Tàu thuyền nước ngoài đi qua không gây hại neo đậu trái phép trong lãnh hải Việt Nam bị xử phạt như thế nào theo quy định của pháp luật?

Cho tôi hỏi tàu thuyền nước ngoài đi qua không gây hại có được neo đậu lại trong một khu vực bất kỳ khi đi qua lãnh hải Việt Nam hay không? Nếu không thì sẽ bị xử phạt như thế nào khi neo đậu trái phép? Và cảnh sát viên cảnh sát biển đang thực hiện nhiệm vụ có quyền phạt hành chính đối với hành vi đó hay không? Câu hỏi của chị N.M (Hải Phòng).

Tàu thuyền nước ngoài đi qua không gây hại có được neo đậu lại trong một khu vực bất kỳ khi đi qua lãnh hải Việt Nam hay không?

Tàu thuyền nước ngoài

Tàu thuyền nước ngoài (Hình từ Internet)

Theo khoản 1 Điều 23 Luật Biển Việt Nam 2012 quy định về đi qua không gây hại trong lãnh hải như sau:

Đi qua không gây hại trong lãnh hải
1. Đi qua lãnh hải là việc tàu thuyền nước ngoài đi trong lãnh hải Việt Nam nhằm một trong các mục đích sau:
a) Đi ngang qua nhưng không đi vào nội thủy Việt Nam, không neo đậu lại trong một công trình cảng, bến hay nơi trú đậu ở bên ngoài nội thủy Việt Nam;
b) Đi vào hoặc rời khỏi nội thủy Việt Nam hay đậu lại hoặc rời khỏi một công trình cảng, bến hay nơi trú đậu ở bên ngoài nội thủy Việt Nam.
...

Theo quy định trên, tàu thuyền nước ngoài không được neo đậu lại trong một công trình cảng, bến hay nơi trú đậu ở bên ngoài nội thủy khi đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam.

Tàu thuyền nước ngoài đi qua không gây hại neo đậu trái phép trong lãnh hải Việt Nam bị xử phạt như thế nào?

Theo Điều 5 Nghị định 162/2013/NĐ-CP về các hành vi vi phạm quy định về đi qua không gây hại trong lãnh hải như sau:

Vi phạm các quy định về đi qua không gây hại trong lãnh hải
1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi dừng lại, neo đậu trái phép trong nội thủy, lãnh hải Việt Nam.
2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi cập mạn, tiếp xúc với tàu thuyền khác trong nội thủy, lãnh hải Việt Nam.
3. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi đi vào vùng cấm hoặc vùng hạn chế hoạt động trong lãnh hải Việt Nam.
4. Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Bốc, dỡ, trao đổi, mua bán hàng hóa, tiền tệ hay đưa người lên xuống tàu thuyền trái với quy định của pháp luật Việt Nam về hải quan, thuế, y tế hoặc xuất nhập cảnh.
5. Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Xả khói mù, bắn các loại súng, phóng các tín hiệu hoặc sử dụng các vật liệu nổ trong nội thủy, lãnh hải vào bất cứ mục đích gì, trừ trường hợp bắn đạn tín hiệu cấp cứu và bắn súng chào theo quy định của pháp luật Việt Nam.
6. Phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Tuyên truyền nhằm gây hại đến quốc phòng, an ninh của Việt Nam;
b) Phóng đi, tiếp nhận hay xếp phương tiện bay, phương tiện khác lên tàu thuyền.
7. Phạt tiền từ 800.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Thu thập thông tin trái phép liên quan đến quốc phòng, an ninh của Việt Nam;
b) Luyện tập hay diễn tập trái phép dưới bất kỳ hình thức nào.
8. Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 4, 5, 6 và Khoản 7 Điều này.
9. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc người và tàu thuyền vi phạm rời khỏi vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 5, 6 và Khoản 7 Điều này.

Căn cứ Khoản 1 Điều 5 Thông tư 105/2022/TT-BQP, quy định về hành vi vi phạm các quy định về đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam như sau:

Hành vi vi phạm các quy định về đi qua không gây hại trong lãnh hải quy định tại Điều 5 Nghị định số 162/2013/NĐ-CP
1. Hành vi dừng lại, neo đậu trái phép trong lãnh hải Việt Nam quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 162/2013/NĐ-CP là hành vi của tàu thuyền nước ngoài đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam nhưng dừng lại hoặc neo đậu trong lãnh hải Việt Nam mà không phải do gặp sự cố hàng hải, sự cố bất khả kháng, gặp nạn hoặc vì mục đích cứu giúp người, tàu thuyền hay tàu bay đang gặp nạn.
...

Theo đó, hành vi dừng lại, neo đậu trái phép trong lãnh hải Việt Nam theo quy định trên là hành vi của tàu thuyền nước ngoài đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam nhưng dừng lại hoặc neo đậu trong lãnh hải Việt Nam mà không phải do gặp sự cố hàng hải, sự cố bất khả kháng, gặp nạn hoặc vì mục đích cứu giúp người, tàu thuyền hay tàu bay đang gặp nạn.

Như vậy, tàu thuyền nước ngoài đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam nhưng dừng lại, neo đậu trái phép trong nội thủy, lãnh hải Việt Nam có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

Đây là mức xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân vi phạm, trường hợp tổ chức thực hiện hành vi dừng lại, neo đậu trái phép trong nội thủy, lãnh hải Việt Nam thì mức phạt sẽ bằng 02 lần mức phạt đối với cá nhân tức là mức phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng (theo khoản 2 Điều 3 Nghị định 162/2013/NĐ-CP sửa đổi bởi điểm a khoản 3 Điều 3 Nghị định 37/2022/NĐ-CP).

Cảnh sát viên cảnh sát biển đang thực hiện nhiệm vụ có quyền phạt hành chính đối với tổ chức nước ngoài neo đậu tàu thuyền trái phép trên lãnh hải Việt Nam hay không?

Theo khoản 1 Điều 28 Nghị định 162/2013/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 20 Điều 3 Nghị định 37/2022/NĐ-CP) quy định về thẩm quyền xử phạt của Cảnh sát biển Việt Nam như sau:

Thẩm quyền xử phạt của Cảnh sát biển Việt Nam
1. Cảnh sát viên Cảnh sát biển đang thi hành công vụ có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 1.500.000 đồng.

Theo đó, cảnh sát viên Cảnh sát biển đang thi hành công vụ có quyền phạt cảnh cáo và phạt hành chính với mức phạt đến 1.500.000 đồng.

Đây là thẩm quyền phạt hành chính đối với cá nhân, thẩm quyền phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần đối với cá nhân tức là cảnh sát viên cảnh sát biển Việt Nam đang thực hiện nhiệm vụ có quyền phạt hành chính cao nhất đến 3.000.000 đồng đối với tổ chức có hành vi vi phạm trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của Việt Nam (theo khoản 3 Điều 3 Nghị định 162/2013/NĐ-CP).

Tuy nhiên, đối với tổ chức nước ngoài neo đậu tàu thuyền trái phép trên lãnh hải Việt Nam, mức phạt hành chính cao nhất có thể lên đến 60.000.000 đồng nên cảnh sát viên cảnh sát biển đang thực hiện nhiệm vụ không có quyền phạt hành chính đối với tổ chức nước ngoài neo đậu tàu thuyền trái phép trên lãnh hải Việt Nam.

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

1,738 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào