Sưng đỏ tại chỗ tiêm có phải là phản ứng thông thường sau tiêm chủng vắc xin theo quy định pháp luật?
- Vừa sưng vừa đỏ tại chỗ tiêm có phải là phản ứng thông thường sau tiêm chủng vắc xin theo quy định pháp luật?
- Có phải báo cáo hàng ngày các trường hợp phản ứng thông thường sau tiêm chủng vắc xin hay không?
- Thời gian theo dõi tại nhà là bao lâu sau khi tiêm chủng vắc xin có dấu hiệu sưng đỏ nơi chỗ tiêm vắc xin?
Vừa sưng vừa đỏ tại chỗ tiêm có phải là phản ứng thông thường sau tiêm chủng vắc xin theo quy định pháp luật?
Căn cứ theo quy định tại khoản 6 Điều 2 Thông tư 34/2018/TT-BYT giải thích về phản ứng thông thường sau tiêm chủng cụ thể như sau:
Giải thích từ ngữ
...
6. Phản ứng thông thường sau tiêm chủng là các biểu hiện nhẹ và có thể tự khỏi, thường xảy ra sau khi sử dụng vắc xin, bao gồm các triệu chứng tại chỗ như ngứa, đau, sưng hoặc đỏ hoặc vừa sưng vừa đỏ tại chỗ tiêm; triệu chứng toàn thân như sốt dưới 39°C và các triệu chứng khác (khó chịu, mệt mỏi, chán ăn).
...
Như vậy, theo quy định nêu trên thì phản ứng thông thường sau tiêm chủng là các biểu hiện nhẹ và có thể tự khỏi, thường xảy ra sau khi sử dụng vắc xin bao gồm các triệu chứng nêu trên.
Theo đó, vừa sưng vừa đỏ tại chỗ tiêm là một trong những triệu chứng của phản ứng thông thường sau tiêm chủng.
Sưng đỏ tại chỗ tiêm có phải là phản ứng thông thường sau tiêm chủng vắc xin theo quy định pháp luật? (Hình từ Internet).
Có phải báo cáo hàng ngày các trường hợp phản ứng thông thường sau tiêm chủng vắc xin hay không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 18 Thông tư 34/2018/TT-BYT về hình thức, nội dung báo cáo cụ thể như sau:
Hình thức, nội dung báo cáo
1. Hình thức báo cáo:
a) Báo cáo định kỳ: bằng văn bản và báo cáo bằng Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia;
b) Báo cáo đột xuất: Trong trường hợp khẩn cấp thì báo cáo trực tiếp hoặc báo cáo qua điện thoại hoặc báo cáo qua thư điện tử và trong vòng 24 giờ phải gửi báo cáo bằng văn bản;
c) Báo cáo hằng ngày: bằng văn bản hoặc thư điện tử.
2. Nội dung báo cáo:
a) Báo cáo định kỳ:
- Báo cáo việc sử dụng vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng theo mẫu số 1 quy định tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Thông tư này;
- Báo cáo việc sử dụng vắc xin tiêm chủng dịch vụ theo mẫu số 2 quy định tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Thông tư này;
- Báo cáo kết quả tiêm chủng theo mẫu số 1, 2, 3 quy định tại Phụ lục IX ban hành kèm theo Thông tư này;
- Báo cáo các trường hợp phản ứng thông thường sau tiêm chủng theo mẫu quy định tại Phụ lục X ban hành kèm theo Thông tư này;
- Báo cáo các trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng theo mẫu quy định tại Phụ lục XI ban hành kèm theo Thông tư này.
b) Báo cáo đột xuất: Đối với cơ sở tiêm chủng báo cáo theo mẫu quy định tại Phụ lục XII ban hành kèm theo Thông tư này hoặc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiếp nhận trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng thực hiện báo cáo nội dung theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định số 104/2016/NĐ-CP.
c) Báo cáo hàng ngày: Báo cáo số đối tượng, số vắc xin, vật tư tiêm chủng, các trường hợp phản ứng thông thường và các trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng trong tiêm chủng vắc xin chống dịch.
Như vậy, theo quy định nêu trên, phải báo cáo hàng ngày các trường hợp phản ứng thông thường sau tiêm chủng vắc xin.
Theo đó, báo cáo hằng ngày được thực hiện bằng hình thức văn bản hoặc thư điện tử.
Ngoài ra, phải báo cáo định kỳ các trường hợp phản ứng thông thường sau tiêm chủng vắc xin bằng văn bản và báo cáo trên Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia.
Thời gian theo dõi tại nhà là bao lâu sau khi tiêm chủng vắc xin có dấu hiệu sưng đỏ nơi chỗ tiêm vắc xin?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Thông tư 34/2018/TT/BYT có quy định về theo dõi sau tiêm chủng cụ thể như sau:
Theo dõi sau tiêm chủng
1. Theo dõi đối tượng tiêm chủng ít nhất 30 phút sau tiêm chủng tại điểm tiêm chủng.
2. Hướng dẫn gia đình hoặc đối tượng tiêm chủng:
a) Tiếp tục theo dõi tại nhà ít nhất 24 giờ sau tiêm chủng về các dấu hiệu: toàn trạng, tinh thần, ăn, ngủ, thở, phát ban, triệu chứng tại chỗ tiêm, thông báo cho nhân viên y tế nếu có dấu hiệu bất thường;
b) Đưa ngay đối tượng tiêm chủng tới bệnh viện hoặc các cơ sở y tế nếu sau tiêm chủng có một trong các dấu hiệu như sốt cao (≥39°C), co giật, trẻ khóc thét, quấy khóc kéo dài, li bì, bú kém, bỏ bú, khó thở, tím tái, phát ban và các biểu hiện bất thường khác hoặc khi phản ứng thông thường kéo dài trên 24 giờ sau tiêm chủng.
3. Ghi chép:
a) Ghi đầy đủ thông tin vào phiếu hoặc sổ tiêm chủng của đối tượng tiêm chủng và trên Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia và hẹn lần tiêm chủng sau;
b) Ghi ngày tiêm chủng đối với từng loại vắc xin đã tiêm chủng cho đối tượng tiêm chủng và ghi chép các phản ứng sau tiêm chủng trên Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia.
Như vậy, theo quy định nêu trên, gia đình hoặc đối tượng tiêm chủng tiếp tục theo dõi tại nhà ít nhất 24 giờ sau tiêm chủng về các dấu hiệu: toàn trạng, tinh thần, ăn, ngủ, thở, phát ban, triệu chứng tại chỗ tiêm, thông báo cho nhân viên y tế nếu có dấu hiệu bất thường.
Do đó, cần phải theo dõi tại nhà ít nhất 24 giờ sau khi tiêm chủng vắc xin có dấu hiệu sưng đỏ nơi chỗ tiêm vắc xin.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.