Sổ đỏ có được coi là tài sản hay không? Bị người khác chiếm giữ sổ đỏ thì có quyền khởi kiện ra Tòa không?
Sổ đỏ có được coi là tài sản hay không?
Căn cứ Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về tài sản:
"Điều 105. Tài sản
1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.
2. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai."
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất theo khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai 2013.
Đồng thời, tại Công văn 141/TANDTC-KHXX năm 2011 Tòa án nhân dân tối cao giải thích giấy tờ có giá bao gồm các loại giấy tờ sau:
- Hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ, séc, công cụ chuyển nhượng khác được quy định tại Điều 1 của Luật các công cụ chuyển nhượng năm 2005;
- Trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công ty, kỳ phiếu, cổ phiếu được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 4 của Pháp lệnh ngoại hối năm 2005;
- Tín phiếu, hối phiếu, trái phiếu, công trái và công cụ khác làm phát sinh nghĩa vụ trả nợ được quy định tại điểm 16 Điều 3 của Luật quản lý nợ công năm 2009;
- Các loại chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ; quyền mua cổ phần, chứng quyền, quyền chọn mua, quyền chọn bán, hợp đồng tương lai, nhóm chứng khoán hoặc chỉ số chứng khoán; Hợp đồng góp vốn đầu tư; các loại chứng khoán khác do Bộ Tài chính quy định) được quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật chứng khoán năm 2006 (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2010);
- Trái phiếu doanh nghiệp được quy định tại Điều 2 của Nghị định số 52/2006/NĐ-CP ngày 19/5/2006 của Chính phủ về “Phát hành trái phiếu doanh nghiệp”.
Như vậy, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ) là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền tài sản liên quan đến đất không được coi là tài sản.
Sổ đỏ
Bị người khác chiếm giữ sổ đỏ thì có quyền khởi kiện ra Tòa không?
Sổ đỏ được xem là một chứng thư pháp lý để nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp, vì thế nếu chủ sở hữu sổ đỏ bị chiếm giữ sổ đỏ thì có thể sẽ bị ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền sử dụng đất, quyền dân sự của bản thân có thể dẫn đến thiệt hại cho chủ sở hữu trong các trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Theo khoản 2 Điều 14 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
“Điều 14. Bảo vệ quyền dân sự thông qua cơ quan có thẩm quyền
...
2. Tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng; trong trường hợp này, quy định tại Điều 5 và Điều 6 của Bộ luật này được áp dụng.”
Và theo khoản 2 Điều 4 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định:
“Điều 4. Quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp
...
2. Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.
Vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng là vụ việc dân sự thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự nhưng tại thời điểm vụ việc dân sự đó phát sinh và cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu Tòa án giải quyết chưa có điều luật để áp dụng.
Việc giải quyết vụ việc dân sự quy định tại khoản này được thực hiện theo các nguyên tắc do Bộ luật dân sự và Bộ luật này quy định.”
Căn cứ theo Điều 45 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định nguyên tắc giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng như sau:
"Điều 45. Nguyên tắc giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng
1. Việc áp dụng tập quán được thực hiện như sau:
Tòa án áp dụng tập quán để giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định. Tập quán không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật dân sự.
Khi yêu cầu Tòa án giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền viện dẫn tập quán để yêu cầu Tòa án xem xét áp dụng.
Tòa án có trách nhiệm xác định giá trị áp dụng của tập quán bảo đảm đúng quy định tại Điều 5 của Bộ luật dân sự.
Trường hợp các đương sự viện dẫn các tập quán khác nhau thì tập quán có giá trị áp dụng là tập quán được thừa nhận tại nơi phát sinh vụ việc dân sự.
2. Việc áp dụng tương tự pháp luật được thực hiện như sau:
Tòa án áp dụng tương tự pháp luật để giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp các bên không có thỏa thuận, pháp luật không có quy định và không có tập quán được áp dụng theo quy định tại Điều 5 của Bộ luật dân sự và khoản 1 Điều này.
Khi áp dụng tương tự pháp luật, Tòa án phải xác định rõ tính chất pháp lý của vụ việc dân sự, xác định rõ ràng trong hệ thống pháp luật hiện hành không có quy phạm pháp luật nào điều chỉnh quan hệ đó và xác định quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự.
3. Việc áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ, lẽ công bằng được thực hiện như sau:
Tòa án áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ, lẽ công bằng để giải quyết vụ việc dân sự khi không thể áp dụng tập quán, tương tự pháp luật theo quy định tại Điều 5 và khoản 1 Điều 6 của Bộ luật dân sự, khoản 1 và khoản 2 Điều này.
Các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự là những nguyên tắc được quy định tại Điều 3 của Bộ luật dân sự.
Án lệ được Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong giải quyết vụ việc dân sự khi đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố.
Lẽ công bằng được xác định trên cơ sở lẽ phải được mọi người trong xã hội thừa nhận, phù hợp với nguyên tắc nhân đạo, không thiên vị và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các đương sự trong vụ việc dân sự đó."
Từ những căn cứ trên, nếu có yêu cầu Tòa án giải quyết buộc người chiếm giữ trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chấm dứt hành vi cản trở thực hiện quyền của người sử dụng đất thì Tòa án nhân dân sẽ thụ lý giải quyết đối với tranh chấp về quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản.
Yêu cầu tiền chuộc đất đối với mảnh đất không thuộc quyền sở hữu của mình thì có bị xử lý hình sự không?
Trường hợp bố mẹ bạn mất, không để lại di chúc thì bạn là con đẻ thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bố mẹ bạn. Đối với phần tài sản là mảnh đất bố mẹ bạn để lại thì bạn được thừa kế phần tài sản đó, nếu có nhiều người con thì phân chia theo quy định.
Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau và những người ở hàng thừa kế sau (trường hợp chú bạn là em ruột của bố) chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản. (theo Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015).
Căn cứ khoản 1 Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội cưỡng đoạt tài sản:
"Điều 170. Tội cưỡng đoạt tài sản
1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
[...]"
Như vậy, chú bạn giữ sổ đỏ yêu cầu tiền chuộc đất và bạn phải cho đứng tên chung trên sổ thì có thể bị coi là dùng thủ đoạn uy hiếp tinh thần bạn để chiếm quyền sử dụng đất nên có thể bị truy cứu trách nhiệm về tội cưỡng đoạt tài sản.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.