Tài liệu trong đơn đăng ký bảo hộ quyền đối với giống cây trồng theo quy định gồm những giấy tờ nào?
Quyền đối với giống cây trồng được xác lập dựa trên cơ sở nào?
Đăng ký bảo hộ quyền đối với giống cây trồng (hình từ Internet)
Căn cứ Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định như sau:
Căn cứ phát sinh, xác lập quyền sở hữu trí tuệ
1. Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.
2. Quyền liên quan phát sinh kể từ khi cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá được định hình hoặc thực hiện mà không gây phương hại đến quyền tác giả.
3. Quyền sở hữu công nghiệp được xác lập như sau:
a) Quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật này hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; đối với nhãn hiệu nổi tiếng, quyền sở hữu được xác lập trên cơ sở sử dụng, không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký;
b) Quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại được xác lập trên cơ sở sử dụng hợp pháp tên thương mại đó;
c) Quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh được xác lập trên cơ sở có được một cách hợp pháp bí mật kinh doanh và thực hiện việc bảo mật bí mật kinh doanh đó;
d) Quyền chống cạnh tranh không lành mạnh được xác lập trên cơ sở hoạt động cạnh tranh trong kinh doanh.
4. Quyền đối với giống cây trồng được xác lập trên cơ sở quyết định cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật này.
Chiếu theo quy định này, quyền đối với giống cây trồng được xác lập trên cơ sở quyết định cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành.
Tài liệu trong đơn đăng ký bảo hộ quyền đối với giống cây trồng gồm những giấy tờ nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 9 Thông tư 16/2013/TT-BNNPTNT sửa đổi bởi khoản 7 Điều 1 Thông tư 03/2021/TT-BNNPTNT quy định như sau:
Nhận đơn, chuyển nhượng quyền nộp đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng
1. Đơn đăng ký bảo hộ quyền đối với giống cây trồng gồm các tài liệu:
a) Tờ khai đăng ký bảo hộ giống cây trồng theo Mẫu tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Tờ khai kỹ thuật khảo nghiệm tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định (khảo nghiệm DUS)
- Trường hợp giống đăng ký thuộc loài cây trồng đã có tài liệu hướng dẫn, quy phạm khảo nghiệm, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN), Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về khảo nghiệm DUS của Việt Nam/UPOV: sử dụng Mẫu tờ khai kỹ thuật trong các tài liệu trên;
- Trường hợp giống đăng ký không thuộc loài cây trồng đã có tài liệu hướng dẫn, quy phạm khảo nghiệm, QCVN, TCVN về khảo nghiệm DUS của Việt Nam/UPOV: sử dụng theo Mẫu tờ khai kỹ thuật tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này;
c) Giấy ủy quyền theo Mẫu tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này (trường hợp nộp đơn thông qua đại diện);
d) Ảnh chụp mẫu giống: Tối thiểu 03 ảnh màu, kích cỡ tối thiểu 9cm x 15cm thể hiện 3 tính trạng đặc trưng của giống đăng ký;
đ) Tài liệu chứng minh quyền đăng ký (hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng, tài liệu chứng minh người đăng ký là đại diện hợp pháp của chủ sở hữu giống đăng ký);
e) Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên, nếu đơn có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên;
g) Chứng từ nộp phí, lệ phí.
...
Theo đó, tài liệu trong đơn đăng ký bảo hộ quyền đối với giống cây trồng gồm những giấy tờ sau:
(1) Tờ khai đăng ký bảo hộ giống cây trồng theo mẫu tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Khoản 13 Điều 1 Thông tư 03/2021/TT-BNNPTNT (thay thế Phụ lục 5 Thông tư 16/2013/TT-BNNPTNT). (Tải về)
(2) Tờ khai kỹ thuật khảo nghiệm DUS theo mẫu tại quy phạm khảo nghiệm DUS của từng loài cây trồng;
(3) Bản sao chụp biên lai thu phí, lệ phí hoặc bản fax giấy tờ chứng minh đã chuyển tiền vào tài khoản của Cục Trồng trọt;
(4) Giấy uỷ quyền theo mẫu tại Phụ lục I ban hành kèm theo Khoản 13 Điều 1 Thông tư 03/2021/TT-BNNPTNT (thay thế Phụ lục 1 Thông tư 16/2013/TT-BNNPTNT) (nếu nộp đơn thông qua đại diện);
(5) Ảnh chụp mẫu giống: Tối thiểu 03 ảnh màu thể hiện 3 tính trạng đặc trưng của giống, kích cỡ 9cm x 15 cm;
Người nộp đơn đăng ký bảo hộ quyền đối với giống cây trồng có thể nộp đơn đến cơ quan bảo hộ giống cây trồng bằng hình thức nào?
Căn cứ Điều 10 Nghị định 88/2010/NĐ-CP quy định như sau:
Nhận đơn đăng ký bảo hộ
1. Cơ quan bảo hộ giống cây trồng nhận đơn theo một trong các hình thức sau:
a) Nhận trực tiếp từ người nộp đơn;
b) Nhận đơn qua bưu điện. Trường hợp đơn được gửi qua bưu điện, ngày nộp đơn được xác định là ngày gửi đơn theo dấu bưu điện.
c) Nhận đơn qua mạng công nghệ thông tin.
2. Khi nhận đơn, cơ quan bảo hộ giống cây trồng phải đóng dấu xác nhận ngày nộp đơn; ghi số đơn, vào sổ đăng ký tiếp nhận đơn; gửi 01 bộ cho người nộp đơn.
3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn việc nhận đơn, sửa đổi, bổ sung, chuyển nhượng quyền nộp đơn, chuyển nhượng đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng.
Theo quy định này, người nộp đơn đăng ký bảo hộ quyền đối với giống cây trồng có thể nộp đơn đến cơ quan bảo hộ giống cây trồng bằng một trong những hình thức sau:
(1) Nộp trực tiếp đến Cơ quan bảo hộ giống cây trồng.
(2) Gửi đơn qua bưu điện. Trường hợp đơn được gửi qua bưu điện, ngày nộp đơn được xác định là ngày gửi đơn theo dấu bưu điện.
(3) Nộp qua mạng công nghệ thông tin.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.