Thỏ con mới sinh được 15 ngày có được sử dụng thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh để phòng bệnh không?
Thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh được quy định như thế nào?
Theo Điều 45 Luật Chăn nuôi 2018 thì thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh được quy định như sau:
- Kháng sinh sử dụng trong thức ăn chăn nuôi phải là thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam.
- Chỉ được sử dụng kháng sinh trong sản xuất thức ăn chăn nuôi theo đơn của người có chứng chỉ hành nghề phòng, trị bệnh cho động vật theo quy định của pháp luật về thú y để phòng bệnh cho vật nuôi ở giai đoạn con non, trị bệnh cho vật nuôi nhiễm bệnh.
- Việc sử dụng thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh phải tuân thủ hướng dẫn của tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc cung cấp thức ăn chăn nuôi.
- Thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh phải thể hiện thông tin về tên và hàm lượng kháng sinh, hướng dẫn sử dụng, thời gian ngừng sử dụng trên nhãn sản phẩm hoặc tài liệu kèm theo sản phẩm.
- Chính phủ quy định tiêu chí đối với các loại vật nuôi ở giai đoạn con non được phép sử dụng thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh để phòng bệnh và lộ trình bỏ việc sử dụng kháng sinh trong phòng bệnh đối với vật nuôi.
Thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh
Người sử dụng thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh để phòng bệnh cho con non có phải ghi nhật ký không?
Theo Điều 50 Luật Chăn nuôi 2018 thì quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sử dụng thức ăn chăn nuôi được quy định như sau:
- Tổ chức, cá nhân sử dụng thức ăn chăn nuôi có quyền sau đây:
+ Được cung cấp đầy đủ thông tin về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, giá và hướng dẫn sử dụng các loại thức ăn chăn nuôi từ tổ chức, cá nhân cung cấp;
+ Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện liên quan đến sử dụng thức ăn chăn nuôi theo quy định của pháp luật;
+ Được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức, cá nhân sử dụng thức ăn chăn nuôi có nghĩa vụ sau đây:
+ Sử dụng thức ăn chăn nuôi bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm đối với sức khỏe con người, vật nuôi và môi trường;
+ Tuân thủ quy định của pháp luật và hướng dẫn của tổ chức, cá nhân cung cấp thức ăn chăn nuôi về vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, sử dụng thức ăn chăn nuôi;
+ Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra về chất lượng thức ăn chăn nuôi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
+ Phối hợp xử lý thức ăn chăn nuôi và sản phẩm chăn nuôi vi phạm về chất lượng và an toàn theo quy định của pháp luật;
+ Ghi nhật ký sử dụng thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh theo quy định.
Như vậy, ghi nhật ký sử dụng thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh theo quy định là nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sử dụng thức ăn chăn nuôi. Do đó, trường hợp bạn sử dụng thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh cho đàn thỏ để phòng bệnh thì bạn có nghĩa vụ phải ghi nhật ký sử dụng theo quy định.
Hành vi không ghi nhật ký sử dụng thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh bị xử lý như thế nào?
Theo Điều 28 Nghị định 14/2021/NĐ-CP thì hành vi vi phạm quy định về sử dụng chất cấm, thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh bị xử lý như sau:
- Hành vi sử dụng thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh không tuân thủ hướng dẫn của tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc cung cấp thức ăn chăn nuôi bị xử phạt như sau:
+ Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ;
+ Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô vừa;
+ Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô lớn.
- Hành vi không ghi nhật ký sử dụng thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh để phòng bệnh cho vật nuôi ở giai đoạn con non, trị bệnh cho vật nuôi nhiễm bệnh bị xử phạt như sau:
+ Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ;
+ Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô vừa;
+ Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô lớn.
- Hành vi sử dụng thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh nhằm mục đích kích thích sinh trưởng bị xử phạt như sau:
+ Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với chăn nuôi nông hộ;
+ Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ;
+ Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô vừa;
+ Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô lớn.
- Hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi bị xử phạt như sau:
+ Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng mỗi chất cấm trong chăn nuôi mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
+ Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng mỗi chất cấm trong chăn nuôi đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra, quyết định đình chỉ vụ án hoặc quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can, miễn trách nhiệm hình sự theo bản án.
- Biện pháp khắc phục hậu quả
+ Buộc chuyển đổi mục đích sử dụng thức ăn chăn nuôi có chứa kháng sinh đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này; trường hợp không thể chuyển đổi được mục đích sử dụng thì buộc tiêu hủy;
+ Buộc tiêu hủy chất cấm và vật nuôi đã sử dụng chất cấm đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này.
Lưu ý: Mức phạt trên là mức phạt áp dụng cho cá nhân, mức phạt đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt đối với cá nhân (khoản 2 Điều 5 Nghị định này).
Như vậy, đối với hành vi không ghi nhật ký sử dụng thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh để phòng bệnh cho vật nuôi ở giai đoạn con non thì tùy theo quy mô chăn nuôi sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.