Thiết kế mặt bằng tổng thể các sân thể thao cần phải bảo đảm những yêu cầu gì để đúng với TCVN 4205:2012?
Thiết kế mặt bằng tổng thể các sân thể thao cần phải bảo đảm những quy định như thế nào?
Theo Mục 5.11 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 4205:2012 quy định về Thiết kế mặt bằng tổng thể các sân thể thao như sau:
Thiết kế mặt bằng tổng thể các sân thể thao cần phải bảo đảm phân chia các khu vực hợp lý, thuận tiện cho việc tổ chức các hoạt động thể dục thể thao.
a) Đối với sân vận động, cần phân chia các khu vực như sau:
- Khu giảng dậy, huấn luyện và thi đấu;
- Khu phục vụ vận động viên, khu tập luyện phát triển tố chất thể lực (phòng luyện tập bổ trợ) và khu các công trình phục vụ sân bãi (kĩ thuật, trồng cỏ, bảo vệ sân,…);
- Khu phục vụ khán giả, bộ phận truyền thông, truyền hình, tường thuật;
- Khu vệ sinh, tắm rửa của vận động viên và huấn luyện viên;
- Khu quảng trường và khán đài;
- Bãi để xe và mạng lưới giao thông trong sân vận động;
- Khu cây xanh, hàng rào cây xanh để ngăn bụi, chắn gió và cải tạo vi khí hậu môi trường;
- Khu y tế - cấp cứu, thư giãn, nghỉ ngơi.
b) Đối với các sân tập luyện và sân thể thao cơ bản, không yêu cầu phân chia khu vực.
c) Có thể bố trí chỗ rửa, chỗ vệ sinh ở gần sân thể thao riêng cho từng môn để phục vụ cho người tập, xung quanh sân cần có hàng rào cây xanh với chiều rộng không quá 3 m.
CHÚ THÍCH:
1) Sân vận động được hiểu là sân tổng hợp của nhiều môn thể thao như bóng đá, điền kinh, bóng chuyền, bóng rổ….
2) Tại các khu vực phải tính đến nhu cầu tiếp cận và sử dụng của người khuyết tật. Yêu cầu thiết kế tuân theo TCXDVN 264:2002.
Khi bố trí các sân thể thao cần tính đến khả năng phối hợp giữa các sân để tạo thành mạng lưới công trình thể thao của đô thị, đất xây dựng sẽ được tính theo tiêu chuẩn của điểm dân cư lớn nhất.
Như vậy đối với sân vận động, cần phân chia các khu vực; còn đối với các sân tập luyện và sân thể thao cơ bản, không yêu cầu phân chia khu vực.
Sân thể thao (Hình từ Internet)
Các yêu cầu khi thiết kế sân điền kinh phải đảm bảo những gì?
Tại Mục 6.2 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 4205:2012 quy định về sân điền kinh, cụ thể như sau:
- Độ dài của một vòng chạy tiêu chuẩn quanh sân phải là 400 m. Ít nhất phải có đủ 6 đường chạy vòng và 8 đường chạy thẳng với mỗi ô chạy rộng 1,22 m ± 0,01 m;
- Sân nhảy xa, nhảy 3 bước và sân nhảy sào được thiết kế dọc theo sân:
- Cự li chạy đường thẳng là 110 m, từ đó xác định khu vực xuất phát và khu vực an toàn sau đích;
- Đối với sân thi đấu quốc gia (trung tâm vùng), phải đủ 8 đường chạy vòng, từ 10 đường chạy thẳng đến 12 đường chạy thẳng. Trong sân cần thiết kế nội dung thi 3000 m vượt chướng ngại vật.
- Cần bố trí camera ghi hình chiếu thẳng hàng với vạch đích.
CHÚ THÍCH:
- Đối với sân điền kinh thi đấu quốc tế phải có 8 ô chạy.
