Quyền khởi kiện vụ án dân sự được thực hiện thông qua hình thức nào? Khi nào đơn khởi kiện bị trả lại?

Quyền khởi kiện vụ án dân sự được thực hiện thông qua hình thức nào? Có thể khởi kiện nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân khác để giải quyết trong cùng một vụ án hay không? Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện vụ án dân sự trong trường hợp nào?

Quyền khởi kiện vụ án dân sự được thực hiện thông qua hình thức nào?

Quyền khởi kiện vụ án được quy định tại Điều 186 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 như sau:

Quyền khởi kiện vụ án
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Theo đó, quyền khởi kiện vụ án dân sự được thực hiện thông qua 02 hình thức như sau:

(1) Cơ quan, tổ chức, cá nhân tự mình thực hiện quyền khởi kiện;

(2) Cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quyền khởi kiện thông qua người đại diện hợp pháp.

Quyền khởi kiện vụ án dân sự được thực hiện qua mấy hình thức theo quy định của pháp luật dân sự?

Quyền khởi kiện vụ án dân sự được thực hiện thông qua hình thức nào? (Hình từ Internet)

Có thể khởi kiện nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân khác để giải quyết trong cùng một vụ án hay không?

Có thể khởi kiện nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân khác nhau để giải quyết trong cùng một vụ án hay không thì tại Điều 188 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 có quy định như sau:

Phạm vi khởi kiện
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể khởi kiện một hoặc nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân khác về một quan hệ pháp luật hoặc nhiều quan hệ pháp luật có liên quan với nhau để giải quyết trong cùng một vụ án.
2. Nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể cùng khởi kiện một cơ quan, một tổ chức, một cá nhân khác về một quan hệ pháp luật hoặc nhiều quan hệ pháp luật có liên quan với nhau để giải quyết trong cùng một vụ án.
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân quy định tại Điều 187 của Bộ luật này có thể khởi kiện một hoặc nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân khác về một quan hệ pháp luật hoặc nhiều quan hệ pháp luật có liên quan với nhau để giải quyết trong cùng một vụ án.

Như vậy, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể khởi kiện nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân khác để giải quyết trong cùng một vụ án trong trường hợp các quan hệ pháp luật đó có liên quan với nhau.

Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện vụ án dân sự trong trường hợp nào?

Tại Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 có quy định Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện trong các trường hợp sau đây:

(1) Người khởi kiện không có quyền khởi kiện theo quy định tại Điều 186 và Điều 187 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 hoặc không có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự;

(2) Chưa có đủ điều kiện khởi kiện theo quy định của pháp luật.

Chưa có đủ điều kiện khởi kiện là trường hợp pháp luật có quy định về các điều kiện khởi kiện nhưng người khởi kiện đã khởi kiện đến Tòa án khi còn thiếu một trong các điều kiện đó;

(3) Sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp vụ án mà Tòa án bác đơn yêu cầu ly hôn, yêu cầu thay đổi nuôi con, thay đổi mức cấp dưỡng, mức bồi thường thiệt hại, yêu cầu thay đổi người quản lý tài sản, thay đổi người quản lý di sản, thay đổi người giám hộ hoặc vụ án đòi tài sản, đòi tài sản cho thuê, cho mượn, đòi nhà, đòi quyền sử dụng đất cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ mà Tòa án chưa chấp nhận yêu cầu và theo quy định của pháp luật được quyền khởi kiện lại;

(4) Hết thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 195 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 mà người khởi kiện không nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí cho Tòa án, trừ trường hợp người khởi kiện được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí hoặc có trở ngại khách quan, sự kiện bất khả kháng;

(5) Vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án;

(6) Người khởi kiện không sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo yêu cầu của Thẩm phán.

Trường hợp trong đơn khởi kiện, người khởi kiện đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ nơi cư trú của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng họ không có nơi cư trú ổn định, thường xuyên thay đổi nơi cư trú, trụ sở mà không thông báo địa chỉ mới cho cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về cư trú làm cho người khởi kiện không biết được nhằm mục đích che giấu địa chỉ, trốn tránh nghĩa vụ đối với người khởi kiện thì Thẩm phán không trả lại đơn khởi kiện mà xác định người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cố tình giấu địa chỉ và tiến hành thụ lý, giải quyết theo thủ tục chung.

Trường hợp trong đơn khởi kiện, người khởi kiện không ghi đầy đủ, cụ thể hoặc ghi không đúng tên, địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mà không sửa chữa, bổ sung theo yêu cầu của Thẩm phán thì Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện;

(7) Người khởi kiện rút đơn khởi kiện.

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

376 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào