Thân nhân có thể nhận toàn bộ lương hưu còn lại của người đã mất hay không? Thủ tục, hồ sơ hưởng chế độ tử tuất cho thân nhân cán bộ hưu trí được quy định như thế nào?

Ba mình là cán bộ viên chức đã về hưu được 2 năm. Không may, ba mình mới mất và mới nhận được lương hưu 2 năm thông qua chuyển khoản của ngân hàng VCB. Bây giờ gia đình mình muốn nhận lại toàn bộ lương hưu của ba thì liên hệ với cơ quan, bộ phận nào, và giấy tờ thủ tục ra sao? Mẹ mình hiện tại không có thu nhập cá nhân và đang nuôi em mình học. Trong trường hợp này, mình nghe nói nhà nước có hỗ trợ cho thân nhân của cán bộ hưu trí đã mất một khoản tiền, cụ thể 700.000/tháng. Giấy tờ và thủ tục cũng như mình cần liên hệ với cơ quan để xác nhận?

*BHXH: Bảo hiểm xã hội

*TNLĐ: Tai nạn lao động

*BNN: Bệnh nghề nghiệp

*GĐYK: Giám định y khoa

Thân nhân có thể nhận toàn bộ lương hưu còn lại của người đã mất hay không?

Theo thông tin bạn cung cấp thì bố bạn đang thuộc đối tượng hưởng lương hưu nhưng bố bạn mất thì sẽ không còn được hưởng lương hưu trí nữa mà thay vào đó sẽ hưởng chế độ tử tuất. Cụ thể:

(1) Trợ cấp mai táng: Theo quy định khi bố anh mất thì sẽ được mức trợ cấp tuất hàng tháng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà bố bạn mất.

Theo quy định tại Điều 66 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, theo đó:

- Những người sau đây khi chết thì người lo mai táng được nhận một lần trợ cấp mai táng:

+ Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 của Luật này đang đóng bảo hiểm xã hội hoặc người lao động đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội mà đã có thời gian đóng từ đủ 12 tháng trở lên;

+ Người lao động chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc chết trong thời gian điều trị do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

+ Người đang hưởng lương hưu; hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng đã nghỉ việc.

- Trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người quy định tại khoản 1 Điều này chết.

- Người quy định tại khoản 1 Điều này bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp mai táng quy định tại khoản 2 Điều này.

(2) Trợ cấp tuất hàng tháng:

Theo quy định tại Điều 67 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định như sau:

- Những người quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 66 của Luật này thuộc một trong các trường hợp sau đây khi chết thì thân nhân được hưởng tiền tuất hằng tháng:

+ Đã đóng bảo hiểm xã hội đủ 15 năm trở lên nhưng chưa hưởng bảo hiểm xã hội một lần;

+ Đang hưởng lương hưu;

+ Chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

+ Đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng với mức suy giảm khả năng lao động từ 61 % trở lên.

- Thân nhân của những người quy định tại khoản 1 Điều này được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng, bao gồm:

+ Con chưa đủ 18 tuổi; con từ đủ 18 tuổi trở lên nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; con được sinh khi người bố chết mà người mẹ đang mang thai;

+ Vợ từ đủ 55 tuổi trở lên hoặc chồng từ đủ 60 tuổi trở lên; vợ dưới 55 tuổi, chồng dưới 60 tuổi nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

+ Cha đẻ, mẹ đẻ, cha đẻ của vợ hoặc cha đẻ của chồng, mẹ đẻ của vợ hoặc mẹ đẻ của chồng, thành viên khác trong gia đình mà người tham gia bảo hiểm xã hội đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình nếu từ đủ 60 tuổi trở lên đối với nam, từ đủ 55 tuổi trở lên đối với nữ;

+ Cha đẻ, mẹ đẻ, cha đẻ của vợ hoặc cha đẻ của chồng, mẹ đẻ của vợ hoặc mẹ đẻ của chồng, thành viên khác trong gia đình mà người tham gia bảo hiểm xã hội đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình nếu dưới 60 tuổi đối với nam, dưới 55 tuổi đối với nữ và bị suy giảm khả năng lao động từ 81 % trở lên.

- Thân nhân quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều này phải không có thu nhập hoặc có thu nhập hằng tháng nhưng thấp hơn mức lương cơ sở. Thu nhập theo quy định tại Luật này không bao gồm khoản trợ cấp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công.

- Thời hạn đề nghị khám giám định mức suy giảm khả năng lao động để hưởng trợ cấp tuất hằng tháng như sau:

+ Trong thời hạn 04 tháng kể từ ngày người tham gia bảo hiểm xã hội chết thì thân nhân có nguyện vọng phải nộp đơn đề nghị;

+ Trong thời hạn 04 tháng trước hoặc sau thời điểm thân nhân quy định tại điểm a khoản 2 Điều này hết thời hạn hưởng trợ cấp theo quy định thì thân nhân có nguyện vọng phải nộp đơn đề nghị.

Như vậy, trong trường hợp này, gia đình bạn sẽ được nhận trợ cấp mai táng từ cơ quan BHXH, còn trợ cấp tiền tử tuất hàng tháng (nếu gia đình bạn sau khi bố bạn mất chỉ còn em bạn, bạn và mẹ bạn) sẽ chia thành những trường hợp sau:

+ Nếu bạn, em bạn chưa đủ 18 tuổi và mẹ bạn từ 55 tuổi trở lên không có thu nhập cá nhân thì gia đình sẽ có 03 người được nhận trợ cấp tiền tử tuất hàng tháng

+ Nếu bạn đã đủ 18 tuổi, đồng thời không bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; em bạn chưa đủ 18 tuổi; mẹ bạn từ 55 tuổi trở lên và không có thu nhập cá nhân thì chỉ có em bạn và mẹ bạn được nhận tiền tử tuất hàng tháng

+ Nếu bạn và em bạn đã đủ 18 tuổi đồng thời không bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; mẹ bạn từ 55 tuổi trở lên và không có thu nhập cá nhân thì gia đình chỉ có mẹ bạn được nhận tiền tử tuất hàng tháng.

Thân nhân có thể nhận toàn bộ lương hưu còn lại của người đã mất hay không?

Thân nhân có thể nhận toàn bộ lương hưu còn lại của người đã mất hay không?

Mức trợ cấp tuất hàng tháng

Căn cứ Điều 68 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về mức trợ cấp tuất hằng tháng như sau:

- Mức trợ cấp tuất hằng tháng đối với mỗi thân nhân bằng 50% mức lương cơ sở; trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức lương cơ sở.

- Trường hợp một người chết thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 67 của Luật này thì số thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng không quá 04 người; trường hợp có từ 02 người chết trở lên thì thân nhân của những người này được hưởng 02 lần mức trợ cấp quy định tại khoản 1 Điều này.

- Thời điểm hưởng trợ cấp tuất hằng tháng được thực hiện kể từ tháng liền kề sau tháng mà đối tượng quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 66 của Luật này chết. Trường hợp khi bố chết mà người mẹ đang mang thai thì thời điểm hưởng trợ cấp tuất hằng tháng của con tính từ tháng con được sinh.

Căn cứ khoản 2 Điều 3 Nghị định 38/2019/NĐ-CP quy định như sau:

"2. Từ ngày 01 tháng 7 năm 2019, mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng/tháng."

Như vậy, trong trường hợp bạn đã đủ 18 tuổi đồng thời không bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên thì mức nhận trợ cấp tiền tử tuất của mẹ bạn và em bạn (nếu chưa đủ 18 tuổi) như sau:

- Em bạn hưởng trợ cấp tiền tử tuất hằng tháng bằng 50% mức lương cơ sở tương đương: 745.000 đồng/tháng

- Mẹ bạn được hưởng trợ cấp tiền tử tuất hằng tháng bằng 70% mức lương cơ sở tương đương: 1.043.000 đồng/tháng cho đến khi em bạn đủ 18 tuổi, sau đó hưởng trợ cấp tuất hằng tháng bằng 50% mức lương cơ sở.

Trong trường hợp bạn chưa đủ 18 tuổi hoặc bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên thì hưởng trợ cấp tiền tử tuất hằng tháng bằng 50% mức lương cơ sở tương đương: 745.000 đồng/tháng, mức hưởng của mẹ và em bạn cũng như trên.

Hồ sơ hưởng chế độ tử tuất

Căn cứ Điều 6 quy trình giải quyết hưởng các chế độ BHXH, chi trả các chế độ BHXH, BHTN ban hành kèm theo Quyết định 166/QĐ-BHXH 2019 quy định hồ sơ hưởng chế độ tử tuất (được sửa đổi bởi khoản 3 mục I Công văn 3194/BHXH-CSXH năm 2020) bao gồm:

Đối với thân nhân hưởng chế độ tử tuất: Hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều 111 Luật BHXH; khoản 1 Điều 15 Nghị định số 143/2018/NĐ- CP; Điều 6 Nghị định số 88/2020/NĐ-CP; mẫu số 04C-HBKV (ban hành kèm theo Thông tư số 181/2016/TT-BQP đối với người có thời gian phục vụ trong quân đội trước ngày 01/01/2007 tại địa bàn có hưởng phụ cấp khu vực mà sổ BHXH không thể hiện đầy đủ thông tin làm căn cứ tính phụ cấp khu vực); khoản 4 Điều 25 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH, gồm:

- Trường hợp thân nhân của người đang đóng BHXH, đang bảo lưu thời gian đóng BHXH:

+ Sổ BHXH.

+ Bản sao giấy chứng tử hoặc bản sao giấy báo tử hoặc trích lục khai tử hoặc bản sao quyết định tuyên bố là đã chết của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

+ Tờ khai của thân nhân theo mẫu số 09-HSB.

+ Biên bản giám định mức suy giảm KNLĐ của Hội đồng GĐYK đối với thân nhân bị suy giảm KNLĐ từ 81% trở lên (bản chính, trường hợp người lao động đã có biên bản GĐYK để hưởng các chính sách khác trước đó mà đủ điều kiện hưởng thì có thể thay bằng bản sao) hoặc bản sao giấy xác nhận khuyết tật mức độ đặc biệt nặng (tương đương mức suy giảm KNLĐ từ 81% trở lên) theo quy định tại Thông tư số 01/2019/TT-BLĐTBXH trong trường hợp hưởng trợ cấp tuất hàng tháng do suy giảm KNLĐ.

+ Trường hợp chết do TNLĐ, BNN thì có thêm biên bản điều tra TNLĐ hoặc bệnh án điều trị BNN.

+ Trường hợp thanh toán phí GĐYK thì có thêm hóa đơn, chứng từ thu phí giám định; bảng kê các nội dung giám định của cơ sở thực hiện GĐYK.

+ Bản khai cá nhân về thời gian, địa bàn phục vụ trong quân đội có hưởng phụ cấp khu vực theo mẫu số 04C-HBKV ban hành kèm theo Thông tư số 181/2016/TT-BQP đối với người có thời gian phục vụ trong quân đội trước ngày 01/01/2007 tại địa bàn có hưởng phụ cấp khu vực mà sổ BHXH không thể hiện đầy đủ thông tin làm căn cứ tính phụ cấp khu vực.

- Đối với thân nhân của người đang hưởng hoặc tạm dừng hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng: Hồ sơ như nêu tại các nội dung a2, a3, a4, a6 thuộc a tiết này.

Như vậy gia đình bạn chuẩn bị hồ sơ nêu trên nộp lên cơ quan nơi bố bạn trước đây công tác, cơ quan sẽ có trách nhiệm nộp hồ sơ hưởng chế độ tử tuất cho Cơ quan BHXH để giải quyết.

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

10,869 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào