Thẻ BHYT hết hạn khi đang nằm viện thì có được thanh toán viện phí không? Thủ tục gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình?
Thẻ BHYT hết hạn khi đang nằm viện thì có được bảo hiểm thanh toán viện phí không?
Căn cứ khoản 9 Điều 27 Nghị định 146/2018/NĐ-CP có quy định về trường hợp thẻ BHYT hết hạn khi người lao động đang nằm viện như sau:
Thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh một số trường hợp
...
9. Trường hợp người có thẻ bảo hiểm y tế đang điều trị nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhưng thẻ bảo hiểm y tế hết hạn sử dụng thì được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng và mức hưởng cho đến khi ra viện nhưng tối đa không vượt quá 15 ngày kể từ ngày thẻ bảo hiểm y tế hết hạn sử dụng. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm thông báo cho người bệnh và cơ quan bảo hiểm xã hội nơi ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để người bệnh tiếp tục tham gia bảo hiểm y tế, cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện việc cấp hoặc gia hạn thẻ bảo hiểm y tế cho người bệnh trong thời gian đang điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
...
Như vậy, trường hợp người lao động đang trong thời gian nằm viện để khám chữa bệnh mà thẻ BHYT hết hạn sử dụng thì người lao động bẫn được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí trong phạm vi được hưởng và mức hưởng cho đến khi ra viện nhưng tối đa không vượt quá 15 ngày kể từ ngày thẻ bảo hiểm y tế hết hạn sử dụng.
Bên cạnh đó, người lao động cũng cần phải làm thủ tục gia hạn thẻ BHYT theo hướng dẫn của cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan bảo hiểm xã hội nếu đang trong thời gian điều trị.
Thẻ BHYT hết hạn khi đang nằm viện thì có được thanh toán viện phí không? Thủ tục gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình? (Hình từ Internet)
Thủ tục gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình như thế nào?
Căn cứ Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định 1231/QĐ-BHXH năm 2022 hướng dẫn trình tự thủ tục gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình như sau:
Bước 1: Đăng ký tài khoản (trường hợp cá nhân chưa có tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công BHXH).
Nếu đã có tài khoản, thực hiện việc đăng nhập tại địa chỉ https://dichvucong.gov.vn hoặc địa chỉ https://dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn,
Bước 2: Lựa chọn dịch vụ thanh toán trực tuyến
- Cách 1: Người sử dụng đăng nhập Cổng Dịch vụ công của BHXH Việt Nam và chọn mục: “ĐÓNG BHXH ĐIỆN TỬ”, sau đó chọn “Gia hạn thẻ BHYT theo HGĐ tích hợp giảm trừ mức đóng”.
- Cách 2: Người tham gia đăng nhập vào Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Chọn dịch vụ “Thanh toán trực tuyến”, chọn "Đóng BHXH tự nguyện và BHYT theo hộ gia đình", chọn mục “Gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình”.
Cổng Dịch vụ công quốc gia thực hiện điều hướng sang Cổng Dịch vụ công của BHXH Việt Nam.
Bước 3: Người tham gia kê khai thông tin chủ hộ và các thành viên trong hộ gia đình theo hướng dẫn trên Cổng dịch vụ công BHXH Việt Nam.
Bước 4: Xác thực thông tin
Sau khi kê khai thông tin đầy đủ theo yêu cầu, người tham gia thực hiện xác nhận thông tin
Trường hợp xác thực các thông tin các thành viên trong CSDL quốc gia về Dân cư có cùng đăng ký thường trú hoặc có cùng đăng ký tạm trú là đúng sẽ thông báo:
- Thông tin tham gia BHYT của từng thành viên;
- Số tiền phải đóng của từng thành viên hộ gia đình theo thứ tự được giảm trừ mức đóng BHYT hộ gia đình.
Trường hợp xác thực thông tin các thành viên trong CSDL quốc gia về Dân cư không cùng đăng ký thường trú hoặc không cùng đăng ký tạm trú: Hệ thống thông báo đến người kê khai: Các thành viên kê khai không cùng địa chỉ thường trú hoặc không cùng địa chỉ tạm trú trong CSDL quốc gia về dân cư, đề nghị liên hệ trực tiếp với cơ quan công an nơi cư trú để được hướng dẫn cập nhật, điều chỉnh thông tin nơi cư trú của các thành viên.”
Bước 5: Thanh toán
Sau khi xác thực thông tin thành công, người tham gia chọn “Thanh toán” và thực hiện thanh toán theo hướng dẫn (người tham gia có thể lựa chọn ngân hàng hoặc qua trung gian thanh toán).
Thanh toán thành công, ngân hàng/trung gian thanh toán thông báo đến người kê khai: Biên lai thu tiền.
Bước 6: Khi hệ thống BHXH nhận được chứng từ điện tử từ ngân hàng, Hệ thống BHXH tự động thực hiện gia hạn thẻ BHYT cho người tham gia theo quy định và Thông báo kết quả gia hạn thành công tới người kê khai.
Mức đóng bảo hiểm y tế hằng tháng của người lao động là bao nhiêu?
Căn cứ khoản 1 Điều 13 Luật Bảo hiểm y tế 2008 (sửa đổi bởi khoản 7 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014) quy định về mức đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế như sau:
Mức đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế
1. Mức đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế được quy định như sau:
a) Mức đóng hằng tháng của đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 của Luật này tối đa bằng 6% tiền lương tháng, trong đó người sử dụng lao động đóng 2/3 và người lao động đóng 1/3. Trong thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì mức đóng hằng tháng tối đa bằng 6% tiền lương tháng của người lao động trước khi nghỉ thai sản và do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng;
....
Theo quy định vừa nêu thì mức đóng bảo hiểm y tế hằng tháng của người lao động tối đa bằng 6% tiền lương tháng. Trong đó người sử dụng lao động đóng 2/3 và người lao động đóng 1/3.
Trong thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì mức đóng hằng tháng tối đa bằng 6% tiền lương tháng của người lao động trước khi nghỉ thai sản và do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.