Tập quán về hôn nhân và gia đình được áp dụng trong trường hợp nào theo quy định của pháp luật?
- Tập quán về hôn nhân và gia đình được áp dụng trong trường hợp nào?
- Có phải thực hiện việc hòa giải khi giải quyết vụ, việc hôn nhân và gia đình có áp dụng tập quán hay không?
- Trách nhiệm về xây dựng danh mục tập quán về hôn nhân và gia đình được áp dụng được quy định thế nào?
- Tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình là những tập quán nào?
Tập quán về hôn nhân và gia đình được áp dụng trong trường hợp nào?
Tập quán về hôn nhân và gia đình được giải thích tại khoản 4 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 là quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng về quyền, nghĩa vụ của các bên trong quan hệ hôn nhân và gia đình, được lặp đi, lặp lại trong một thời gian dài và được thừa nhận rộng rãi trong một vùng, miền hoặc cộng đồng.
Áp dụng tập quán về hôn nhân và gia đình được quy định tại Điều 7 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, cụ thể như sau:
Áp dụng tập quán về hôn nhân và gia đình
1. Trong trường hợp pháp luật không quy định và các bên không có thỏa thuận thì tập quán tốt đẹp thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc, không trái với nguyên tắc quy định tại Điều 2 và không vi phạm điều cấm của Luật này được áp dụng.
2. Chính phủ quy định chi tiết khoản 1 Điều này.
Như vậy, tập quán về hôn nhân và gia đình được áp dụng trong trường hợp pháp luật không quy định và các bên không có thỏa thuận.
Lưu ý: Tập quán về hôn nhân và gia đình không được trái với nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình theo quy định tại Điều 2 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và không vi phạm điều cấm của Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
Tập quán về hôn nhân và gia đình được áp dụng trong trường hợp nào theo quy định của pháp luật? (Hình từ Internet)
Có phải thực hiện việc hòa giải khi giải quyết vụ, việc hôn nhân và gia đình có áp dụng tập quán hay không?
Giải quyết vụ, việc hôn nhân và gia đình có áp dụng tập quán được quy định tại Điều 4 Nghị định 126/2014/NĐ-CP như sau:
Giải quyết vụ, việc hôn nhân và gia đình có áp dụng tập quán
1. Trường hợp giải quyết vụ, việc hôn nhân và gia đình có áp dụng tập quán thì thực hiện việc hòa giải theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở, khuyến khích sự tham gia hòa giải của người có uy tín trong cộng đồng, chức sắc tôn giáo.
2. Trường hợp hòa giải không thành hoặc vụ, việc hôn nhân và gia đình có áp dụng tập quán không thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở thì Tòa án giải quyết vụ, việc đó theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
Như vậy, phải thực hiện việc hòa giải ở cơ sở đối với trường hợp giải quyết vụ, việc hôn nhân và gia đình có áp dụng tập quán.
Trường hợp vụ, việc hôn nhân và gia đình có áp dụng tập quán không thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở thì Tòa án giải quyết vụ, việc đó theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
Trách nhiệm về xây dựng danh mục tập quán về hôn nhân và gia đình được áp dụng được quy định thế nào?
Trách nhiệm về xây dựng danh mục tập quán được áp dụng được quy định tại Điều 6 Nghị định 126/2014/NĐ-CP, cụ thể như sau:
(1) Trong thời hạn ba năm kể từ ngày Nghị định 126/2014/NĐ-CP có hiệu lực, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) có trách nhiệm xây dựng, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp phê duyệt danh mục các tập quán về hôn nhân và gia đình được áp dụng tại địa phương.
(2) Căn cứ vào thực tiễn áp dụng tập quán về hôn nhân và gia đình tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp sửa đổi, bổ sung danh mục tập quán đã ban hành.
Tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình là những tập quán nào?
Tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình là những tập quán nào thì căn cứ quy định tại Điều 5 Nghị định 126/2014/NĐ-CP sau đây:
Tuyên truyền, vận động nhân dân về áp dụng tập quán
1. Các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các cấp phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng, thực hiện các chính sách, biện pháp sau đây:
a) Tạo điều kiện để người dân thực hiện các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình; phát huy truyền thống, tập quán tốt đẹp thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc, xóa bỏ tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình;
b) Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hôn nhân và gia đình, vận động người dân phát huy truyền thống, tập quán tốt đẹp và xóa bỏ tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình;
c) Giáo dục thế hệ trẻ bảo tồn, phát triển ngôn ngữ, chữ viết và phát huy các giá trị văn hóa trong tập quán tốt đẹp của mỗi dân tộc.
2. Tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình là tập quán trái với những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 2 của Luật Hôn nhân và gia đình hoặc vi phạm điều cấm quy định tại Khoản 2 Điều 5 của Luật Hôn nhân và gia đình.
Ban hành kèm theo Nghị định này Danh mục tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình cần vận động xóa bỏ hoặc cấm áp dụng.
Đối chiếu theo quy định trên thì tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình là tập quán trái với những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình hoặc vi phạm điều cấm của Luật Hôn nhân và gia đình.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.