Sử dụng Bitcoin để thanh toán giao dịch có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không? Phương tiện thanh toán nào được xem là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam?
Cá nhân có được dùng Bitcoin để làm phương tiện thanh toán ở Việt Nam không?
Bitcoin
Căn cứ Điều 4 Nghị định 101/2012/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Nghị định 80/2016/NĐ-CP) quy định về về thanh toán không dùng tiền mặt như sau:
"Điều 4. Giải thích từ ngữ
6. Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán (sau đây gọi là phương tiện thanh toán), bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
7. Phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện thanh toán không thuộc quy định tại khoản 6 Điều này.
8. Dịch vụ ví điện tử là dịch vụ cung cấp cho khách hàng một tài khoản điện tử định danh do các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tạo lập trên vật mang tin (như chip điện tử, sim điện thoại di động, máy tính...), cho phép lưu giữ một giá trị tiền tệ được đảm bảo bằng giá trị tiền gửi tương đương với số tiền được chuyển từ tài khoản thanh toán của khách hàng tại ngân hàng vào tài khoản đảm bảo thanh toán của tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử theo tỷ lệ 1:1.”
Ngoài ra tại Công văn 5747/NHNN-PC năm 2017 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có nêu rõ như sau:
"... tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng (phương tiện thanh toán không hợp pháp) làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm..."
Phương tiện thanh toán nào được xem là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam?
Căn cứ Điều 17 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010 quy định về tiền tệ Việt Nam như sau:
"Điều 17. Phát hành tiền giấy, tiền kim loại
1. Ngân hàng Nhà nước là cơ quan duy nhất phát hành tiền giấy, tiền kim loại của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành là phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
3. Ngân hàng Nhà nước bảo đảm cung ứng đủ số lượng và cơ cấu tiền giấy, tiền kim loại cho nền kinh tế.
4. Tiền giấy, tiền kim loại phát hành vào lưu thông là tài sản "Nợ" đối với nền kinh tế và được cân đối bằng tài sản "Có" của Ngân hàng Nhà nước."
Ngoài ra tại Điều 4 Nghị định 101/2012/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Nghị định 80/2016/NĐ-CP) quy định về về thanh toán không dùng tiền mặt như sau:
"Điều 4. Giải thích từ ngữ
6. Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán (sau đây gọi là phương tiện thanh toán), bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
...
8. Dịch vụ ví điện tử là dịch vụ cung cấp cho khách hàng một tài khoản điện tử định danh do các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tạo lập trên vật mang tin (như chip điện tử, sim điện thoại di động, máy tính...), cho phép lưu giữ một giá trị tiền tệ được đảm bảo bằng giá trị tiền gửi tương đương với số tiền được chuyển từ tài khoản thanh toán của khách hàng tại ngân hàng vào tài khoản đảm bảo thanh toán của tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử theo tỷ lệ 1:1.”
Theo đó phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam là tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành. Ngoài ra còn có các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng tiền mặt như Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước hoặc các dịch vụ ví điện tử.
Sử dụng Bitcoin để thanh toán giao dịch có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?
Căn cứ quy định tại Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi điểm d khoản 15 Điều 1 Nghị định 143/2021/NĐ-CP) của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng như sau:
"Điều 26. Vi phạm quy định về hoạt động thanh toán
6. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
...
d) Phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;"
Ngoài ra tại Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bởi khoản 48 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) quy định về xử phạt trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài như sau:
"Điều 206. Tội vi phạm quy định trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
1. Người nào trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mà cố ý thực hiện một trong các hành vi sau đây gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
...
g) Phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp; làm giả chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán; sử dụng chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán giả; tiến hành hoạt động ngân hàng khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép"
Như vậy việc cá nhân tổ chức sử dụng Bitcoin để thực hiện các giao dịch sẽ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy vào mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm thì mức xử phạt sẽ khác nhau.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.