Thỏa thuận khung trong mua sắm tập trung là gì? Thỏa thuận khung trong hồ sơ mời thầu đối với mua sắm tập trung gồm những nội dung nào?
Thỏa thuận khung trong mua sắm tập trung là gì?
Thỏa thuận khung trong mua sắm tập trung được quy định tại Điều 54 Luật Đấu thầu 2023 như sau:
Thỏa thuận khung
1. Thỏa thuận khung trong mua sắm tập trung là thỏa thuận giữa đơn vị mua sắm tập trung với một hoặc nhiều nhà thầu được lựa chọn đối với gói thầu không chia phần hoặc đối với một phần của gói thầu chia phần.
2. Thỏa thuận khung quy định nội dung và điều kiện để làm cơ sở cho việc mua sắm theo từng hợp đồng cụ thể.
3. Thời hạn áp dụng thỏa thuận khung được quy định trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu nhưng không quá 36 tháng. Tại thời điểm ký thỏa thuận khung, hồ sơ dự thầu của nhà thầu được lựa chọn còn hiệu lực.
4. Đối với nhà thầu liên danh, tất cả thành viên tham gia liên danh phải trực tiếp ký, đóng dấu (nếu có) vào thỏa thuận khung.
Theo đó, thỏa thuận khung trong mua sắm tập trung là thỏa thuận giữa đơn vị mua sắm tập trung với một hoặc nhiều nhà thầu được lựa chọn đối với gói thầu không chia phần hoặc đối với một phần của gói thầu chia phần.
Thỏa thuận khung trong mua sắm tập trung là gì? (Hình từ Internet)
Thỏa thuận khung trong hồ sơ mời thầu đối với mua sắm tập trung gồm những nội dung nào?
Nội dung thỏa thuận khung được quy định tại Điều 90 Nghị định 24/2024/NĐ-CP như sau:
Nội dung thỏa thuận khung
1. Căn cứ quy mô, tính chất của gói thầu, đơn vị mua sắm tập trung quy định cụ thể nội dung chi tiết của thỏa thuận khung trong hồ sơ mời thầu cho phù hợp nhưng phải bao gồm những nội dung chủ yếu quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Những nội dung chủ yếu của thỏa thuận khung:
a) Phạm vi cung cấp hàng hóa, dịch vụ;
b) Thời gian, địa điểm giao hàng, cung cấp dịch vụ dự kiến;
c) Điều kiện bàn giao hàng hóa, dịch vụ; tạm ứng, thanh toán, thanh lý hợp đồng;
d) Mức giá tương ứng với từng loại hàng hóa, dịch vụ;
đ) Điều kiện bảo hành, bảo trì; đào tạo, hướng dẫn sử dụng hàng hóa, dịch vụ;
e) Trách nhiệm của nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ, trong đó bao gồm trách nhiệm ký kết, thực hiện hợp đồng và thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng với đơn vị có nhu cầu mua sắm;
g) Trách nhiệm của đơn vị có nhu cầu mua sắm trong việc ký kết hợp đồng, sử dụng hàng hóa, dịch vụ;
h) Trách nhiệm của đơn vị mua sắm tập trung;
i) Thời hạn có hiệu lực của thỏa thuận khung;
k) Xử phạt, bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng;
l) Các nội dung liên quan khác.
Theo đó, thỏa thuận khung trong hồ sơ mời thầu đối với mua sắm tập trung phải bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây:
- Phạm vi cung cấp hàng hóa, dịch vụ;
- Thời gian, địa điểm giao hàng, cung cấp dịch vụ dự kiến;
- Điều kiện bàn giao hàng hóa, dịch vụ; tạm ứng, thanh toán, thanh lý hợp đồng;
- Mức giá tương ứng với từng loại hàng hóa, dịch vụ;
- Điều kiện bảo hành, bảo trì; đào tạo, hướng dẫn sử dụng hàng hóa, dịch vụ;
- Trách nhiệm của nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ, trong đó bao gồm trách nhiệm ký kết, thực hiện hợp đồng và thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng với đơn vị có nhu cầu mua sắm;
- Trách nhiệm của đơn vị có nhu cầu mua sắm trong việc ký kết hợp đồng, sử dụng hàng hóa, dịch vụ;
- Trách nhiệm của đơn vị mua sắm tập trung;
- Thời hạn có hiệu lực của thỏa thuận khung;
- Xử phạt, bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng;
- Các nội dung liên quan khác.
Đơn vị mua sắm tập trung thực hiện việc lựa chọn nhà thầu trên cơ sở nào?
Cơ sở lựa chọn nhà thầu được quy định tại khoản 6 Điều 53 Luật Đấu thầu 2023 như sau:
Mua sắm tập trung
...
4. Mua sắm tập trung được thực hiện ở cấp quốc gia, Bộ, cơ quan trung ương, địa phương, doanh nghiệp và thực hiện theo một trong hai cách thức sau đây:
a) Đơn vị mua sắm tập trung tiến hành lựa chọn nhà thầu, trực tiếp ký hợp đồng với nhà thầu được lựa chọn;
b) Đơn vị mua sắm tập trung tiến hành lựa chọn nhà thầu, ký văn bản thỏa thuận khung với một hoặc nhiều nhà thầu được lựa chọn làm cơ sở để đơn vị có nhu cầu mua sắm ký hợp đồng với nhà thầu được lựa chọn.
5. Đối với hàng hóa, dịch vụ không thuộc danh mục mua sắm tập trung nhưng nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhu cầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ cùng loại thì có thể gộp thành một gói thầu để một trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị mua sắm hoặc để đơn vị có chức năng mua sắm tập trung thực hiện việc mua sắm.
6. Đơn vị mua sắm tập trung thực hiện việc lựa chọn nhà thầu trên cơ sở nhiệm vụ được giao hoặc hợp đồng ký với các đơn vị có nhu cầu.
7. Chính phủ quy định chi tiết Điều này và quy định việc tổng hợp nhu cầu mua sắm tập trung của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân.
Như vậy, theo quy định thì đơn vị mua sắm tập trung thực hiện việc lựa chọn nhà thầu trên cơ sở nhiệm vụ được giao hoặc hợp đồng ký với các đơn vị có nhu cầu.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.