Sương mù là hiện tượng gì? Việc thực hiện phương án cảnh báo sương mù được quy định như thế nào?
Sương mù là hiện tượng gì? Có bao nhiêu cấp độ rủi ro thiên tai do sương mù theo quy định?
Sương mù là hiện tượng gì?
Căn cứ tại khoản 20 Điều 5 Quyết định 18/2021/QĐ-TTg năm 2021 thì:
Sương mù là hiện tượng hơi nước ngưng tụ thành các hạt nhỏ li ti trong lớp không khí sát bề mặt trái đất, làm giảm tầm nhìn ngang xuống dưới 1 km.
Ngoài ra, việc hình thành sương mù phải thỏa mãn một số điều kiện như sau:
- Ðộ ẩm tương đối của không khí phải cao.
- Nhiệt độ không khí tương đối thấp.
- Tốc độ gió yếu hoặc lặng gió.
Sương mù thường xuất hiện khi không khí từ mặt nước, ao, hồ, sông suối có độ ẩm tương đối lớn di chuyển tới vùng có nhiệt độ mặt đệm thấp hơn.
Có bao nhiêu cấp độ rủi ro thiên tai do sương mù theo quy định?
Cấp độ rủi ro thiên tai do sương mù được quy định tại Điều 51 Quyết định 18/2021/QĐ-TTg năm 2021; cụ thể như sau:
- Rủi ro thiên tai cấp độ 1 gồm các trường hợp sau:
+ Cảnh báo sương mù dày đặc, tầm nhìn xa từ 50 m trở lên, gây nguy hiểm cho các phương tiện giao thông trên đường cao tốc hoặc khu vực sân bay;
+ Cảnh báo sương mù dày đặc, tầm nhìn xa dưới 50 m, gây nguy hiểm cho các phương tiện giao thông trên biển, trên sông hoặc đường đèo núi.
- Rủi ro thiên tai cấp độ 2 xảy ra khi cảnh báo sương mù dày đặc, tầm nhìn xa dưới 50 m, gây nguy hiểm cho các phương tiện giao thông trên đường cao tốc hoặc khu vực sân bay.
Bảng. Cấp độ rủi ro do sương mù
Sương mù là hiện tượng gì? Có bao nhiêu cấp độ rủi ro thiên tai do sương mù theo quy định? (Hình từ Internet)
Việc thực hiện phương án cảnh báo sương mù được quy định như thế nào?
Việc thực hiện phương án cảnh báo sương mù được quy định tại khoản 3 Điều 41 Thông tư 25/2022/TT-BTNMT; cụ thể như sau:
- Các phương án được sử dụng trong cảnh báo sương mù tại hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia:
+ Phương án dựa trên phương pháp phân tích synop, phân tích chuyên gia;
+ Phương án dựa trên phương pháp thống kê từ các thông tin quan trắc hiện tại, quá khứ và các dự báo cho tương lai;
+ Phương án cảnh báo thời hạn cực ngắn (03-06 giờ) dựa trên ước lượng mưa tự động từ vệ tinh, ra đa;
+ Phương án dựa trên phương pháp mô hình số trị (dự báo đơn lẻ và dự báo tổ hợp);
+ Phương án dựa trên cơ sở các phương pháp khác;
- Căn cứ vào điều kiện cụ thể, tổ chức, cá nhân không thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia tự quy định việc sử dụng các phương án dự báo, cảnh báo cho phù hợp.
Trong đó, theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư 25/2022/TT-BTNMT thì phương án dự báo, cảnh báo là cách thức cụ thể để phân tích, tính toán, dự báo, cảnh báo các yếu tố hoặc hiện tượng khí tượng thủy văn tại địa điểm hoặc khu vực.
Ngoài ra, việc phân tích, đánh giá hiện trạng trong quy trình kỹ thuật cảnh báo sương mù như sau:
- Phân tích, đánh giá hiện trạng số liệu thu thập được để nhận dạng sự hoạt động của các hình thế thời tiết và các đặc trưng liên quan gây sương mù; xác định khu vực có sương mù làm tầm nhìn xa bị giảm thấp, thời gian xuất hiện;
- Xác định diễn biến sương mù đã qua và đánh giá hiện trạng sương mù về thời gian, khu vực, cường độ sương mù, diễn biến về phạm vi ảnh hưởng sương mù trong 6 đến 12 giờ trước đó.
Nội dung tin cảnh báo sương mù gồm những gì? Tần suất và thời gian ban hành tin cảnh báo sương mù như thế nào?
Theo quy định tại khoản 4 Điều 21 Quyết định 18/2021/QĐ-TTg năm 2021 thì nội dung tin cảnh báo sương mù bao gồm:
- Tiêu đề Tin cảnh báo sương mù kèm theo tên khu vực bị ảnh hưởng;
- Cảnh báo khả năng xảy ra sương mù: thời gian xảy ra sương mù, khu vực ảnh hưởng;
- Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do sương mù theo quy định tại Điều 4 Quyết định 18/2021/QĐ-TTg năm 2021 và Điều 51 Quyết định 18/2021/QĐ-TTg năm 2021;
- Thời gian ban hành bản tin;
- Tên và chữ ký của người chịu trách nhiệm ban hành bản tin.
Căn cứ tại khoản 3 Điều 22 Quyết định 18/2021/QĐ-TTg năm 2021 thì:
- Tin cảnh báo sương mù đầu tiên được ban hành khi phát hiện khả năng xuất hiện sương mù trong khu vực cảnh báo;
- Các tin cảnh báo sương mù tiếp theo được ban hành mỗi ngày 01 bản tin vào lúc 21 giờ 30.
Lưu ý: trường hợp xảy ra sương mù kéo dài, diễn biến phức tạp, cần ban hành bổ sung bản tin vào lúc 04 giờ 30.
Trong đó, bổ sung bản tin dự báo là việc tăng số lượng bản tin dự báo so với quy định để điều chỉnh, hiệu chỉnh nội dung bản tin trên cơ sở những thông tin mới nhất nhằm đáp ứng kịp thời và đảm bảo độ tin cậy của dự báo.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.