Tài khoản của Kho bạc Nhà nước gồm mấy loại? Nơi mở của từng loại tài khoản Kho bạc Nhà nước được quy định như thế nào?

Tôi muốn hỏi hiện nay có những loại tài khoản nào của Kho bạc Nhà nước? Nơi mở của từng loại tài khoản Kho bạc Nhà nước được quy định như thế nào? Ngân hàng thương mại mở tài khoản chuyên thu của Kho bạc Nhà nước cần thỏa mãn tiêu chí nào?

Có những loại tài khoản của Kho bạc Nhà nước nào?

Tài khoản của Kho bạc Nhà nước

Có những loại tài khoản của Kho bạc Nhà nước nào?

Theo quy định tại Điều 3 Thông tư 58/2019/TT-BTC, tài khoản của Kho bạc Nhà nước mở tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Ngân hàng thương mại là tài khoản tiền gửi không kỳ hạn và bao gồm các loại tài khoản sau:

- Tài khoản thanh toán tổng hợp.

- Tài khoản chuyên thu tổng hợp.

- Tài khoản thanh toán.

- Tài khoản chuyên thu.

Trong đó, các loại tài khoản được quy định cụ thể như sau:

(1) Tài khoản thanh toán tổng hợp: Là tài khoản tiền gửi không kỳ hạn của KBNN Trung ương tại NHNN Việt Nam và NHTM, được sử dụng để tập trung các khoản thu và thanh toán các khoản chi của ngân quỹ nhà nước; tập trung số dư từ các tài khoản thanh toán, tài khoản chuyên thu thuộc cùng hệ thống ngân hàng hoặc từ các tài khoản thanh toán tổng hợp, tài khoản chuyên thu tổng hợp khác (nếu có). (quy định tại khoản 5 Điều 2 Thông tư 58/2019/TT-BTC được sửa đổi bởi điểm a khoản 1 Điều 1 Thông tư 109/2021/TT-BTC)

(2) Tài khoản chuyên thu tổng hợp: Là tài khoản tiền gửi không kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước Trung ương tại Ngân hàng thương mại, được sử dụng để tập trung số dư từ các tài khoản chuyên thu tại cùng hệ thống Ngân hàng thương mại (quy định tại khoản 7 Điều 2 Thông tư 58/2019/TT-BTC)

(3) Tài khoản thanh toán: Là tài khoản tiền gửi không kỳ hạn của các đơn vị Kho bạc Nhà nước (Sở Giao dịch Kho bạc Nhà nước, Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh, Kho bạc Nhà nước cấp huyện) tại Ngân hàng thương mại, được sử dụng để tập trung các khoản thu và thanh toán các khoản chi của ngân quỹ nhà nước (quy định tại khoản 4 Điều 2 Thông tư 58/2019/TT-BTC)

(4) Tài khoản chuyên thu: Là tài khoản tiền gửi không kỳ hạn của các Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh, Kho bạc Nhà nước cấp huyện tại Ngân hàng thương mại, được sử dụng để tập trung các khoản thu của ngân sách nhà nước (quy định tại khoản 6 Điều 2 Thông tư 58/2019/TT-BTC)

Tài khoản của Kho bạc Nhà nước được mở tại đâu?

Nơi mở tài khoản của Kho bạc Nhà nươc được quy định tại khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 4 Thông tư 58/2019/TT-BTC được sửa đổi bởi điểm a, b khoản 2 Điều 1 Thông tư 109/2021/TT-BTC như sau:

(1) Đối với Kho bạc Nhà nước Trung ương:

a) Mở tài khoản thanh toán tổng hợp bằng đồng Việt Nam (sau đây viết tắt là VND) và bằng ngoại tệ tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

b) Mở tài khoản thanh toán tổng hợp (bằng VND và bằng ngoại tệ) tại trụ sở chính của các hệ thống ngân hàng thương mại đã triển khai thanh toán song phương điện tử với Kho bạc Nhà nước.

c) Mở tài khoản chuyên thu tổng hợp bằng VND tại trụ sở chính của các hệ thống ngân hàng thương mại đã triển khai thanh toán song phương điện tử với Kho bạc Nhà nước (đối với các hệ thống ngân hàng thương mại chỉ thực hiện thu ngân sách nhà nước).