- Khi thiết kế sân điền kinh, sân bóng phải dựa vào cấp kỹ thuật của sân mà chọn giải pháp kết cấu nền và mặt phủ cho thích hợp với từng loại theo qui định trong Bảng 3 của tiêu chuẩn này.
- Hồ nước trong nội dung chạy vượt chướng ngại vật có chiều rộng 3,66 m (± 2 cm). Phần đáy hố nước phải có cấu tạo bằng một bề mặt nhựa tổng hợp hoặc thảm đệm.
Tại sân thể thao, yêu cầu về cấp thoát nước phải đáp ứng những điều kiện ra sao?
Mục 7.1 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 4205:2012 quy định yêu cầu về cấp thoát nước như sau:
Yêu cầu về cấp thoát nước
7.1.1. Trong sân thể thao phải thiết kế hệ thống cấp nước cho các nhu cầu về sinh hoạt, chữa cháy và các yêu cầu kỹ thuật khác. Tiêu chuẩn tính toán và thiết kế được lấy theo qui định trong TCVN 4513.
7.1.2. Nước cấp cho nhu cầu sinh hoạt phải bảo đảm đủ số lượng và yêu cầu về chất lượng nước và được lấy từ hệ thống cấp nước đô thị. Chất lượng nước phải bảo đảm các chỉ tiêu về vệ sinh theo các qui định có liên quan [13].
CHÚ THÍCH: Ở những nơi không có hệ thống cấp nước đô thị, cho phép sử dụng các nguồn nước tự nhiên nhưng phải được xử lý bằng các biện pháp lắng lọc.
7.1.3. Tiêu chuẩn nước dùng cho sân thể thao được qui định trong Bảng 15.
7.1.4. Việc bố trí hệ thống dẫn nước tưới cho các khu vực của sân thể thao phải bảo đảm sử dụng thuận tiện.
7.1.5. Đối với các khán đài có từ 15 hàng ghế trở lên phải thiết kế hệ thống vòi rửa, cách nhau không quá 30 m.
7.1.6. Các phòng bố trí dưới khán đài có sức chứa từ 5 000 khán giả trở lên cần phải thiết kế hệ thống cấp nước chữa cháy.
7.1.7. Tiêu chuẩn lưu lượng nước và số họng nước chữa cháy lấy theo qui định trong TCVN 2622.
7.1.8. Phải thiết kế hệ thống thoát nước cho các khu vực sử dụng nước trên sân thể thao. Yêu cầu thiết kế theo các qui định trong TCVN 4474.
7.1.9. Khi thiết kế hệ thống thoát nước phải đặc biệt chú ý đến điều kiện địa hình, độ dốc mặt đất để bảo đảm nước thoát nhanh.
7.1.10. Ở các đô thị có hệ thống thoát nước và xử lý nước thải tập trung, thì nước thải sinh hoạt phải được xả vào hệ thống thoát nước chung.
7.1.11. Nước mưa được xả vào hệ thống thoát nước mưa chung của đô thị.
7.1.12. Phải thiết kế hệ thống cống ngầm cho nước thải sinh hoạt. Nước mưa, nước tưới có thể thoát bằng hệ thống cống ngầm hoặc hở.
7.1.13. Khi thiết kế thoát nước trên mặt của sân thể thao phải bảo đảm lớp phủ mặt của sân có hướng và độ dốc thoát nước theo qui định trong Bảng 16 và Hình 23 (a), (b), (c).
7.1.14. Đối với các môn thể thao đối kháng qua lưới như bóng chuyền, cầu lông, quần vợt và một số môn thể thao đặc biệt không được thiết kế thoát nước tràn mặt về hai phía mà phải thoát nước dọc sân.
7.1.15. Phải thiết kế hệ thống có thiết bị thoát nước cho các sân thể thao có nền đất trộn lót dưới mặt sân (lớp phủ thấm nước hoặc lớp phủ có độ thấm nước kém).
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.