Thế vị giao dịch trong chứng khoán phái sinh có phải là hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh không?
- Thế vị giao dịch trong chứng khoán phái sinh có phải là hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh không?
- Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam có được từ chối thế vị trong giao dịch chứng khoán phái sinh không?
- Đối với hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam có các nghĩa vụ nào?
Thế vị giao dịch trong chứng khoán phái sinh có phải là hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh không?
Thế vị là việc thay thế một bên trong hợp đồng hoặc giao dịch chứng khoán phái sinh bằng một bên khác, trong đó bên thay thế kế thừa tất cả các quyền lợi và nghĩa vụ có liên quan đến hợp đồng hoặc giao dịch chứng khoán phái sinh của bên bị thay thế. (theo quy định tại khoản 20 Điều 3 Nghị định 158/2020/NĐ-CP)
Đồng thời, theo khoản 18 Điều 3 Nghị định 158/2020/NĐ-CP có quy định như sau:
Giải thích từ ngữ
...
18. Bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh là các hoạt động bao gồm ký quỹ, đối chiếu, xác nhận kết quả giao dịch, xử lý lỗi, thế vị giao dịch, bù trừ, xác định nghĩa vụ thanh toán, chuyển giao tiền hoặc chuyển giao tiền và tài sản cơ sở vào ngày thanh toán.
Như vậy, thế vị giao dịch cũng được hiểu là một hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh.
Thế vị giao dịch trong chứng khoán phái sinh có phải là hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh không? (Hình từ Internet).
Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam có được từ chối thế vị trong giao dịch chứng khoán phái sinh không?
Theo quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 28 Nghị định 158/2020/NĐ-CP về quyền của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam như sau:
Quyền của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam đối với hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh
...
4. Quyền của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam đối với thành viên bù trừ:
a) Yêu cầu thành viên bù trừ ký quỹ và đóng góp vào quỹ bù trừ;
b) Yêu cầu thành viên bù trừ báo cáo đầy đủ, kịp thời, chi tiết về hoạt động giao dịch, bù trừ thanh toán, tài khoản và tài sản ký quỹ của nhà đầu tư;
c) Xác định các loại ký quỹ, điều chỉnh mức ký quỹ, danh mục tài sản được chấp nhận ký quỹ;
d) Xác định, điều chỉnh giới hạn vị thế;
đ) Thực hiện các giao dịch đối ứng, chuyển các vị thế đứng tên thành viên bù trừ mất khả năng thanh toán hoặc phá sản sang thành viên bù trừ thay thế để đóng vị thế;
e) Xác định giá trị và phương thức bồi thường trong trường hợp thành viên bù trừ không đủ tiền để thanh toán hoặc chứng khoán để chuyển giao;
g) Được từ chối thế vị đối với các giao dịch không hợp lệ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
5. Thực hiện các hoạt động sau đây nhằm bảo vệ nhà đầu tư và an toàn của thị trường:
a) Được từ chối thế vị đối với các giao dịch thực hiện sau khi Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam đã thông báo cho Sở giao dịch chứng khoán để đình chỉ giao dịch đối với thành viên bù trừ và thành viên giao dịch không bù trừ có hợp đồng ủy thác bù trừ, thanh toán với thành viên bù trừ đó (nếu có);
...
Như vậy, theo quy định nêu trên thì Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam được từ chối thế vị đối với các giao dịch sau đây:
- Giao dịch không hợp lệ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính;
- Các giao dịch thực hiện sau khi Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam đã thông báo cho Sở giao dịch chứng khoán để đình chỉ giao dịch đối với thành viên bù trừ và thành viên giao dịch không bù trừ có hợp đồng ủy thác bù trừ, thanh toán với thành viên bù trừ đó (nếu có);
Đối với hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam có các nghĩa vụ nào?
Căn cứ Điều 29 Nghị định 158/2020/NĐ-CP quy định nghĩa vụ của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam đối với hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh bao gồm:
(1) Bảo đảm hệ thống công nghệ thông tin, hạ tầng kỹ thuật cho hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh; tổ chức thực hiện và giám sát hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh bảo đảm an toàn, hiệu quả, công bằng và khách quan.
(2) Thiết lập, vận hành hệ thống quản trị rủi ro và xây dựng cơ chế bảo đảm thanh toán cho hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh.
(3) Kiểm tra, giám sát thành viên bù trừ trong việc tuân thủ quy chế của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam và quy định của pháp luật; kịp thời báo cáo đầy đủ, chính xác về hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh, hoạt động của các thành viên bù trừ cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo quy định hoặc khi có yêu cầu hoặc khi phát hiện vi phạm.
(4) Phối hợp, hướng dẫn thành viên bù trừ trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh.
(5) Trong hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ, cam kết của mình chỉ đối với thành viên bù trừ, không chịu trách nhiệm với bên thứ ba.
(6) Thiết lập hệ thống bảo đảm quản lý tách biệt tài khoản, tài sản của thành viên bù trừ với tài khoản, tài sản của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam; tách biệt tài khoản, tài sản của từng thành viên bù trừ; tách biệt tài khoản, tài sản của thành viên bù trừ và các khách hàng của chính thành viên bù trừ đó.
(7) Quản lý và sử dụng quỹ bù trừ, quỹ phòng ngừa rủi ro nghiệp vụ theo quy định của pháp luật.
(8) Các nghĩa vụ khác quy định tại khoản 2 Điều 55 Luật Chứng khoán và quy định của pháp luật liên quan.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.