Thành viên kinh doanh có phải đảm bảo hạch toán riêng hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa không?
- Thành viên kinh doanh có phải đảm bảo hạch toán riêng hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa không?
- Thành viên kinh doanh không đảm bảo hạch toán riêng hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa bị phạt bao nhiêu?
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền xử phạt thành viên kinh doanh là tổ chức không đảm bảo hạch toán riêng hoạt động mua bán hàng hóa không?
Thành viên kinh doanh có phải đảm bảo hạch toán riêng hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa không?
Căn cứ Điều 23 Nghị định 158/2006/NĐ-CP quy định như sau:
Nghĩa vụ của thành viên kinh doanh
1. Thực hiện nghiêm chỉnh và đầy đủ các nghĩa vụ phát sinh từ các giao dịch qua Sở Giao dịch hàng hóa.
2. Ký quỹ bảo đảm tư cách thành viên, ký quỹ giao dịch trước khi thực hiện các giao dịch qua Sở Giao dịch hàng hóa.
3. Nộp phí thành viên, phí giao dịch và các loại phí khác theo quy định của Điều lệ hoạt động của Sở Giao dịch hàng hóa.
4. Thiết lập hệ thống kiểm soát nội bộ, quản trị rủi ro và giám sát, ngăn ngừa những xung đột lợi ích trong nội bộ và trong giao dịch.
5. Trong trường hợp nhận uỷ thác, phải ký kết hợp đồng uỷ thác bằng văn bản với khách hàng và chỉ được thực hiện giao dịch cho khách hàng khi nhận được lệnh uỷ thác giao dịch từ khách hàng.
6. Cung cấp đầy đủ, trung thực và kịp thời thông tin cho khách hàng.
7. Lưu giữ đầy đủ các chứng từ và tài khoản phản ánh chi tiết, chính xác các giao dịch cho khách hàng và cho chính mình.
8. Ưu tiên thực hiện lệnh uỷ thác giao dịch của khách hàng trước lệnh giao dịch của chính mình.
9. Giao dịch trung thực và công bằng, vì lợi ích của khách hàng.
10. Đảm bảo hạch toán riêng hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa của từng khách hàng và của chính mình.
11. Thực hiện chỉ định của Sở Giao dịch hàng hóa theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Nghị định này;
12. Các nghĩa vụ khác theo quy định của Nghị định này và Điều lệ hoạt động của Sở Giao dịch hàng hóa.
Chiếu theo quy định này, đảm bảo hạch toán riêng hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa của từng khách hàng và của chính mình là một trong những nghĩa vụ mà thành viên kinh doanh phải bảo đảm.
Mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa (hình từ Internet)
Thành viên kinh doanh không đảm bảo hạch toán riêng hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa bị phạt bao nhiêu?
Căn cứ khoản 3 Điều 77 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định như sau:
Hành vi vi phạm về mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa
...
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với thành viên của sở giao dịch hàng hóa có một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không đảm bảo hạch toán riêng hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa của từng khách hàng và của chính mình;
b) Không lưu giữ hợp đồng ủy thác giao dịch, các lệnh ủy thác giao dịch và các yêu cầu điều chỉnh hoặc hủy lệnh ủy thác giao dịch của khách hàng;
c) Không lưu giữ đầy đủ các chứng từ và tài khoản phản ánh chi tiết, chính xác các giao dịch cho khách hàng và cho chính mình;
d) Không thông báo cho khách hàng về lý do chấm dứt tư cách thành viên và việc thực hiện nghĩa vụ hợp đồng ủy thác của khách hàng;
đ) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng việc thông báo các giao dịch cho khách hàng theo quy định;
e) Không ký hợp đồng ủy thác giao dịch bằng văn bản với khách hàng theo quy định của pháp luật hoặc thực hiện giao dịch cho khách hàng khi chưa nhận được lệnh ủy thác giao dịch từ khách hàng;
g) Làm môi giới mà không có hợp đồng với khách hàng theo quy định;
h) Nhận ủy thác giao dịch cho khách hàng không đúng quy định.
Lưu ý mức xử phạt hành chính này là mức phạt đối với thành viên là cá nhân không đảm bảo hạch toán riêng hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa.
Đối với tổ chức, mức xử phạt hành chính sẽ nhân hai với cùng hành vi vi phạm (theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 4 Nghị định 98/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP).
Như vậy nếu thành viên kinh doanh (là doanh nghiệp) không đảm bảo hạch toán riêng hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Và theo khoản 9 Điều 77 này quy định người vi phạm còn phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền xử phạt thành viên kinh doanh là tổ chức không đảm bảo hạch toán riêng hoạt động mua bán hàng hóa không?
Căn cứ khoản 2 Điều 81 Nghị định 98/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 44 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP quy định như sau:
Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp
...
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 100.000.000 đồng đối với các hành vi vi phạm quy định tại Mục 2 và Mục 9 Chương II của Nghị định này; phạt tiền đến 50.000.000 đồng đối với các hành vi vi phạm khác quy định tại Nghị định này;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;
đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm b, c, đ, e, g, h, i, k và l khoản 3 Điều 4 của Nghị định này.
Như đã phân tích ở trên, mức xử phạt hành chính tối đa đối với thành viên là tổ chức không đảm bảo hạch toán riêng hoạt động mua bán hàng hóa là 20.000.000 đồng (thấp hơn mức tối đa mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền xử phạt).
Do đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền xử phạt thành viên là tổ chức không đảm bảo hạch toán riêng hoạt động mua bán hàng hóa.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.