Thiên tai động đất là gì? Thiên tai động đất có được dự báo trước hay không? Rủi ro thiên tai động đất nặng nhất là rủi ro cấp độ mấy?
Thiên tai động đất là gì?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống thiên tai 2013 (được sửa đổi bởi điểm a khoản 1 Điều 1 Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều sửa đổi 2020) như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Thiên tai là hiện tượng tự nhiên bất thường có thể gây thiệt hại về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế - xã hội, bao gồm bão, áp thấp nhiệt đới, gió mạnh trên biển, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt; sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy hoặc hạn hán; nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, cháy rừng do tự nhiên, rét hại, mưa đá, sương mù, sương muối, động đất, sóng thần và các loại thiên tai khác.
...
Và theo quy định tại khoản 33 Điều 5 Quyết định 18/2021/QĐ-TTg như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Quyết định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
32. Tình trạng khẩn cấp về thiên tai là tình huống khi các loại thiên tai quy định tại Điều 3 Quyết định này ở mức rủi ro thiên tai cấp độ 5, có khả năng gây thảm họa, thiệt hại nặng nề về tính mạng, tài sản, công trình hạ tầng, môi trường sinh thái.
33. Động đất là sự rung động mặt đất bởi sự giải phóng đột ngột năng lượng trong vỏ trái đất dưới dạng sóng địa chấn, có thể gây ra biến dạng trên mặt đất, phá hủy nhà cửa, công trình, của cải và sinh mạng con người.
34. Chấn tiêu là vị trí nguồn phát sinh ra trận động đất.
35. Chấn tâm động đất là hình chiếu theo chiều thẳng đứng của chấn tiêu lên bề mặt trái đất.
...
Như vậy, thiên tai động đất được hiểu là hiện tượng tự nhiên bất thường gây rung động mặt đất bởi sự giải phóng đột ngột năng lượng trong vỏ trái đất dưới dạng sóng địa chấn, có thể gây ra biến dạng trên mặt đất, phá hủy nhà cửa, công trình, của cải và sinh mạng con người.
Thiên tai động đất là gì? Thiên tai động đất có được dự báo trước hay không? Rủi ro thiên tai động đất nặng nhất là rủi ro cấp độ mấy? (Hình từ Internet)
Thiên tai động đất có được dự báo trước hay không?
Căn cứ Điều 3 Quyết định 18/2021/QĐ-TTg có quy định về các loại thiên tai được dự báo, cảnh báo và truyền tin như sau:
Các loại thiên tai được dự báo, cảnh báo và truyền tin
1. Bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực vùng biển phía Tây kinh tuyến 120° Đông, phía Bắc vĩ tuyến 05° Bắc và phía Nam vĩ tuyến 23° Bắc (sau đây gọi là Biển Đông, Phụ lục I Quyết định này) và trên đất liền lãnh thổ Việt Nam; bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động ngoài khu vực biển Đông, nhưng có khả năng di chuyển vào khu vực Biển Đông trong khoảng 24 đến 48 giờ tới.
2. Mưa lớn xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam; lũ trên các sông thuộc lãnh thổ Việt Nam và các sông liên quốc gia liên quan (Phụ lục II Quyết định này); ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy trên lãnh thổ Việt Nam.
3. Nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đất, sụt lún đất do hạn hán trên lãnh thổ Việt Nam.
4. Gió mạnh trên Biển Đông; sương mù trên Biển Đông và trên đất liền Việt Nam.
5. Nước dâng trên vùng biển ven bờ và đảo của Việt Nam.
6. Lốc, sét, mưa đá, rét hại, sương muối trên lãnh thổ Việt Nam.
7. Cháy rừng do tự nhiên trên lãnh thổ Việt Nam.
8. Động đất có độ lớn (M) bằng hoặc lớn hơn 3,5 (theo thang Richter hoặc tương đương) ảnh hưởng đến Việt Nam.
9. Động đất có độ lớn trên 6,5 (theo thang Richter hoặc tương đương) xảy ra trên biển có khả năng gây ra sóng thần ảnh hưởng đến Việt Nam.
10. Sóng thần xảy ra do động đất ở vùng biển xa, có khả năng ảnh hưởng đến Việt Nam.
Như vậy, thiên tai động đất có độ lớn bằng hoặc lớn hơn 3,5 (theo thang Richter hoặc tương đương) ảnh hưởng đến Việt Nam sẽ được dự báo, cảnh báo trên các phương tiện thông tin.
Và theo Điều 30 Quyết định 18/2021/QĐ-TTg thì bản tin về thiên tai động đất gồm những nội dung chính sau:
- Tiêu đề Tin động đất.
- Thời gian xảy ra động đất: báo theo giờ GMT và giờ Hà Nội.
- Địa điểm xảy ra động đất: tên địa phương, tọa độ chấn tâm, độ sâu chấn tiêu.
- Độ lớn động đất, cường độ chấn động ở khu vực chấn tâm và các địa phương lân cận: báo theo thang MSK-64.
- Hậu quả có thể xảy ra do động đất.
- Cấp độ rủi ro thiên tai do động đất.
Rủi ro thiên tai do động đất nặng nhất là rủi ro cấp độ mấy?
Căn cứ theo quy định tại Điều 55 Quyết định 18/2021/QĐ-TTg về các cấp độ rủi ro thiên tai do động đất như sau:
Cấp độ rủi ro thiên tai do động đất
1. Rủi ro thiên tai cấp độ 1 khi cường độ chấn động trên mặt đất quan trắc được từ cấp V đến cấp VI, xảy ra ở bất kỳ khu vực nào thuộc lãnh thổ Việt Nam.
2. Rủi ro thiên tai cấp độ 2 khi cường độ chấn động trên mặt đất quan trắc được từ cấp VI đến cấp VII, xảy ra ở khu vực nông thôn, khu vực đô thị.
3. Rủi ro thiên tai cấp độ 3 khi cường độ chấn động trên mặt đất quan trắc được từ cấp VI đến cấp VII, xảy ra ở khu vực có các hồ chứa thủy lợi, hồ chứa thủy điện; hoặc cường độ chấn động trên mặt đất quan trắc được từ cấp VII đến cấp VIII xảy ra ở khu vực nông thôn.
4. Rủi ro thiên tai cấp độ 4 khi cường độ chấn động trên mặt đất quan trắc được từ cấp VII đến cấp VIII, xảy ra ở khu vực đô thị hoặc khu vực có các hồ chứa thủy lợi, hồ chứa thủy điện.
5. Rủi ro thiên tai cấp độ 5 khi cường độ chấn động trên mặt đất quan trắc được lớn hơn cấp VIII, xảy ra ở bất kỳ khu vực nào thuộc lãnh thổ Việt Nam.
Như vậy, rủi ro thiên tai động đất nặng nhất là rủi ro thiên tai cấp độ 5 khi cường độ chấn động trên mặt đất quan trắc được lớn hơn cấp VIII, xảy ra ở bất kỳ khu vực nào thuộc lãnh thổ Việt Nam.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.