Tạm ứng hợp đồng với nhà thầu là gì? Mức tạm ứng hợp đồng là bao nhiêu? Một gói thầu được ký bao nhiêu hợp đồng?
Tạm ứng hợp đồng với nhà thầu là gì? Mức tạm ứng hợp đồng là bao nhiêu?
Căn cứ Điều 110 Nghị định 24/2024/NĐ-CP quy định về tạm ứng hợp đồng với nhà thầu như sau:
Tạm ứng hợp đồng
1. Tạm ứng hợp đồng là khoản kinh phí được ứng trước cho nhà thầu để triển khai thực hiện các công việc theo hợp đồng.
2. Tùy theo quy mô, tính chất của gói thầu để xác định mức tạm ứng, phù hợp với quy định của pháp luật (nếu có). Hợp đồng phải quy định về mức tạm ứng, thời điểm tạm ứng, bảo lãnh tạm ứng, thu hồi tạm ứng; trách nhiệm của các bên trong việc quản lý, sử dụng kinh phí tạm ứng; thu giá trị của bảo lãnh tạm ứng trong trường hợp sử dụng kinh phí tạm ứng không đúng mục đích.
3. Nhà thầu chịu trách nhiệm quản lý việc sử dụng vốn tạm ứng đúng mục đích, đúng đối tượng, có hiệu quả. Nghiêm cấm việc tạm ứng mà không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích.
Theo đó, có thể hiểu tạm ứng hợp đồng với nhà thầu là khoản kinh phí được ứng trước cho nhà thầu để triển khai thực hiện các công việc theo hợp đồng.
Cũng theo quy định này thì tùy theo quy mô, tính chất của gói thầu để xác định mức tạm ứng, phù hợp với quy định của pháp luật (nếu có).
Do đó, hiện tại pháp luật không có quy định cụ thể mức tạm ứng hợp đồng với nhà thầu là bao nhiêu. Mức tạm ứng này sẽ tùy thuộc vào quy mô, tính chất của gói thầu mà các bên có thể thỏa thuận để tạm ứng sao cho phù hợp.
Tạm ứng hợp đồng với nhà thầu là gì? Mức tạm ứng hợp đồng là bao nhiêu? (Hình từ Internet)
Một gói thầu được ký bao nhiêu hợp đồng với nhà thầu?
Việc ký kết hợp đồng với nhà thầu được lựa chọn được quy định tại Điều 67 Luật Đấu thầu 2023 như sau:
Ký kết hợp đồng với nhà thầu được lựa chọn
Việc ký kết hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu được thực hiện như sau:
1. Một gói thầu được thực hiện theo một hợp đồng; trong một hợp đồng có thể áp dụng một hoặc nhiều loại hợp đồng quy định tại Điều 64 của Luật này; đối với gói thầu mua sắm tập trung hoặc gói thầu chia thành nhiều phần, một gói thầu có thể thực hiện theo nhiều hợp đồng tương ứng với một hoặc một số phần. Trường hợp áp dụng nhiều loại hợp đồng thì phải quy định rõ loại hợp đồng tương ứng với từng nội dung công việc cụ thể;
2. Hợp đồng được ký kết giữa các bên phải phù hợp với nội dung trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, kết quả thương thảo hợp đồng (nếu có), quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, trong đó nêu rõ phạm vi công việc dành cho nhà thầu phụ đặc biệt (nếu có) và giá trị công việc tối đa dành cho nhà thầu phụ. Giá trị công việc tối đa dành cho nhà thầu phụ không bao gồm khối lượng công việc dành cho nhà thầu phụ đặc biệt;
...
Như quy định trên đã nêu thì một gói thầu được thực hiện theo một hợp đồng. Điều này cũng có nghĩa là một gói thầu chỉ được ký một đồng với nhà thầu.
Tuy nhiên, trong một hợp đồng với nhà thầu có thể áp dụng một hoặc nhiều loại hợp đồng khác nhau được quy định tại Điều 64 Luật Đấu thầu 2023; đối với gói thầu mua sắm tập trung hoặc gói thầu chia thành nhiều phần, một gói thầu có thể thực hiện theo nhiều hợp đồng tương ứng với một hoặc một số phần.
Lưu ý: Trường hợp áp dụng nhiều loại hợp đồng thì phải quy định rõ loại hợp đồng tương ứng với từng nội dung công việc cụ thể.
Khi ký kết hợp đồng với nhà thầu, văn bản hợp đồng phải đảm bảo yêu cầu gì?
Căn cứ Điều 105 Nghị định 24/2024/NĐ-CP quy định về hợp đồng đối với nhà thầu được lựa chọn như sau:
Hợp đồng đối với nhà thầu được lựa chọn
1. Hợp đồng ký kết giữa chủ đầu tư (hoặc đơn vị được ủy quyền) với nhà thầu là hợp đồng dân sự và được xác lập bằng văn bản. Người đại diện theo pháp luật hoặc người được đại diện theo pháp luật ủy quyền (sau đây gọi là đại diện hợp pháp) của nhà thầu có trách nhiệm ký hợp đồng; đối với nhà thầu liên danh, đại diện hợp pháp của các thành viên liên danh chịu trách nhiệm ký hợp đồng theo quy định tại khoản 3 Điều 67 của Luật Đấu thầu. Hợp đồng đã được các bên ký kết, có hiệu lực và phù hợp với quy định của pháp luật là cơ sở pháp lý cao nhất ràng buộc trách nhiệm, nghĩa vụ của các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng và để giải quyết tranh chấp phát sinh (nếu có).
Nội dung của hợp đồng phải được lập theo mẫu quy định trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, đồng thời phù hợp với kết quả thương thảo hợp đồng (nếu có), kết quả hoàn thiện hợp đồng, kết quả lựa chọn nhà thầu trên cơ sở yêu cầu của gói thầu và hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành.
2. Khi ký kết hợp đồng, văn bản hợp đồng phải đảm bảo phù hợp với các nội dung sau:
a) Điều kiện chung của hợp đồng, điều kiện cụ thể của hợp đồng trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và các nội dung hiệu chỉnh, bổ sung, làm rõ trong quá trình lựa chọn nhà thầu;
b) Các nội dung đề xuất của nhà thầu trong hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất được chủ đầu tư chấp thuận và các nội dung thống nhất giữa hai bên trong quá trình thương thảo hợp đồng (nếu có), hoàn thiện hợp đồng;
c) Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu;
d) Quy định của pháp luật.
...
Theo đó, khi ký kết hợp đồng với nhà thầu, văn bản hợp đồng phải đảm bảo phù hợp với các nội dung sau:
- Điều kiện chung của hợp đồng, điều kiện cụ thể của hợp đồng trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và các nội dung hiệu chỉnh, bổ sung, làm rõ trong quá trình lựa chọn nhà thầu;
- Các nội dung đề xuất của nhà thầu trong hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất được chủ đầu tư chấp thuận và các nội dung thống nhất giữa hai bên trong quá trình thương thảo hợp đồng (nếu có), hoàn thiện hợp đồng;
- Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu;
- Quy định của pháp luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.