Sử dụng nước mặn cho nuôi trồng thủy sản ở ngoài vùng quy hoạch gây xâm nhập mặn nguồn nước thì bị xử phạt thế nào?

Tôi có thắc mắc liên quan đến vấn đề nuôi trồng thủy sản. Cho tôi hỏi sử dụng nước mặn cho nuôi trồng thủy sản ở ngoài vùng quy hoạch gây xâm nhập mặn nguồn nước thì bị xử phạt thế nào? Câu hỏi của anh Quốc Quân ở Cà Mau.

Việc phòng, chống xâm nhập mặn nguồn nước được quy định thế nào?

Theo quy định tại Điều 61 Luật Tài nguyên nước 2012 về phòng, chống xâm nhập mặn như sau:

Phòng, chống xâm nhập mặn
1. Việc quản lý, vận hành các cống ngăn mặn, giữ ngọt và các hồ chứa nước, công trình điều tiết dòng chảy phải tuân theo quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật bảo đảm phòng, chống xâm nhập mặn.
2. Việc thăm dò, khai thác nước dưới đất ở vùng đồng bằng, ven biển phải bảo đảm phòng, chống xâm nhập mặn cho các tầng chứa nước dưới đất.
3. Việc khai thác nước lợ, nước mặn để sử dụng cho sản xuất không được gây xâm nhập mặn các nguồn nước và làm ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp.
4. Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước để sản xuất nông nghiệp phải có biện pháp phòng, chống chua, mặn, xói mòn đất và bảo đảm không gây ô nhiễm nguồn nước.

Theo đó, việc phòng, chống xâm nhập mặn nguồn nước được thực hiện theo quy định tại Điều 61 nêu trên.

Trong đó có quy định việc khai thác nước lợ, nước mặn để sử dụng cho sản xuất không được gây xâm nhập mặn các nguồn nước và làm ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp.

Nuôi trồng thủy sản

Nuôi trồng thủy sản (Hình từ Internet)

Sử dụng nước mặn cho nuôi trồng thủy sản ở ngoài vùng quy hoạch gây xâm nhập mặn nguồn nước thì bị xử phạt thế nào?

Theo khoản 1, khoản 4 Điều 27 Nghị định 36/2020/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về phòng, chống xâm nhập mặn như sau:

Vi phạm quy định về phòng, chống xâm nhập mặn
1. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi khai thác, sử dụng nước lợ, nước mặn cho sản xuất, cho nuôi trồng thủy sản ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản gây xâm nhập mặn nguồn nước.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không tuân thủ quy trình, quy chuẩn kỹ thuật trong việc quản lý, vận hành các cống ngăn mặn, giữ ngọt và các hồ chứa nước, công trình điều tiết dòng chảy gây xâm nhập mặn các nguồn nước.
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không có biện pháp phòng, chống xâm nhập mặn cho các tầng chứa nước khi thăm dò, khai thác nước dưới đất ở vùng đồng bằng, ven biển.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước đối với các hành vi vi phạm quy định tại Điều này trong trường hợp hành vi vi phạm gây ô nhiễm, suy giảm chất lượng và số lượng nguồn nước.

Căn cứ khoản 1 Điều 5 Nghị định 36/2020/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 2 Nghị định 04/2022/NĐ-CP quy định về áp dụng mức phạt tiền trong xử phạt hành chính như sau:

Áp dụng mức phạt tiền trong xử phạt hành chính
1. Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II và Chương III Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt đối với hộ kinh doanh; chi nhánh, văn phòng đại diện thực hiện hành vi vi phạm hành chính không thuộc phạm vi, thời hạn được doanh nghiệp ủy quyền áp dụng như đối với mức phạt của cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức (kể cả chi nhánh, văn phòng đại diện thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền của doanh nghiệp) gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
...

Theo đó, người sử dụng nước mặn cho nuôi trồng thủy sản ở ngoài vùng quy hoạch gây xâm nhập mặn nguồn nước thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân, và từ 12.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức.

Ngoài ra, người vi phạm còn bị buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước.

Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường được quyền xử phạt người sử dụng nước mặn cho nuôi trồng thủy sản ở ngoài vùng quy hoạch gây xâm nhập mặn nguồn nước không?

Theo khoản 2 Điều 63 Nghị định 36/2020/NĐ-CP, được sửa đổi bởi điểm b khoản 29 Điều 2 Nghị định 04/2022/NĐ-CP quy định về thẩm quền của Thanh tra chuyên ngành tài nguyên và môi trường như sau:

Thẩm quyền của Thanh tra chuyên ngành tài nguyên và môi trường
...
2. Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành do Giám đốc Sở, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra có quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II và Chương III Nghị định này, cụ thể như sau:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 02 lần mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này;
đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Nghị định này.
...

Như vậy, người sử dụng nước mặn cho nuôi trồng thủy sản ở ngoài vùng quy hoạch gây xâm nhập mặn nguồn nước thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền cao nhất là 10.000.000 đồng (đối với cá nhân), 20.000.000 đồng (đối với tổ chức) nên Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường được quyền xử phạt người này.

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

1,041 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào