Sử dụng điện trên tàu cá để đánh bắt thủy sản có vi phạm pháp luật không? Mức xử phạt hành chính đối với hành vi này là bao nhiêu?
Sử dụng điện trên tàu cá để đánh bắt thủy sản có vi phạm pháp luật không?
Căn cứ vào khoản 7 Điều 7 Luật Thủy sản 2017 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thủy sản như sau:
Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thủy sản
1. Hủy hoại nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái thủy sinh, khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống, nơi cư trú của các loài thủy sản.
2. Cản trở trái phép đường di cư tự nhiên của loài thủy sản.
3. Lấn, chiếm, gây hại khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khu bảo tồn biển.
4. Khai thác, nuôi trồng thủy sản, xây dựng công trình và hoạt động khác ảnh hưởng đến môi trường sống, nguồn lợi thủy sản trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và phân khu phục hồi sinh thái của khu bảo tồn biển.
5. Tàu cá, tàu biển và phương tiện thủy khác hoạt động trái phép trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn biển, trừ trường hợp bất khả kháng.
6. Khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (sau đây gọi là khai thác thủy sản bất hợp pháp); mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, sơ chế, chế biến thủy sản từ khai thác thủy sản bất hợp pháp, thủy sản có tạp chất nhằm mục đích gian lận thương mại.
7. Sử dụng chất, hóa chất cấm, chất độc, chất nổ, xung điện, dòng điện, phương pháp, phương tiện, ngư cụ khai thác có tính hủy diệt, tận diệt để khai thác nguồn lợi thủy sản.
...
Theo đó, pháp luật nghiêm cấm việc sử dụng chất, hóa chất cấm, chất độc, chất nổ, xung điện, dòng điện, phương pháp, phương tiện, ngư cụ khai thác có tính hủy diệt, tận diệt để khai thác nguồn lợi thủy sản.
Do đó, hành vi sử dụng trực tiếp dòng điện từ máy phát điện trên tàu cá để đánh bắt thủy sản là hành vi trái phép và sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Sử dụng điện trên tàu cá để đánh bắt thủy sản có vi phạm pháp luật không? (Hình từ Internet)
Sử dụng điện trên tàu cá để đánh bắt thủy sản bị xử phạt hành chính bao nhiêu?
Tại Điều 28 Nghị định 38/2024/NĐ-CP quy định về Vi phạm quy định về sử dụng điện để khai thác thủy sản như sau:
Vi phạm quy định về sử dụng điện để khai thác thủy sản
...
3. Phạt tiền đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện hoặc sử dụng trực tiếp dòng điện từ máy phát điện trên tàu cá để khai thác thủy sản theo các mức phạt sau:
a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 06 mét;
b) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với trường hợp tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 06 mét đến dưới 12 mét;
c) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với trường hợp tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 mét đến dưới 15 mét;
d) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với trường hợp tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên.
...
5. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu công cụ kích điện, máy phát điện và ngư cụ đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này;
b) Tước quyền sử dụng văn bằng, chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm b, c, d khoản 3 và khoản 4 Điều này.
6. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc thả thủy sản còn sống trở lại môi trường sống của chúng đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 3 và 4 Điều này.
Theo đó, mức xử phạt vi phạm hành chính đối với người có hành vi sử dụng trực tiếp dòng điện từ máy phát điện trên tàu cá để đánh bắt thủy sản sẽ tương ứng với chiều dài của tàu cá, số tiền bị phạt cao nhất có thể lên đến 40.000.000 đồng.
Ngoài mức xử phạt vi phạm hành chính theo quy định thì người vi phạm còn buộc phải thả thủy sản còn sống trở lại môi trường sống của chúng.
Bên cạnh đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tịch thu máy phát điện và ngư cụ vi phạm.
Đồng thời tước quyền sử dụng văn bằng, chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá từ 03 tháng đến 06 tháng đối người có hành vi vi phạm quy định tại các điểm b, c, d khoản 3 Điều 28 Nghị định 38/2024/NĐ-CP.
Sử dụng điện trên tàu cá để đánh bắt thủy sản thì cá nhân có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Căn cứ Điều 242 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 62 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 thì người có hành vi sử dụng trực tiếp dòng điện từ máy phát điện trên tàu cá để đánh bắt thủy sản sẽ bị xử phạt có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản nếu thuộc một trong những trường hợp sau:
- Gây thiệt hại nguồn lợi thủy sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng
- Thủy sản thu được trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng
- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính
- Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm
Mức truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi này là từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
* Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 05 năm:
- Gây thiệt hại nguồn lợi thủy sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng hoặc thủy sản thu được trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
- Làm chết người;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%.
* Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự từ 05 năm đến 10 năm:
- Gây thiệt hại nguồn lợi thủy sản 1.500.000.000 đồng trở lên hoặc thủy sản thu được trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
- Làm chết 02 người trở lên;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên.
Lưu ý: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.