Quỹ từ thiện bị giải thể trong trường hợp nào? Khi Quỹ từ thiện bị giải thể có phải đăng báo không?

Tôi có thắc mắc muốn được giải đáp như sau Quỹ từ thiện bị giải thể trong trường hợp nào? Khi Quỹ từ thiện bị giải thể có phải đăng báo không? Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của quỹ từ thiện là gì? Câu hỏi của anh Q.P.Q đến từ TP.HCM.

Quỹ từ thiện là quỹ gì? Quỹ từ thiện bị giải thể trong trường hợp nào?

Theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định 93/2019/NĐ-CP thì quỹ từ thiện là quỹ được tổ chức, hoạt động với mục đích hỗ trợ khắc phục sự cố do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, tai nạn và các đối tượng khác thuộc diện khó khăn, yếu thế cần sự trợ giúp của xã hội, không vì mục tiêu lợi nhuận.

Căn cứ tại khoản 4 Điều 41 Nghị định 93/2019/NĐ-CP quy định về giải thể quỹ, Quỹ từ thiện bị giải thể trong trường hợp sau đây:

- Không báo cáo về tổ chức, hoạt động và tài chính theo quy định hoặc không công khai báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán quỹ và kết luận của kiểm toán (nếu có) trong 02 năm liên tục;

+ Có mâu thuẫn nội bộ nghiêm trọng, không tự giải quyết được, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của cơ quan nhà nước;

- Giả mạo về thông tin kế toán, số tài khoản đăng ký; không đạt mức giải ngân quy định tại Nghị định 93/2019/NĐ-CP;

- Không tự giải thể theo những quy định tại khoản 2 Điều 41 Nghị định 93/2019/NĐ-CP; cụ thể:

+ Chấm dứt hoạt động theo quy định của điều lệ quỹ;

+ Mục tiêu hoạt động của quỹ đã hoàn thành;

+ Không còn khả năng về tài sản, tài chính để hoạt động.

- Vi phạm một trong các quy định tại Điều 9 của Nghị định 93/2019/NĐ-CP; cụ thể:

+ Làm ảnh hưởng đến uy tín của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân, cộng đồng; gây phương hại đến lợi ích quốc gia, an ninh, quốc phòng, khối đại đoàn kết dân tộc.

+ Xâm hại đạo đức xã hội, thuần phong, mỹ tục, truyền thống, bản sắc dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo.

+ Tư lợi, gian dối về tài chính trong quá trình thành lập quỹ và quỹ hoạt động.

+ Rửa tiền, tài trợ khủng bố và các hoạt động trái pháp luật.

+ Làm giả, tẩy xóa, chuyển nhượng, cho thuê, cho mượn, cầm cố, thế chấp giấy phép thành lập quỹ dưới bất kỳ hình thức nào.

+ Sử dụng ngân sách nhà nước, sử dụng hoặc hỗ trợ tài sản được ngân sách nhà nước giao hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước để tham gia góp tài sản thành lập quỹ.

- Quá thời gian đình chỉ có thời hạn quỹ không khắc phục được vi phạm theo quy định tại khoản 5 Điều 40 Nghị định 93/2019/NĐ-CP.

Quỹ từ thiện bị giải thể trong trường hợp nào?

Quỹ từ thiện bị giải thể trong trường hợp nào? (Hình từ Internet)

Khi Quỹ từ thiện bị giải thể có phải đăng báo không?

Căn cứ tại khoản 5 Điều 41 Nghị định 93/2019/NĐ-CP Giải thể quỹ:

Giải thể quỹ
...
5. Trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập quỹ trong trường hợp quỹ tự giải thể hoặc bị giải thể:
a) Trường hợp quỹ tự giải thể: Sau 15 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc thời hạn ghi trong thông báo thanh toán nợ và thanh lý tài sản, tài chính của quỹ khi quỹ tự giải thể mà không có đơn khiếu nại, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 18 Nghị định này xem xét, ra quyết định giải thể và thu hồi giấy phép thành lập và công nhận điều lệ quỹ;
b) Trường hợp quỹ bị giải thể: Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày có kết luận quỹ sai phạm; cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 18 Nghị định này ra thông báo về việc giải thể và thời hạn thanh toán nợ, thanh lý tài sản, tài chính của quỹ liên tiếp trên 03 số báo viết hoặc báo điện tử ở trung ương đối với quỹ do Bộ trưởng Bộ Nội vụ cấp giấy phép thành lập, báo viết hoặc báo điện tử ở địa phương đối với quỹ do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giấy phép thành lập. Sau 15 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc thời hạn thanh toán nợ và thanh lý tài sản, tài chính ghi trong thông báo mà không có đơn, thư khiếu nại; cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 18 Nghị định này ra quyết định giải thể và thu hồi giấy phép thành lập và công nhận điều lệ quỹ;
c) Trường hợp quỹ bị giải thể mà không đồng ý với quyết định giải thể, thì quỹ có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật. Trong thời gian chờ giải quyết khiếu nại, quỹ không được hoạt động.

Như vậy, đối với trường hợp quỹ từ thiện bị giải thể:

Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày có kết luận quỹ sai phạm; cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 18 Nghị định 93/2019/NĐ-CP ra thông báo về việc giải thể và thời hạn thanh toán nợ, thanh lý tài sản, tài chính của quỹ liên tiếp trên 03 số báo viết hoặc báo điện tử:

- Ở trung ương đối với quỹ do Bộ trưởng Bộ Nội vụ cấp giấy phép thành lập,

- Ở địa phương đối với quỹ do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giấy phép thành lập.

Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của quỹ từ thiện là gì?

Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của quỹ từ thiện được quy định tại Điều 5 Nghị định 93/2019/NĐ-CP, cụ thể:

- Thành lập và hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận.

- Tự nguyện, tự chủ, tự trang trải và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật bằng tài sản của mình.

- Tổ chức, hoạt động theo quy định của pháp luật và điều lệ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận.

- Công khai, minh bạch về tổ chức, hoạt động và thu, chi tài chính, tài sản của quỹ.

- Không phân chia tài sản.

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

476 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào