộ ủy quyền cho nhau về việc thỏa thuận thì việc ủy quyền phải lập thành văn bản có công chứng. Việc ủy quyền cho người thứ ba không có giá trị pháp lý.

Trong trường hợp thỏa thuận về mang thai hộ giữa bên mang thai hộ và bên nhờ mang thai hộ được lập cùng với thỏa thuận giữa họ với cơ sở y tế thực hiện việc sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì thỏa thuận này phải có xác nhận của người có thẩm quyền của cơ sở y tế này.

Theo đó thỏa thuận về mang thai hộ cần những nội dung sau:

Bên nhờ mang thai hộ cần có những giấy tờ sau:

– Xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

– Giấy tờ xác minh vợ chồng đang không có con chung.

Bên người được nhờ mang thai hộ cần có những giấy tờ sau:

– Giấy tờ xác minh là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ;

– Giấy tờ chứng minh đã từng sinh con và chưa từng mang thai hộ trước đó.

– Xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ

– Văn bản thể hiện sự đồng ý của chồng người mang thai hộ về việc mang thai hộ.

– Cam kết thực hiện các quyền, nghĩa vụ của các bên theo luật định.

– Thỏa thuận việc giải quyết hậu quả trong trường hợp có tai biến sản khoa và nghĩa vụ chăm sóc sức khỏe cho người mang thai hộ.

– Thỏa thuận phải được lập thành văn bản và có công chứng, các bên được quyền ủy quyền về việc thỏa thuận nhưng phải có văn bản ủy quyền và không được nhờ bên thứ 3.

– Trường hợp thỏa thuận mang thai hộ lập cùng với thỏa thuận giữa họ với cơ sở y tế thực hiện việc sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì thỏa thuận này phải có xác nhận của người có thẩm quyền của cơ sở y tế đó.

Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo có được quyền quyết định dừng thai kỳ không?

Căn cứ khoản 4 Điều 97 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau:

Quyền, nghĩa vụ của bên mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
...
4. Bên mang thai hộ có quyền yêu cầu bên nhờ mang thai hộ thực hiện việc hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Trong trường hợp vì lý do tính mạng, sức khỏe của mình hoặc sự phát triển của thai nhi, người mang thai hộ có quyền quyết định về số lượng bào thai, việc tiếp tục hay không tiếp tục mang thai phù hợp với quy định của pháp luật về chăm sóc sức khỏe sinh sản và sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

Như vậy, bên mang thai hộ có quyền quyết định việc tiếp tục hay không tiếp tục mang thai phù hợp với quy định của pháp luật về chăm sóc sức khỏe sinh sản và sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

Đồng thời căn cứ khoản 1 Điều 6 Thông tư 34/2017/TT-BYT quy định như sau:

Điều trị trước sinh
1. Tư vấn trước điều trị:
Nhân viên y tế tư vấn cho phụ nữ mang thai và chồng (nếu có) các nội dung sau đây:
a) Trường hợp bào thai bình thường hoặc phụ nữ mang thai quyết định giữ thai mặc dù có chỉ định chấm dứt thai kỳ: các biện pháp theo dõi và chăm sóc thai kỳ;
b) Trường hợp bào thai có chẩn đoán xác định dị tật (có chỉ định chấm dứt thai kỳ) và phụ nữ mang thai quyết định lựa chọn chấm dứt thai kỳ: các rủi ro có thể xảy ra khi áp dụng các kỹ thuật chấm dứt thai kỳ;
c) Trình tự thực hiện các kỹ thuật trong chấm dứt thai kỳ đối với từng trường hợp cụ thể.

Theo đó, điều kiện chấm dứt thai kỳ phải thỏa các điều kiện sau:

Thứ nhất, bào thai có chẩn đoán xác định dị tật: có chuẩn đoán bất thường nghiêm trọng về hình thái, cấu trúc của bào thai; có bất thường nhiễm sắc thể, bào thai có bệnh di truyền phân tử do đột biến gen mà chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu dẫn đến sau khi sinh có nguy cơ tàn phế cao.

Thứ hai, có chỉ định chấm dứt thai kỳ của cơ sở y tế có thẩm quyền.

Thứ ba, phụ nữ mang thai quyết định lựa chọn chấm dứt thai kỳ: các rủi ro có thể xảy ra khi áp dụng các kỹ thuật chấm dứt thai kỳ;

Chiếu theo các quy định trên, bạn có thể được quyền quyết định chấm dứt thai kỳ nếu thỏa mãn các điều kiện về chấm dứt thai kỳ.

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Phạm Thị Xuân Hương Lưu bài viết
947 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào