Tài liệu để xác minh thông tin nhận biết khách hàng cá nhân gồm những gì? Tài liệu xác minh thông tin không khớp đúng thì chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải làm gì?
- Tài liệu để xác minh thông tin nhận biết khách hàng là cá nhân bao gồm những gì?
- Trường hợp tài liệu xác minh thông tin nhận biết khách hàng cá nhân không khớp đúng thì chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải làm gì?
- Chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải kịp thời cập nhật và xác minh thông tin nhận biết khách hàng khi nào?
Tài liệu để xác minh thông tin nhận biết khách hàng là cá nhân bao gồm những gì?
Căn cứ khoản 2 Điều 12 Thông tư 17/2024/TT-NHNN thì tài liệu, thông tin, dữ liệu để xác minh thông tin nhận biết khách hàng là cá nhân bao gồm những giấy tờ sau:
(1) Trường hợp cá nhân là công dân Việt Nam:
- Thẻ căn cước công dân, Thẻ căn cước hoặc Căn cước điện tử (thông qua việc truy cập vào tài khoản định danh điện tử mức độ 02); hoặc
- Chứng minh nhân dân hoặc Giấy khai sinh đối với người dưới 14 tuổi;
(2) Trường hợp cá nhân là người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch: Giấy chứng nhận căn cước;
(3) Trường hợp cá nhân là người nước ngoài:
- Hộ chiếu, đối với người nước ngoài cư trú tại Việt Nam phải có thêm thị thực nhập cảnh hoặc giấy tờ có giá trị thay thị thực hoặc giấy tờ chứng minh được miễn thị thực nhập cảnh; hoặc
- Danh tính điện tử (thông qua việc truy cập vào tài khoản định danh điện tử mức độ 02).
Ngoài ra, trường hợp khách hàng cá nhân mở tài khoản thanh toán thông qua người đại diện theo quy định tại điểm b, c khoản 1 Điều 11 Thông tư 17/2024/TT-NHNN thì ngoài các tài liệu, thông tin, dữ liệu nêu trên thì phải có thêm:
- Các tài liệu, thông tin, dữ liệu phục vụ việc nhận biết, xác minh thông tin nhận biết của người đại diện;
- Giấy tờ chứng minh tư cách người đại diện hợp pháp của người đại diện;
Tài liệu để xác minh thông tin nhận biết khách hàng cá nhân gồm những gì? Tài liệu xác minh thông tin không khớp đúng thì chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải làm gì? (Hình từ Internet)
Trường hợp tài liệu xác minh thông tin nhận biết khách hàng cá nhân không khớp đúng thì chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải làm gì?
Theo khoản 3 Điều 15 Thông tư 17/2024/TT-NHNN có quy định như sau:
Trình tự, thủ tục mở tài khoản thanh toán
...
3. Sau khi hoàn thành việc kiểm tra, đối chiếu và xác minh thông tin nhận biết khách hàng, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện:
a) Trường hợp các tài liệu, thông tin, dữ liệu đã đầy đủ, chính xác và hợp pháp, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung cấp cho khách hàng nội dung về thỏa thuận mở và sử dụng tài khoản thanh toán theo quy định tại Điều 13 Thông tư này;
b) Trường hợp các tài liệu, thông tin, dữ liệu chưa đầy đủ, chính xác hoặc không khớp đúng, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thông báo cho khách hàng để kiểm tra, hoàn thiện hồ sơ hoặc từ chối mở tài khoản thanh toán và nêu rõ lý do cho khách hàng biết;
c) Trường hợp phát hiện khách hàng sử dụng tài liệu, thông tin, dữ liệu giả mạo, không hợp pháp hoặc khách hàng thuộc Danh sách đen theo quy định pháp luật phòng chống rửa tiền, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền và xử lý theo quy định pháp luật.
...
Như vậy, trường hợp các tài liệu, thông tin, dữ liệu xác minh thông tin của khách hàng cá nhân không khớp đúng thì ngân hàng phải thông báo cho khách hàng để kiểm tra, hoàn thiện hồ sơ hoặc từ chối mở tài khoản thanh toán và nêu rõ lý do cho khách hàng biết.
Chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải kịp thời cập nhật và xác minh thông tin nhận biết khách hàng khi nào?
Căn cứ theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 21 Thông tư 17/2024/TT-NHNN như sau:
Quyền và nghĩa vụ của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
...
2. Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có nghĩa vụ:
a) Thực hiện lệnh thanh toán của chủ tài khoản thanh toán sau khi đã kiểm tra, kiểm soát tính hợp pháp, hợp lệ của lệnh thanh toán;
b) Lưu giữ và cập nhật đầy đủ các mẫu chữ ký, mẫu dấu (nếu có) của khách hàng đã đăng ký để kiểm tra, đối chiếu trong quá trình sử dụng tài khoản thanh toán;
c) Kịp thời ghi Có vào tài khoản thanh toán của khách hàng các lệnh thanh toán chuyển tiền đến, nộp tiền mặt vào tài khoản; hoàn trả các khoản tiền do sai sót đã ghi Nợ đối với tài khoản thanh toán của khách hàng; phối hợp hoàn trả các khoản tiền đã được xác định chuyển nhầm vào tài khoản thanh toán của khách hàng theo đề nghị của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phục vụ bên chuyển tiền do sai sót so với lệnh thanh toán của người chuyển tiền đã lập;
d) Thông tin đầy đủ, kịp thời cho chủ tài khoản thanh toán thông tin về số dư, các giao dịch, chứng từ của các giao dịch phát sinh trên tài khoản thanh toán và việc phong tỏa tài khoản thanh toán bằng văn bản hoặc theo các hình thức đã quy định tại thỏa thuận mở, sử dụng tài khoản thanh toán và chịu trách nhiệm về tính chính xác đối với những thông tin mà mình cung cấp;
đ) Cập nhật thông tin khách hàng định kỳ hoặc khi khách hàng thông báo thay đổi thông tin trong hồ sơ mở tài khoản thanh toán và kịp thời cập nhật, xác minh thông tin nhận biết khách hàng khi xác định khách hàng có mức độ rủi ro cao theo tiêu chí do ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ban hành. Bảo quản lưu trữ hồ sơ tài khoản thanh toán và các chứng từ giao dịch qua tài khoản theo đúng quy định của pháp luật;
e) Bảo mật các thông tin, dữ liệu cá nhân của khách hàng hoặc dữ liệu cá nhân do khách hàng cung cấp, các thông tin liên quan đến tài khoản thanh toán và các giao dịch trên tài khoản thanh toán của khách hàng theo quy định của pháp luật;
...
Như vậy, ngân hàng phải kịp thời cập nhật và xác minh thông tin nhận biết khách hàng khi xác định khách hàng có mức độ rủi ro cao theo tiêu chí do ngân hàng ban hành.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.