Rượu, bia có được giảm thuế giá trị gia tăng hay không và cách xuất hóa đơn trong trường hợp này như thế nào?
Rượu, bia có được giảm thuế giá trị gia tăng hay không?
Căn cứ theo điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị định 15/2022/NĐ-CP quy định về giảm thuế giá trị gia tăng như sau:
"1. Giảm thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ nhóm hàng hóa, dịch vụ sau:
[...] b) Sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Chi tiết tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này."
Mà theo quy định tại khoản 1 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP thì rượu, bia thuộc danh mục hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt nên sẽ không được hưởng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng.
Thuế giá trị gia tăng (Hình từ Internet)
Cách thể hiện thông tin giảm thuế giá trị gia tăng trên hóa đơn
Căn cứ theo Điều 2 Nghị định 41/2022/NĐ-CP (nội dung sửa đổi khoản 4 Điều 1 Nghị định 15/2022/NĐ-CP) quy định như sau:
"4. Trường hợp cơ sở kinh doanh theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều này khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ áp dụng các mức thuế suất khác nhau thì trên hóa đơn giá trị gia tăng phải ghi rõ thuế suất của từng hàng hóa, dịch vụ theo quy định tại khoản 3 Điều này.
Trường hợp cơ sở kinh doanh theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ thì trên hóa đơn bán hàng phải ghi rõ số tiền được giảm theo quy định tại khoản 3 Điều này.”
Và căn cứ theo khoản 2 Điều 1 Nghị định 15/2022/NĐ-CP quy định mức giảm thuế giá trị gia tăng như sau:
"2. Mức giảm thuế giá trị gia tăng
a) Cơ sở kinh doanh tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ được áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 8% đối với hàng hóa, dịch vụ quy định tại khoản 1 Điều này.
b) Cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng khi thực hiện xuất hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng quy định tại khoản 1 Điều này."
Từ những cơ sở pháp lý trên thì có thể hiểu rằng:
Nếu nhà hàng của bạn áp dụng tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thì khi bán rượu, bia và các sản phẩm khác (nếu các sản phẩm này được giảm thuế giá trị gia tăng) thì trên hóa đơn giá trị gia tăng phải ghi rõ thuế suất của từng hàng hóa, dịch vụ và được sử dụng một hóa đơn giá trị gia tăng.
Nếu nhà hàng của chị tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu thì khi bán hàng hóa và rượu, bia thì trên hóa đơn bán hàng phải ghi rõ số tiền được giảm theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định 15/2022/NĐ-CP.
Phương pháp tính thuế giá trị gia tăng được quy định như thế nào?
Căn cứ theo Điều 10, Điều 11 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 thì có 2 phương pháp tính thuế giá trị gia tăng là phương pháp khấu trừ thuế và phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng:
"Điều 10. Phương pháp khấu trừ thuế
1. Phương pháp khấu trừ thuế giá trị gia tăng được quy định như sau:
a) Số thuế giá trị gia tăng phải nộp theo phương pháp khấu trừ thuế bằng số thuế giá trị gia tăng đầu ra trừ số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ;
b) Số thuế giá trị gia tăng đầu ra bằng tổng số thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ bán ra ghi trên hóa đơn giá trị gia tăng;
c) Số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ bằng tổng số thuế giá trị gia tăng ghi trên hóa đơn giá trị gia tăng mua hàng hóa, dịch vụ, chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng của hàng hóa nhập khẩu và đáp ứng Điều kiện quy định tại Điều 12 của Luật này.
2. Phương pháp khấu trừ thuế áp dụng đối với cơ sở kinh doanh thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật về kế toán, hóa đơn, chứng từ và đăng ký nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế.
Điều 11. Phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng
1. Phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng được quy định như sau:
a) Số thuế giá trị gia tăng phải nộp theo phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng bằng giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ bán ra nhân với thuế suất thuế giá trị gia tăng;
b) Giá trị gia tăng được xác định bằng giá thanh toán của hàng hóa, dịch vụ bán ra trừ giá thanh toán của hàng hóa, dịch vụ mua vào tương ứng.
2. Phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng áp dụng đối với các trường hợp sau đây:
a) Cơ sở kinh doanh và tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh không có cơ sở thường trú tại Việt Nam nhưng có thu nhập phát sinh tại Việt Nam chưa thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn chứng từ;
b) Hoạt động mua bán vàng, bạc, đá quý."
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.