Tháng hành động vì trẻ em là gì? Tháng hành động vì trẻ em được tổ chức vào tháng 6 hằng năm đúng không?
Tháng hành động vì trẻ em được tổ chức vào tháng 6 hằng năm đúng không?
Theo quy định tại Điều 11 Luật Trẻ em 2016 về tháng hành động vì trẻ em như sau:
Tháng hành động vì trẻ em
1. Tháng hành động vì trẻ em được tổ chức vào tháng 6 hằng năm để thúc đẩy phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; tuyên truyền, phổ biến, vận động cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân thực hiện chính sách, chương trình, kế hoạch, dự án, xây dựng các công trình và vận động nguồn lực cho trẻ em.
2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan để chỉ đạo, tổ chức và hướng dẫn thực hiện Tháng hành động vì trẻ em.
Đồng thời theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Thông tư 28/2019/TT-BLĐTBXH về tổ chức Tháng hành động vì trẻ em như sau:
Tổ chức Tháng hành động vì trẻ em
...
2. Thời gian tổ chức phát động Tháng hành động vì trẻ em
Thời gian tổ chức phát động Tháng hành động vì trẻ em vào tuần cuối tháng 5 hoặc ngày 01 tháng 6 hằng năm.
Theo đó, tháng hành động vì trẻ em được tổ chức vào tháng 6 hằng năm trên toàn quốc, thời gian phát động vào tuần cuối tháng 5 hoặc ngày 1 tháng 6 hằng năm nhằm mục đích:
- Thúc đẩy phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.
- Tuyên truyền, phổ biến, vận động các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân thực hiện tốt chính sách, chương trình, kế hoạch, dự án, xây dựng các công trình và vận động nguồn lực cho công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.
- Nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của công tác bảo vệ trẻ em, trách nhiệm của các cấp, ngành, gia đình và cá nhân trong việc bảo vệ trẻ em.
- Phát hiện, kịp thời giải quyết các vi phạm về quyền trẻ em, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, bạo lực, xâm hại trẻ em.
Đây là hoạt động do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan chỉ đạo, tổ chức và hướng dẫn thực hiện.
Tháng hành động vì trẻ em (Hình từ Internet)
Kinh phí tiến hành tổ chức tháng hành động vì trẻ em lấy từ đâu?
Kinh phí tổ chức tháng hành động vì trẻ em được quy định tại Điều 6 Thông tư 28/2019/TT-BLĐTBXH, cụ thể kinh phí tổ chức được bố trí từ những nguồn sau đây:
- Trong dự toán chi thường xuyên của các cơ quan, đơn vị theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành;
- Hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Những hoạt động nào được tổ chức trong Tháng hành động vì trẻ em?
Những hoạt động thường được tổ chức trong tháng hành động vì trẻ em, tháng 6 hằng năm được quy định tại Điều 3 Thông tư 28/2019/TT-BLĐTBXH như sau:
(1) Tổ chức các hoạt động truyền thông
- Tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách, chương trình, kế hoạch, dự án cho trẻ em;
- Xây dựng các thông điệp triển khai chủ đề, nội dung hoạt động của Tháng hành động vì trẻ em;
- Xây dựng các tài liệu, sản phẩm truyền thông;
- Tổ chức hoạt động xã hội vì trẻ em tại cộng đồng.
(2) Vận động nguồn lực
Quỹ Bảo trợ trẻ em, quỹ tài chính ngoài ngân sách, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, cơ quan, tổ chức hoạt động vì trẻ em vận động sự đóng góp tự nguyện của cơ quan, tổ chức, cá nhân ở trong nước, nước ngoài để thực hiện các mục tiêu về trẻ em được Nhà nước ưu tiên hoặc xây dựng các công trình cho trẻ em phù hợp với quy định của pháp luật.
(3) Tổ chức các hoạt động thúc đẩy sự tham gia của trẻ em
- Tổ chức diễn đàn, hội nghị, hội thảo, tọa đàm để trẻ em bày tỏ ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng của trẻ em hoặc để các cơ quan, tổ chức đối thoại, thăm dò, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của trẻ em đối với các vấn đề về trẻ em hoặc liên quan đến trẻ em;
- Tổ chức câu lạc bộ, đội, nhóm của trẻ em; các chương trình, hoạt động do trẻ em khởi xướng và thực hiện tại địa phương; các hoạt động khác thúc đẩy sự tham gia của trẻ em;
- Tổ chức các lớp hướng dẫn trẻ em về kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em và các vấn đề liên quan đến trẻ em phù hợp với độ tuổi, mức độ trưởng thành và phát triển của trẻ em.
(4) Tiếp nhận và quản lý trẻ em về sinh hoạt hè tại xã, phường, thị trấn, cộng đồng dân cư.
(5) Tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa, thể thao, du lịch và tham quan di tích, thắng cảnh bảo đảm an toàn, lành mạnh cho trẻ em.
(6) Kiểm tra, rà soát, phát hiện và có biện pháp khắc phục kịp thời những nơi không an toàn, có nguy cơ xảy ra tai nạn, thương tích trẻ em.
(7) Thực hiện phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em theo quy định pháp luật về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền trẻ em và bổn phận của trẻ em.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.