Tập thể Ủy ban Kiểm tra Tổng Liên đoàn vi phạm trong việc ban hành, tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng thì sẽ bị xử lý kỷ luật bằng hình thức gì?
- Tập thể Ủy ban Kiểm tra Tổng Liên đoàn vi phạm trong việc ban hành, tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng thì sẽ bị xử lý kỷ luật bằng hình thức gì?
- Cơ quan nào có thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với tập thể Ủy ban Kiểm tra Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam?
- Tập thể Ủy ban Kiểm tra Tổng Liên đoàn bị xử lý kỷ luật có quyền khiếu nại đối với quyết định kỷ luật hay không?
Tập thể Ủy ban Kiểm tra Tổng Liên đoàn vi phạm trong việc ban hành, tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng thì sẽ bị xử lý kỷ luật bằng hình thức gì?
Tập thể Ủy ban Kiểm tra Tổng Liên đoàn (Hình từ Internet)
Theo Điều 27 Quy định xử lý kỷ luật trong tổ chức công đoàn ban hành kèm theo Quyết định 5130/QĐ-TLĐ năm 2022 quy định như sau:
Vi phạm trong việc ban hành, tổ chức thực hiện nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, của Công đoàn và chính sách, pháp luật của Nhà nước
1. Vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách:
a) Không triển khai, tổ chức thực hiện nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của Công đoàn theo chức năng, nhiệm vụ hoặc ban hành nghị quyết, chỉ thị, quy định trái nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của Công đoàn.
b) Buông lỏng lãnh đạo, quản lý, không đôn đốc, kiểm tra cấp dưới trực tiếp triển khai, tổ chức thực hiện nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của Công đoàn dẫn đến không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc có vi phạm.
c) Đơn vị, cơ quan, tổ chức có vi phạm trong việc tổ chức thực hiện nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của Công đoàn nhưng cố tình che giấu không xử lý.
2. Vi phạm lần đầu những trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này gây hậu quả nghiêm trọng hoặc tái vi phạm thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo.
3. Vi phạm đặc biệt nghiêm trọng trong việc ban hành, tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của Công đoàn thì kỷ luật bằng hình thức giải tán.
Theo đó, tập thể Ủy ban Kiểm tra Tổng Liên đoàn vi phạm trong việc ban hành, tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng tùy theo từng mức độ sau đây để xác định hình thức kỷ luật tương ứng, cụ thể:
- Có hành vi vi phạm mà gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách.
- Có hành vi vi phạm lần đầu mà gây hậu quả nghiêm trọng hoặc tái vi phạm thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo.
- Có hành vi vi phạm đặc biệt nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức giải tán.
Cơ quan nào có thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với tập thể Ủy ban Kiểm tra Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam?
Theo điểm a khoản 1 Điều 9 Quy định xử lý kỷ luật trong tổ chức công đoàn ban hành kèm theo Quyết định 5130/QĐ-TLĐ năm 2022 quy định như sau:
Thẩm quyền xử lý kỷ luật của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
1. Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn xử lý kỷ luật đối với:
a) Tập thể Đoàn Chủ tịch, tập thể Ủy ban Kiểm tra Tổng Liên đoàn;
b) Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tổng Liên đoàn;
c) Tập thể ban chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương, công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn.
2. Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn xử lý kỷ luật đối với:
a) Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành trung ương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn không phải là ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn;
b) Tập thể ban thường vụ, tập thể Ủy ban kiểm tra Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương, công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn.
c) Nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tổng Liên đoàn đã chuyển công tác, nghỉ việc hoặc nghỉ hưu.
Theo đó, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn có thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với tập thể Ủy ban Kiểm tra Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Tập thể Ủy ban Kiểm tra Tổng Liên đoàn bị xử lý kỷ luật có quyền khiếu nại đối với quyết định kỷ luật hay không?
Theo Điều 16 Quy định xử lý kỷ luật trong tổ chức công đoàn ban hành kèm theo Quyết định 5130/QĐ-TLĐ năm 2022 quy định như sau:
Khiếu nại
Tổ chức, tập thể ban chấp hành, ban thường vụ, ủy ban kiểm tra, cán bộ, đoàn viên bị xử lý kỷ luật có quyền khiếu nại đối với quyết định kỷ luật theo quy định, nhưng khi chưa được tổ chức công đoàn có thẩm quyền giải quyết thì vẫn phải chấp hành nghiêm quyết định kỷ luật đã công bố.
Khiếu nại thuộc thẩm quyền xử lý kỷ luật của cấp nào thì cấp đó giải quyết lần đầu. Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn là cấp giải quyết khiếu nại cuối cùng thuộc thẩm quyền của Đoàn Chủ tịch và Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn. Trường hợp khiếu nại thuộc thẩm quyền xử lý kỷ luật của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn thì Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn là cấp giải quyết khiếu nại cuối cùng.
Thời hiệu khiếu nại lần đầu là 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định kỷ luật; thời hiệu khiếu nại lần hai là 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu.
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại thuộc thẩm quyền, tổ chức công đoàn phải thụ lý giải quyết và thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân chuyển khiếu nại biết, trường hợp không thụ lý giải quyết thì phải nêu rõ lý do.
Thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý; đối với trường hợp phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày kể từ ngày thụ lý.
Căn cứ quy định nêu trên thì tập thể Ủy ban Kiểm tra Tổng Liên đoàn bị xử lý kỷ luật có quyền khiếu nại đối với quyết định kỷ luật.
Tuy nhiên, khi chưa được tổ chức công đoàn có thẩm quyền giải quyết thì vẫn phải chấp hành nghiêm quyết định kỷ luật đã công bố.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.