Sử dụng trái phép di tích lịch sử văn hóa Việt Nam thì bị xử phạt đến 100 triệu đồng đúng không?
- Sử dụng trái phép di tích lịch sử văn hóa Việt Nam thì bị xử phạt đến 100 triệu đồng đúng không?
- Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với người sử dụng trái phép di tích lịch sử văn hóa Việt Nam là bao lâu?
- Trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc bảo vệ di tích lịch sử văn hóa Việt Nam là gì?
Sử dụng trái phép di tích lịch sử văn hóa Việt Nam thì bị xử phạt đến 100 triệu đồng đúng không?
Mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sử dụng trái phép di tích lịch sử văn hóa Việt Nam được quy định tại điểm c khoản 7, điểm a khoản 9 Điều 20 Nghị định 38/2021/NĐ-CP như sau:
Vi phạm quy định về bảo vệ di sản văn hóa
...
7. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
...
c) Sử dụng trái phép di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh;
...
9. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi viết, vẽ, làm bẩn di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh quy định tại khoản 1 và điểm c khoản 7 Điều này;
...
Theo khoản 2 Điều 5 Nghị định 38/2021/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Nghị định 128/2022/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức như sau:
Quy định về mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức
...
2. Mức phạt tiền quy định tại Chương II và Chương III Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại các khoản 2, 5, 6 và 7 Điều 10; các khoản 4, 5, 6 và 7 Điều 10a; điểm a khoản 2, các khoản 3, 5 và 6, các điểm a, b, c và d khoản 7 Điều 14; các khoản 1, 2, 3, 4 và điểm b khoản 5 Điều 21; các khoản 1, 2, 3, 4 và điểm b khoản 5 Điều 23; khoản 1 Điều 24; các Điều 30, 38, 39 và 40 Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức.
...
Theo quy định trên, sử dụng trái phép di tích lịch sử văn hóa Việt Nam có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với cá nhân, và từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với tổ chức.
Đồng thời, tổ chức/cá nhân bi phạm còn bị buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với di tích lịch sử văn hóa.
Di tích lịch sử văn hóa Việt Nam (Hình từ Internet)
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với người sử dụng trái phép di tích lịch sử văn hóa Việt Nam là bao lâu?
Theo khoản 1 Điều 4 Nghị định 129/2021/NĐ-CP bổ sung cho Điều 3a Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính như sau:
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính
1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo là 01 năm.
2. Thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo được quy định như sau:
a) Đối với hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện quy định tại điểm a khoản 3 Điều này thì thời hiệu được tính từ thời điểm người có thẩm quyền thi hành công vụ phát hiện hành vi vi phạm;
b) Đối với hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc quy định tại điểm b khoản 3 Điều này thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm;
c) Trường hợp xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân do người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính chuyển đến thì thời hiệu xử phạt được áp dụng theo quy định tại khoản 1 Điều này, điểm a và điểm b khoản này tính đến thời điểm ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
...
Theo đó, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với người sử dụng trái phép di tích lịch sử văn hóa Việt Nam là 01 năm.
Trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc bảo vệ di tích lịch sử văn hóa Việt Nam là gì?
Trong việc bảo vệ di tích lịch sử văn hóa Việt Nam thì Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có những trách nhiệm được quy định tại Điều 33 Luật Di sản văn hóa 2001, khoản 2 Điều 2 Luật Di sản văn hóa sửa đổi 2009, được bổ sung bởi Khoản 14 Điều 1 Luật Di sản văn hóa sửa đổi 2009 như sau:
1. Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích có trách nhiệm bảo vệ di tích đó; trong trường hợp phát hiện di tích bị lấn chiếm, huỷ hoại hoặc có nguy cơ bị huỷ hoại phải kịp thời có biện pháp ngăn chặn và thông báo cho cơ quan chủ quản cấp trên trực tiếp, Uỷ ban nhân dân địa phương hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch nơi gần nhất.
2. Uỷ ban nhân dân địa phương hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch khi nhận được thông báo về di tích bị huỷ hoại hoặc có nguy cơ bị huỷ hoại phải kịp thời áp dụng các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ và báo cáo ngay với cơ quan cấp trên trực tiếp.
3. Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch khi nhận được thông báo về di tích bị huỷ hoại hoặc có nguy cơ bị huỷ hoại phải kịp thời chỉ đạo và hướng dẫn cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở địa phương, chủ sở hữu di tích áp dụng ngay các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ; đối với di tích quốc gia đặc biệt phải báo cáo với Thủ tướng Chính phủ.
4. Các công trình xây dựng, địa điểm, cảnh quan thiên nhiên, khu vực thiên nhiên có tiêu chí như quy định tại Điều 28 của Luật này, đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đưa vào danh mục kiểm kê di tích của địa phương, được bảo vệ theo quy định của Luật này.
Ít nhất 5 năm một lần, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức rà soát và quyết định đưa ra khỏi danh mục kiểm kê di tích của địa phương các công trình xây dựng, địa điểm, cảnh quan thiên nhiên, khu vực thiên nhiên không đủ tiêu chuẩn xếp hạng di tích.
Như vậy, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch khi nhận được thông báo về di tích bị huỷ hoại hoặc có nguy cơ bị huỷ hoại phải kịp thời chỉ đạo và hướng dẫn cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở địa phương, chủ sở hữu di tích áp dụng ngay các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ; đối với di tích quốc gia đặc biệt phải báo cáo với Thủ tướng Chính phủ.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.