(2) Đối với Sở Giao dịch Kho bạc Nhà nước:

a) Mở tài khoản thanh toán bằng VND tại trụ sở chính hoặc chi nhánh ngân hàng thương mại thuộc hệ thống ngân hàng thương mại đã triển khai thanh toán song phương điện tử với Kho bạc Nhà nước.

b) Mở tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ tại trụ sở chính hoặc chi nhánh ngân hàng thương mại thuộc hệ thống ngân hàng thương mại đã triển khai thanh toán song phương điện tử bằng ngoại tệ với Kho bạc Nhà nước.

(3) Đối với Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh:

a) Mở 01 tài khoản thanh toán bằng VND tại một chi nhánh NHTM trên cùng địa bàn tỉnh thuộc hệ thống NHTM đã triển khai thanh toán song phương điện tử với KBNN.

Trường hợp KBNN cấp tỉnh đóng trên địa bàn tỉnh đã thực hiện sáp nhập KBNN cấp huyện vào KBNN cấp tỉnh thì được mở thêm tài khoản thanh toán bằng VND tại chi nhánh hoặc phòng giao dịch NHTM nơi thuận tiện giao dịch và thuộc hệ thống NHTM đã triển khai thanh toán song phương điện tử với KBNN.

b) Đối với Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh đóng trên địa bàn có phát sinh giao dịch thu, chi ngân quỹ nhà nước bằng ngoại tệ, thì được mở tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ tại một chi nhánh ngân hàng thương mại được phép kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối trên thị trường trong nước trên cùng địa bàn tỉnh thuộc hệ thống ngân hàng thương mại đã triển khai thanh toán song phương điện tử bằng ngoại tệ với Kho bạc Nhà nước.

c) Mở tài khoản chuyên thu bằng VND tại các chi nhánh ngân hàng thương mại trên cùng địa bàn tỉnh thuộc hệ thống ngân hàng thương mại đã triển khai thanh toán song phương điện tử với Kho bạc Nhà nước (trừ các chi nhánh ngân hàng thương mại thuộc cùng hệ thống ngân hàng thương mại với chi nhánh ngân hàng thương mại nơi Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh mở tài khoản thanh toán).

(4) Đối với Kho bạc Nhà nước cấp huyện:

a) Mở 01 tài khoản thanh toán bằng VND tại một chi nhánh hoặc phòng giao dịch NHTM nơi thuận tiện giao dịch và thuộc hệ thống NHTM đã triển khai thanh toán song phương điện tử với KBNN.

Trường hợp KBNN cấp huyện đóng trên địa bàn huyện đã thực hiện sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện hoặc sáp nhập các KBNN cấp huyện thì được mở thêm tài khoản thanh toán bằng VND tại chi nhánh hoặc phòng giao dịch NHTM nơi thuận tiện giao dịch và thuộc hệ thống NHTM đã triển khai thanh toán song phương điện tử với KBNN.

b) Mở tài khoản chuyên thu bằng VND tại các chi nhánh ngân hàng thương mại hoặc phòng giao dịch ngân hàng thương mại nơi thuận tiện giao dịch và thuộc hệ thống ngân hàng thương mại đã triển khai thanh toán song phương điện tử với Kho bạc Nhà nước (trừ các chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng thương mại thuộc cùng hệ thống ngân hàng thương mại với chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng thương mại nơi Kho bạc Nhà nước cấp huyện mở tài khoản thanh toán).

Ngân hàng thương mại mở tài khoản chuyên thu của Kho bạc Nhà nước cần thỏa mãn tiêu chí nào?

