Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam có tư cách pháp nhân không? Ngành nghề kinh doanh chính của Tập đoàn là gì?
Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam có tư cách pháp nhân không?
Theo khoản 1 và khoản 2 Điều 2 Điều lệ Tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (sau đây gọi tắt là Điều lệ) ban hành kèm theo Nghị định 105/2018/NĐ-CP có quy định như sau:
"Điều 2. Tên và trụ sở Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam
1. Tên đầy đủ: Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.
2. Tên giao dịch bằng tiếng Việt: Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.
Tên viết tắt bằng tiếng Việt: TKV."
Dẫn chiếu đến Điều 3 Điều lệ ban hành kèm theo Nghị định 105/2018/NĐ-CP có quy định về tư cách pháp nhân của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam như sau:
"Điều 3. Hình thức pháp lý, tư cách pháp nhân và chức năng, nhiệm vụ của TKV
1. TKV là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ, hoạt động theo quy định của pháp luật và theo Điều lệ này.
2. TKV có tư cách pháp nhân, con dấu riêng, biểu tượng, thương hiệu, tài khoản tiền đồng Việt Nam và ngoại tệ mở tại Kho bạc Nhà nước, các ngân hàng trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật. TKV có vốn và tài sản riêng, chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác bằng toàn bộ tài sản của mình; chịu trách nhiệm dân sự và thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với các công ty con, công ty liên kết trong phạm vi số vốn do TKV đầu tư.
3. TKV có các chức năng, nhiệm vụ cơ bản sau:
a) Đầu tư tài chính vào các công ty con, các công ty liên kết; chi phối các công ty con, các công ty liên kết theo mức độ chiếm giữ vốn điều lệ của các công ty đó theo quy định của pháp luật và Điều lệ này;
b) Trực tiếp kinh doanh có lợi nhuận và hiệu quả theo quy định của pháp luật;
c) Thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu phần vốn tại các công ty con và công ty liên kết tương ứng với phần vốn đầu tư của TKV tại các doanh nghiệp này. Các quan hệ kinh tế phát sinh giữa TKV và công ty con, công ty liên kết được thể hiện bằng hợp đồng;
d) TKV được Nhà nước giao nhiệm vụ thực hiện chức năng chủ thể quản lý tài nguyên khoáng sản than, bô xít, đồng, sắt, vàng, bạc, thiếc, kẽm và các khoáng sản khác theo quy định của pháp luật;
đ) Đầu mối thực hiện những công việc mà Nhà nước trực tiếp giao cho TKV tổ chức thực hiện trong Tập đoàn các công ty TKV, gồm: Động viên công nghiệp; nhận và phân bổ vốn ngân sách; lập và điều hành kế hoạch phối hợp kinh doanh; định hướng phân công lĩnh vực hoạt động và ngành, nghề sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp thành viên; tổ chức công tác tài chính, kế toán, thống kê; hình thành, quản lý và sử dụng các chi phí tập trung; công tác lao động, tiền lương, y tế, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; công tác an toàn lao động, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường; công tác ứng dụng khoa học, công nghệ; đặt tên các đơn vị trong Tập đoàn các công ty TKV; sử dụng tên, thương hiệu của Tập đoàn TKV; công tác hành chính, đối ngoại và thủ tục nhân sự xuất, nhập cảnh; công tác thi đua khen thưởng, văn hóa, thể thao, công tác xã hội và các nội dung khác theo thỏa thuận của các doanh nghiệp thành viên Tập đoàn các công ty TKV.
4. TKV được Nhà nước giao quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên trữ lượng than, bôxít và các khoáng sản khác theo quy định của pháp luật; vốn nhà nước đầu tư vào TKV; một số công trình thuộc kết cấu hạ tầng có tính chất liên mỏ, liên khu vực.
5. TKV giữ vai trò trung tâm, lãnh đạo, quản lý và chi phối hoạt động của các công ty con theo quy định của pháp luật và Điều lệ này nhằm đạt hiệu quả kinh doanh cao nhất của Tập đoàn các công ty TKV và của từng công ty con."
Như vậy, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (hay còn được gọi là TKV) được tổ chức theo loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, có tư cách pháp nhân và con dấu riêng.
Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam
Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đề ra mục tiêu hoạt động như thế nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 4 Điều lệ ban hành kèm theo Nghị định 105/2018/NĐ-CP có quy định về mục tiêu hoạt động của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam cụ thể như sau:
"Điều 4. Mục tiêu hoạt động và ngành, nghề kinh doanh của TKV
1. Mục tiêu hoạt động:
a) Kinh doanh có lãi, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư tại TKV;
b) Phát triển công nghiệp than, công nghiệp bô xít - alumin - nhôm, công nghiệp khoáng sản, công nghiệp điện, vật liệu nổ công nghiệp và các ngành, nghề khác một cách bền vững; đáp ứng nhu cầu than của nền kinh tế; hoàn thành các nhiệm vụ do Nhà nước giao;
c) Tối đa hóa hiệu quả hoạt động của Tập đoàn các công ty TKV."
Ngành nghề kinh doanh chính của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam là gì?
Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 4 Điều lệ, ban hành kèm theo Nghị định 105/2018/NĐ-CP, ngành nghề kinh doanh chính của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam bao gồm:
- Công nghiệp than: Khảo sát, thăm dò, đầu tư, xây dựng, khai thác, vận tải, sàng tuyển, chế biến, mua, bán, xuất khẩu, nhập khẩu các sản phẩm than, khí mỏ, nước ngầm ở mỏ và các khoáng sản khác đi cùng với than.
- Công nghiệp khoáng sản - luyện kim: Khảo sát, thăm dò, đầu tư, xây dựng, khai thác, vận tải, sàng tuyển, làm giàu quặng, luyện kim, gia công, chế tác, mua, bán, xuất khẩu, nhập khẩu các sản phẩm khoáng sản.
- Công nghiệp điện: Đầu tư, xây dựng, sản xuất điện; mua, bán điện.
- Vật liệu nổ công nghiệp: Sản xuất, mua, bán, dự trữ, sử dụng, xuất nhập khẩu các loại vật liệu nổ công nghiệp và nitơrat amôn.
Như vậy, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam được tổ chức theo loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, có tư cách pháp nhân và có con dấu riêng.
Pháp luật hiện hành cũng quy định cụ thể mục tiêu hoạt động cũng như các ngành, nghề kinh doanh chính của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.