Sau khi làm xong thủ tục nhận nuôi con nuôi có phải thông báo cho nơi đã đăng ký khai sinh cho trẻ em được nhận làm con nuôi không?
Sau khi làm xong thủ tục nhận nuôi con nuôi có phải thông báo cho nơi đã đăng ký khai sinh cho trẻ em được nhận làm con nuôi không?
Căn cứ Điều 23 Luật Nuôi con nuôi 2010 quy định thông báo tình hình phát triển của con nuôi và theo dõi việc nuôi con nuôi như sau:
Thông báo tình hình phát triển của con nuôi và theo dõi việc nuôi con nuôi
1. Sáu tháng một lần trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày giao nhận con nuôi, cha mẹ nuôi có trách nhiệm thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi họ thường trú về tình trạng sức khỏe, thể chất, tinh thần, sự hòa nhập của con nuôi với cha mẹ nuôi, gia đình, cộng đồng.
2. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cha mẹ nuôi thường trú có trách nhiệm kiểm tra, theo dõi tình hình thực hiện việc nuôi con nuôi.
Theo quy định trên thì sau khi hoàn thành thủ tục nhận con nuôi, cha mẹ nuôi có trách nhiệm thông báo cho ủy ban nhân dân xã nơi gia đình thường trú về tình trạng sức khỏe, thể chất, tinh thần, sự hòa nhập của con nuôi định kỳ 6 tháng một lần trong thời hạn 3 năm.
Do đó, không yêu cầu cha mẹ nuôi phải thông báo cho ủy ban nhân dân xã nơi con nuôi đã đăng ký khai sinh trước đây.
Nhận nuôi con nuôi (Hình từ Internet)
Sau khi cấp giấy chứng nhận nuôi con nuôi được gửi đến cơ quan nào?
Căn cứ khoản 3 Điều 22 Luật Nuôi con nuôi 2010 quy định về việc đăng ký nuôi con nuôi như sau:
Đăng ký việc nuôi con nuôi
1. Khi xét thấy người nhận con nuôi và người được giới thiệu làm con nuôi có đủ điều kiện theo quy định của Luật này thì Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức đăng ký nuôi con nuôi, trao Giấy chứng nhận nuôi con nuôi cho cha mẹ nuôi, cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ hoặc đại diện cơ sở nuôi dưỡng, tổ chức giao nhận con nuôi và ghi vào sổ hộ tịch trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày có ý kiến đồng ý của những người quy định tại Điều 21 của Luật này.
2. Trường hợp Ủy ban nhân dân cấp xã từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản cho người nhận con nuôi, cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ hoặc đại diện cơ sở nuôi dưỡng và nêu rõ lý do trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có ý kiến của những người quy định tại Điều 21 của Luật này.
3. Giấy chứng nhận nuôi con nuôi được gửi Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của người nhận con nuôi hoặc của người được nhận làm con nuôi.
Theo trình tự thủ tục này thì sau khi cấp giấy chứng nhận nuôi con nuôi thì giấy chứng nhận được gửi cho ủy ban nhân dân xã nơi người nhận hoặc người được nhận làm con nuôi thường trú.
Tải về mẫu giấy chứng nhận nuôi con nuôi mới nhất 2023: Tại Đây
Kể từ ngày giao nhận con nuôi cha mẹ và con nuôi có những quyền gì?
Căn cứ khoản 1 Điều 24 Luật Nuôi con nuôi 2010 quy định hệ quả của việc nuôi con nuôi như sau:
Hệ quả của việc nuôi con nuôi
1. Kể từ ngày giao nhận con nuôi, giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con; giữa con nuôi và các thành viên khác của gia đình cha mẹ nuôi cũng có các quyền, nghĩa vụ đối với nhau theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Theo yêu cầu của cha mẹ nuôi, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc thay đổi họ, tên của con nuôi.
Việc thay đổi họ, tên của con nuôi từ đủ 09 tuổi trở lên phải được sự đồng ý của người đó.
3. Dân tộc của con nuôi là trẻ em bị bỏ rơi được xác định theo dân tộc của cha nuôi, mẹ nuôi.
4. Trừ trường hợp giữa cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi có thỏa thuận khác, kể từ ngày giao nhận con nuôi, cha mẹ đẻ không còn quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng, đại diện theo pháp luật, bồi thường thiệt hại, quản lý, định đoạt tài sản riêng đối với con đã cho làm con nuôi.
Theo đó, kể từ ngày giao nhận con nuôi, giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con; giữa con nuôi và các thành viên khác của gia đình cha mẹ nuôi cũng có các quyền, nghĩa vụ đối với nhau theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.