Kho bạc Nhà nước lựa chọn hệ thống ngân hàng thương mại để mở tài khoản chuyên thu đáp ứng các tiêu chí quy định tại khoản 5 Điều 4 Thông tư 58/2019/TT-BTC, khoản 6 được bổ sung bởi điểm d khoản 2 Điều 1 Thông tư 109/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/02/2022 như sau:

a) Có mức độ an toàn cao theo xếp hạng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Nghị định 24/2016/NĐ-CP ngày 05 tháng 4 năm 2016 của Chính phủ quy định chế độ quản lý ngân quỹ nhà nước trong 03 năm liên tiếp tính đến thời điểm lựa chọn.

b) Có hệ thống Core Banking đặt tại Việt Nam.

c) Hệ thống công nghệ thông tin của ngân hàng đáp ứng yêu cầu kết nối và trao đổi thông tin thanh toán song phương điện tử với Kho bạc Nhà nước, đảm bảo các tiêu chuẩn kết nối theo yêu cầu của Kho bạc Nhà nước Trung ương; có chức năng thu nộp ngân sách nhà nước tại quầy và thu nộp ngân sách nhà nước qua kênh giao dịch điện tử.

d) Có phần mềm thu ngân sách nhà nước tích hợp với Core Banking và có khả năng kết nối, trao đổi thông tin với Dự án Hiện đại hóa thu ngân sách nhà nước của Bộ Tài chính.

đ) Có văn bản cam kết có đầy đủ trang thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật, nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu triển khai thanh toán song phương điện tử và tổ chức phối hợp thu ngân sách nhà nước với Kho bạc Nhà nước.

e) Phối hợp với Kho bạc Nhà nước xây dựng thỏa thuận về quy trình tổ chức phối hợp thu ngân sách nhà nước và thanh toán song phương điện tử; đồng thời, cam kết tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc, quy trình, trách nhiệm trong thỏa thuận giữa hai bên.

(6) Kho bạc Nhà nước căn cứ danh sách các ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xếp hạng theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Nghị định 24/2016/NĐ-CP ngày 05 tháng 4 năm 2016 của Chính phủ quy định chế độ quản lý ngân quỹ nhà nước (Nghị định số 24/2016/NĐ-CP), quyết định việc mở tài khoản thanh toán, tài khoản chuyên thu của Kho bạc Nhà nước tại các hệ thống ngân hàng thương mại đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại khoản 5 Điều này, đảm bảo quản lý thu, chi ngân quỹ nhà nước an toàn, hiệu quả.

Trường hợp ngân hàng thương mại mà Kho bạc Nhà nước đã mở tài khoản thanh toán, tài khoản chuyên thu không còn đáp ứng các điều kiện để mở tài khoản thanh toán, tài khoản chuyên thu theo quy định tại khoản 5 Điều này hoặc không còn nằm trong danh sách các ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xếp hạng theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Nghị định 24/2016/NĐ-CP trong 02 năm liên tiếp, thì chậm nhất trong vòng 30 ngày làm việc, kể từ ngày Kho bạc Nhà nước có đầy đủ căn cứ để xác định ngân hàng thương mại không còn đáp ứng các điều kiện để mở tài khoản thanh toán, tài khoản chuyên thu theo quy định tại khoản 5 Điều này hoặc kể từ ngày Kho bạc Nhà nước nhận được thông tin về xếp hạng các ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cung cấp theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Nghị định 24/2016/NĐ-CP, Kho bạc Nhà nước đóng các tài khoản thanh toán, tài khoản chuyên thu của Kho bạc Nhà nước tại hệ thống ngân hàng thương mại đó.

Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành, có 4 loại tài khoản của Kho bạc Nhà nước gồm: tài khoản thanh toán, tài khoản thanh toán tổng hợp, tài khoản chuyên thu, tài khoản chuyên thu tổng hợp. Nơi mở các loại tài khoản của Kho bạc Nhà nước được quy đinh cụ thể tại các văn bản liên quan.

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

50,597 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào