Thiết bị điện dùng trong môi trường khí nổ được phân loại như thế nào? Việc dán nhãn thiết bị quy định ra sao?
Thiết bị điện dùng trong môi trường khí nổ được phân loại như thế nào?
Thiết bị điện được hiểu là tất cả các thiết bị mà toàn bộ hoặc một phần của chúng sử dụng điện năng, như thiết bị phát điện, truyền tải, phân phối, tích lũy, đo lường, điều khiển, biến đổi, tiêu thụ điện năng và các thiết bị thông tin liên lạc.
Theo đó, việc phân loại thiết bị điện dùng trong môi trường khí nổ được quy định tại Mục 4 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7279-9:2003 về Thiết bị điện dùng trong môi trường khí nổ - Phần 9 : Phân loại và ghi nhãn, cụ thể gồm hai nhóm:
Nhóm I: Thiết bị điện dùng trong mỏ hầm lò;
Nhóm II: Thiết bị điện dùng trong môi trường khí nổ khác với các mỏ hầm lò;
Thiết bị điện dùng trong mỏ hầm lò, ngoài khí mê tan có thể còn có một tỷ lệ nhất định khí nguy hiểm cháy nổ khác. Vì vậy chúng phải có kết cấu phù hợp và phải được thử nghiệm tuân theo các yêu cầu của thiết bị điện nhóm I và của nhóm II tương ứng với loại khí đó. Các thiết bị này sẽ phải được ghi nhãn tương ứng (ví dụ như “Exd I/IIB T3” hoặc “Exd I/II (NH3)”).
- Thiết bị điện thuộc nhóm II được chia ra thành các phân nhóm phù hợp với môi trường khí nổ thiết bị làm việc.
- Thiết bị điện thuộc nhóm II có dạng bảo vệ vỏ không xuyên nổ “d” và an toàn tia lửa “i” theo yêu cầu của tiêu chuẩn được chia ra thành các phân nhóm IIA, IIB và IIC.
CHÚ THÍCH 1 - Việc chia các phân nhóm được dựa trên cơ sở khe hở thực nghiệm tối đa (MESG) đối với thiết bị có vỏ không xuyên nổ và dòng điện bốc lửa tối thiểu (MIC) đối với thiết bị an toàn tia lửa.
CHÚ THÍCH 2 - Thiết bị ghi nhãn IIB có thể sử dụng thay cho thiết bị nhóm IIA. Cũng tương tự như vậy, thiết bị có nhãn IIC có thể sử dụng thay cho thiết bị phân nhóm IIA và IIB.
- Tất cả dạng bảo vệ của thiết bị điện nhóm II phải được ghi nhãn với nhiệt độ lớn nhất trên bề mặt thiết bị theo quy định ở 5.1.
Thiết bị điện dùng trong môi trường khí nổ được phân loại như thế nào? Việc dán nhãn thiết bị quy định ra sao? (hình từ internet)
Nhiệt độ lớn nhất trên bề mặt của thiết bị điện dùng trong môi trường khí nổ là bao nhiêu?
Theo Mục 5 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7279-9:2003 về Thiết bị điện dùng trong môi trường khí nổ - Phần 9 : Phân loại và ghi nhãn quy định về nhiệt độ lớn nhất trên bề mặt của thiết bị điện dùng trong môi trường khí nổ như sau:
(1) Nhiệt độ lớn nhất trên bề mặt thiết bị điện nhóm I được ghi trong các tài liệu có liên quan. Nhiệt độ này không vượt quá:
- 150 oC khi có bụi than bám thành lớp;
- 450 oC nếu tránh được bụi than nguy hiểm nêu trên bám vào (ví dụ bằng các phần tử làm khít hoặc thông gió tốt) để đảm bảo:
+ Phù hợp với nhiệt độ lớn nhất trên bề mặt đã ghi trên nhãn thiết bị;
+ Ký hiệu “X” phải được ghi ngay sau số chứng chỉ, xác định rõ điều kiện sử dụng an toàn.
CHÚ THÍCH - Khi lựa chọn thiết bị điện thuộc nhóm I, người sử dụng cần lưu ý đến sự ảnh hưởng của của lớp bụi than tích tụ trên bề mặt thiết bị khi nhiệt độ lớn hơn 150 oC.
(2) Thiết bị điện thuộc nhóm II được phân loại theo nhóm nhiệt độ ghi trong bảng 1, hoặc theo giá trị nhiệt độ lớn nhất trên bề mặt thiết bị, hoặc hạn chế sử dụng trong môi trường khí nhất định.
Việc ghi nhãn thiết bị điện dùng trong môi trường khí nổ phải gồm những nội dung gì?
Việc ghi nhãn thiết bị điện dùng trong môi trường khí nổ được quy định tại Mục 6 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7279-9:2003 về Thiết bị điện dùng trong môi trường khí nổ - Phần 9 : Phân loại và ghi nhãn, cụ thể phải gồm những nội dung sau:
(1) Tên nhà chế tạo hoặc nhãn hiệu thương mại;
(2) Nhận dạng kiểu loại của nhà chế tạo;
(3) Kí hiệu ″Ex″ biểu thị thiết bị điện có kết cấu và được thử nghiệm để dùng trong môi trường khí nổ hoặc được kết hợp đặc biệt với thiết bị như thế;
(4) Kí hiệu dùng cho mỗi dạng bảo vệ;
5) ký hiệu của nhóm thiết bị điện;
6) Đối với thiết bị điện nhóm II, ký hiệu chỉ rõ cấp nhiệt độ hoặc nhiệt độ lớn nhất trên bề mặt bằng oC hoặc ghi cả hai. Nếu trên nhãn ghi cả hai thì cấp nhiệt độ ghi sau cùng và ghi vào trong dấu ngoặc đơn.
7) Số loạt sản phẩm, nếu cần, nhưng không cần ghi đối với:
- Các phần tử đấu nối (cáp và ống luồn cáp, các tấm đệm, phiến đấu dây, phích cắm, ổ cắm và cọc đấu dây);
- Các khí cụ điện rất nhỏ có kích thước hạn chế.
8) Trong chứng chỉ của thiết bị, ngoài tên và nhãn của cơ quan cấp chứng chỉ còn có các con số theo thứ tự như sau: số chứng chỉ cấp cho thiết bị và sau đó là hai chữ số cuối cùng của năm được cấp chứng chỉ.
9) Nếu cơ quan thử nghiệm cho rằng cần phải chỉ rõ các điều kiện đặc biệt để sử dụng an toàn thì đưa thêm ký hiệu “X” vào sau số chứng chỉ. Cơ quan thử nghiệm có thể sử dụng ký hiệu cảnh báo để thay thế cho ký hiệu “X”.
10) Tất cả các ghi nhãn thông thường theo yêu cầu của tiêu chuẩn về kết cấu của thiết bị điện.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.