Tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động là gì? Thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động có tính vào phép năm không?

Trong đợt dịch bên công ty chị có có ký tạm hoãn hợp đồng lao động (2-3 tháng). Chị muốn hỏi ngày nghỉ này có tính vào phép năm hay không, vì công ty có chính sách các bạn quay lại công ty làm việc thì được thanh toán 50% cho những ngày nghỉ tạm hoãn?

Quy định của pháp luật về hợp đồng lao động

Căn cứ Điều 13 Bộ luật Lao động 2019 quy định về hợp đồng lao động như sau:

- Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.

Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.

- Trước khi nhận người lao động vào làm việc thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động.

Căn cứ Điều 28 Bộ luật Lao động 2019 quy định về thực hiện công việc theo hợp đồng lao động như sau:

"Công việc theo hợp đồng lao động phải do người lao động đã giao kết hợp đồng thực hiện. Địa điểm làm việc được thực hiện theo hợp đồng lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác."

Tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động là gì?

Căn cứ Điều 30 Bộ luật Lao động 2019 quy định về tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động như sau:

- Các trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động bao gồm:

+ Người lao động thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ;

+ Người lao động bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự;

+ Người lao động phải chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc cơ sở giáo dục bắt buộc;

+ Lao động nữ mang thai theo quy định tại Điều 138 của Bộ luật này;

+ Người lao động được bổ nhiệm làm người quản lý doanh nghiệp của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;

+ Người lao động được ủy quyền để thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp;

+ Người lao động được ủy quyền để thực hiện quyền, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với phần vốn của doanh nghiệp đầu tư tại doanh nghiệp khác;

+ Trường hợp khác do hai bên thỏa thuận.

- Trong thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người lao động không được hưởng lương và quyền, lợi ích đã giao kết trong hợp đồng lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.

Tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động

Thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động có tính vào phép năm không?

Căn cứ quy định tại Điều 65 Nghị định 145/2020/NĐ-CP thì thời gian được coi là thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ hằng năm của người lao động bao gồm:

- Thời gian học nghề, tập nghề theo quy định tại Điều 61 của Bộ luật Lao động nếu sau khi hết thời gian học nghề, tập nghề mà người lao động làm việc cho người sử dụng lao động.

- Thời gian thử việc nếu người lao động tiếp tục làm việc cho người sử dụng lao động sau khi hết thời gian thử việc.

- Thời gian nghỉ việc riêng có hưởng lương theo khoản 1 Điều 115 của Bộ luật Lao động.

- Thời gian nghỉ việc không hưởng lương nếu được người sử dụng lao động đồng ý nhưng cộng dồn không quá 01 tháng trong một năm.

- Thời gian nghỉ do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhưng cộng dồn không quá 6 tháng.

- Thời gian nghỉ do ốm đau nhưng cộng dồn không quá 02 tháng trong một năm.

- Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

- Thời gian thực hiện các nhiệm vụ của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà được tính là thời gian làm việc theo quy định của pháp luật.

- Thời gian phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của người lao động.

- Thời gian nghỉ vì bị tạm đình chỉ công việc nhưng sau đó được kết luận là không vi phạm hoặc không bị xử lý kỷ luật lao động.

Theo các căn cứ pháp luật nêu trên, thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động không được xác định là thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ hằng năm của người lao động.

Do đó, về nguyên tắc, thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động thì người sử dụng lao động và người lao động tạm dừng thực hiện quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng đã giao kết. Vì vậy, thời gian tạm hoãn này về bản chất không phải là thời gian làm việc của người lao động.

Ngoài ra, các quy định pháp luật hiện hành cũng không ghi nhận về trường hợp sau khi hết thời hạn thực hiện hợp đồng người sử dụng lao động thanh toán 50% tiền lương cho số ngày tạm hoãn, nếu bản chất của thỏa thuận này là “tạm hoãn thực hiện hợp đồng” theo quan điểm cá nhân của người hỗ trợ thì thời gian tạm hoãn không được coi là thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ hằng năm của người lao động.

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

8,764 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào