Thẻ bảo hiểm y tế ở công ty cũ có giá trị sử dụng đến thời điểm nào? Quyền lợi được hưởng khi tham gia bảo hiểm y tế đủ 8 năm liên tục?

Trường hợp em đóng bảo hiểm y tế được 8 năm liên tục. Bây giờ em chuyển công ty phải thử việc 2 tháng không đóng bảo hiểm y tế thì bị ngắt quãng thời gian tham gia bảo hiểm y tế như vậy thì có bị mất đi thời điểm 8 năm liên tục không? Có phải khi đủ 8 năm liên tục thì sẽ được hưởng 100% mức hưởng bảo hiểm y tế đúng không? Em nghe nói nếu nghỉ việc ở công ty cũ thì thẻ bảo hiểm y tế vẫn có giá trị sử dụng 1 tháng sau đó thì có đúng không? Mong được giải đáp thắc mắc sớm nhất, xin cảm ơn!

Bị gián đoạn bảo hiểm y tế 2 tháng thì có bị mất 8 năm đóng bảo hiểm y tế liên tục không?

Căn cứ theo quy định tại khoản 5 Điều 12 Nghị định 146/2018/NĐ-CP như sau:

“Điều 12. Thẻ bảo hiểm y tế
5. Thời gian tham gia bảo hiểm y tế 05 năm liên tục trở lên đối với đối tượng phải cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh. Thời gian tham gia bảo hiểm y tế liên tục là thời gian sử dụng ghi trên thẻ bảo hiểm y tế lần sau nối tiếp lần trước; trường hợp gián đoạn tối đa không quá 03 tháng.”

Như vậy, theo quy định trên thì thời gian tham gia bảo hiểm y tế 08 năm liên tục trở lên là thời gian sử dụng ghi trên thẻ bảo hiểm y tế lần sau nối tiếp lần trước; trường hợp gián đoạn tối đa không quá 03 tháng.

Do vậy, khi bạn chuyển công ty và thử việc 02 tháng thì nếu thẻ bảo hiểm y tế của bạn không bị gián đoạn quá 3 tháng thì bạn vẫn được ghi nhận 8 năm tham gia bảo hiểm y tế liên tục.

Bảo hiểm y tế

Bảo hiểm y tế (Hình từ Internet)

Quyền lợi được hưởng khi tham gia bảo hiểm y tế đủ 8 năm liên tục được pháp luật quy định như thế nào?

Căn cứ theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế 2008, được sửa đổi khoản 15 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014 như sau:

“Điều 22. Mức hưởng bảo hiểm y tế
1. Người tham gia bảo hiểm y tế khi đi khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại các điều 26, 27 và 28 của Luật này thì được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng với mức hưởng như sau:
c) 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến;
d) 95% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với đối tượng quy định tại điểm a khoản 2, điểm k khoản 3 và điểm a khoản 4 Điều 12 của Luật này;
đ) 80% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với các đối tượng khác.”

Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 27 Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định:

"Điều 27. Thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh một số trường hợp
3. Thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh có thời gian tham gia bảo hiểm y tế 05 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong năm lớn hơn 06 tháng lương cơ sở theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 14 Nghị định này
[...]"

Theo đó, để được nâng mức hưởng bảo hiểm y tế lên 100% khi tham gia bảo hiểm y tế liên tục thì bạn phải đáp ứng hai điều kiện đó là có đủ thời gian tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục ghi trên thẻ bảo hiểm y tế và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở.

Do đó, nếu bạn chỉ đáp ứng điều kiện đủ 5 năm liên tục mà không có số tiền cùng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì mức hưởng bảo hiểm y tế theo đối tượng doanh nghiệp của bạn vẫn là 80% thì quy định.

Thẻ bảo hiểm y tế ở công ty cũ có giá trị sử dụng đến thời điểm nào?

Căn cứ vào Điều 50 Quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành Quyết định 595/QĐ- BHXH năm 2017 quy định như sau:

“Điều 50. Trách nhiệm của người tham gia, đơn vị, Đại lý thu
2. Trách nhiệm của đơn vị, Đại lý thu
2.1. Đơn vị
a) Thực hiện lập, nộp hồ sơ; trích nộp tiền BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN theo đúng quy trình, quy định tại Văn bản này và quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN. Trường hợp đơn vị lập danh sách báo giảm chậm, đơn vị phải đóng số tiền BHYT của các tháng báo giảm chậm và thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến hết các tháng đó.”

Bên cạnh đó, căn cứ theo quy định tại Mục 9 Công văn 1734/BHXH-QLT năm 2017 thì:

“9. Quy định về cấp và quản lý thẻ BHYT
9.7. Khi có phát sinh giảm người lao động, đơn vị phải kịp thời lập danh sách báo giảm gửi cơ quan BHXH qua hệ thống giao dịch điện tử ngay trong tháng (tính đến ngày cuối cùng của tháng đó). Nếu báo giảm sau ngày cuối cùng của tháng giảm thì phải phải đóng hết giá trị thẻ BHYT của tháng kế tiếp và thẻ có giá trị sử dụng hết tháng đó. Cơ quan BHXH không thu hồi thẻ các trường hợp báo giảm.”

Như vậy, theo quy định này thì trường hợp thẻ bảo hiểm y tế theo đối tượng doanh nghiệp sẽ có giá trị sử dụng đến hết tháng mà công ty làm thủ tục báo giảm đóng BHXH.

Do đó, để biết thẻ bảo hiểm y tế của bạn có giá trị sử dụng đến thời điểm nào thì bạn phải xác định thời điểm công ty bạn làm thủ tục báo giảm với bên cơ quan BHXH.

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Nguyễn Anh Hương Thảo Lưu bài viết
3,621 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào