Thế trận phòng không nhân dân là gì? Việc xây dựng thế trận phòng không nhân dân gồm những nội dung nào?
Thế trận phòng không nhân dân là gì?
Căn cứ khoản 1 Điều 3 Nghị định 74/2015/NĐ-CP thì thế trận phòng không nhân dân là tổng thể các yếu tố, các lợi thế về địa hình, lực lượng, bố trí trang thiết bị phòng không để tiến hành các hoạt động tác chiến phòng không, phù hợp với kế hoạch tác chiến của khu vực phòng thủ.
Phòng không nhân dân (Hình từ Internet)
Việc xây dựng thế trận phòng không nhân dân gồm những nội dung nào?
Theo Điều 17 Nghị định 74/2015/NĐ-CP quy định về xây dựng thế trận phòng không nhân dân như sau:
Xây dựng thế trận phòng không nhân dân
Thế trận phòng không nhân dân gồm:
1. Xây dựng hệ thống các đài quan sát, thông báo, báo động phòng không.
2. Xây dựng hệ thống trận địa phòng tránh, đánh trả địch tiến công đường không; các trận địa phòng tránh trọng điểm phòng không nhân dân.
3. Xác định các khu vực sơ tán, phân tán, phòng tránh lực lượng, phương tiện ở từng cấp.
4. Xây dựng các trận địa bắn mục tiêu trên không, trận địa phục kích đón lõng của các tỉnh, thành phố, địa bàn trọng điểm phòng không.
5. Xây dựng vị trí bảo đảm phục vụ phòng không nhân dân trong căn cứ hậu phương, căn cứ chiến đấu của khu vực phòng thủ các cấp.
Theo đó, việc xây dựng thế trận phòng không nhân dân gồm những nội dung được quy định tại Điều 17 nêu trên.
Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng trong việc xây dựng thế trận phòng không nhân dân là gì?
Theo quy định tại Điều 25 Nghị định 74/2015/NĐ-CP về trách nhiệm Bộ Quốc phòng như sau:
Trách nhiệm Bộ Quốc phòng
1. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, Ban, ngành Trung ương và địa phương chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân. Chịu trách nhiệm trước Chính phủ về kết quả phòng không nhân dân.
2. Chủ trì chỉ đạo xây dựng Bộ đội địa phương, lực lượng Dân quân tự vệ phòng không và lực lượng Dự bị động viên phòng không theo quy định của pháp luật.
3. Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các quân khu, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện xây dựng thế trận phòng không nhân dân trong khu vực phòng thủ.
4. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện nghiên cứu, xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, an ninh và thế trận phòng không nhân dân trong khu vực phòng thủ; kiểm tra, rà soát, điều chỉnh phù hợp với thực tế của địa phương.
5. Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương về tham mưu tác chiến phòng không trong khu vực phòng thủ; diễn tập phòng không nhân dân; diễn tập khu vực phòng thủ có triển khai nội dung phòng không nhân dân.
6. Hàng năm, chủ trì phối hợp với các Bộ, Ban, ngành Trung ương, địa phương kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân; chỉ đạo các quân khu tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân theo quy định của pháp luật.
Như vậy, Bộ Quốc phòng có trách nhiệm phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các quân khu, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện xây dựng thế trận phòng không nhân dân trong khu vực phòng thủ.
Đồng thời phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện nghiên cứu, xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, an ninh và thế trận phòng không nhân dân trong khu vực phòng thủ; kiểm tra, rà soát, điều chỉnh phù hợp với thực tế của địa phương.
Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm gì trong việc xây dựng thế trận phòng không nhân dân?
Theo Điều 27 Nghị định 74/2015/NĐ-CP về trách nhiệm Ủy ban nhân dân các cấp như sau:
Trách nhiệm Ủy ban nhân dân các cấp
1. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về phòng không nhân dân ở địa phương; ban hành các văn bản chỉ đạo, tổ chức xây dựng lực lượng, xây dựng công sự, trận địa, kế hoạch phòng không nhân dân và tổ chức triển khai thực hiện theo thẩm quyền.
2. Bố trí ngân sách địa phương để thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân theo phân cấp ngân sách hiện hành.
3. Phối hợp với Bộ Tư lệnh quân khu hoặc Bộ Quốc phòng quy hoạch các dự án, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương gắn với quốc phòng, an ninh và thế trận phòng không nhân dân trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
4. Tổ chức sơ kết, tổng kết và thực hiện thi đua, khen thưởng về thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân.
5. Cơ quan quân sự các cấp có trách nhiệm tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp mình về tổ chức xây dựng và bảo đảm hoạt động phòng không nhân dân.
Như vậy, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tư lệnh quân khu hoặc Bộ Quốc phòng quy hoạch các dự án, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương gắn với quốc phòng, an ninh và thế trận phòng không nhân dân trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.