Quy trình thao tác trong hệ thống điện quốc gia được thực hiện trong giờ có nhu cầu sử dụng điện cao trong trường hợp nào?
- Yêu cầu chung khi thực hiện các thao tác thiết bị điện trong hệ thống điện quốc gia là gì?
- Quy trình thao tác trong hệ thống điện quốc gia được thực hiện trong giờ có nhu cầu sử dụng điện cao trong trường hợp nào?
- Trong hệ thống điện quốc gia các thao tác ngoài trời được ngừng khi có điều kiện thời tiết thế nào?
- Thao tác trong hệ thống điện quốc gia được ngừng trong trường hợp nào?
Yêu cầu chung khi thực hiện các thao tác thiết bị điện trong hệ thống điện quốc gia là gì?
Căn cứ theo Điều 4 Thông tư 44/2014/TT-BCT (Được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 3 Thông tư 31/2019/TT-BCT) có quy định về yêu cầu đối với thao tác thiết bị điện trong hệ thống điện quốc gia như sau:
Yêu cầu chung về thao tác thiết bị điện trong hệ thống điện quốc gia
1. Đơn vị quản lý vận hành có trách nhiệm:
a) Ban hành quy trình thao tác thiết bị điện thuộc phạm vi quản lý phù hợp với yêu cầu của nhà chế tạo, sơ đồ kết dây và quy định tại Thông tư này;
b) Định kỳ kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị đóng cắt và hệ thống điều khiển thuộc phạm vi quản lý theo quy định để đảm bảo các thiết bị này hoạt động tốt khi thao tác;
c) Thực hiện thao tác thử đóng cắt máy cắt, dao cách ly, chuyển nấc máy biến áp bằng điều khiển từ xa nếu thời gian không thao tác kéo dài quá 12 tháng và không gây gián đoạn cung cấp điện cho khách hàng;
d) Hàng năm, tổ chức đào tạo, kiểm tra, diễn tập kỹ năng thao tác cho nhân viên vận hành ít nhất 01 (một) lần.
2. Mọi thao tác đều phải được lập phiếu thao tác và phê duyệt trước khi tiến hành thao tác, trừ các trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều này. Nghiêm cấm thực hiện thao tác theo trí nhớ.
3. Cho phép nhân viên vận hành không cần lập phiếu thao tác nhưng phải ghi chép đầy đủ các bước thao tác vào sổ nhật ký vận hành trước khi thực hiện thao tác trong các trường hợp sau đây:
a) Xử lý sự cố;
b) Thao tác có số bước thao tác không quá 03 (ba) bước và được thực hiện tại trung tâm điều khiển hoặc thao tác bằng điều khiển từ xa;
c) Thao tác có số bước thao tác không quá 05 (năm) bước và được thực hiện tại các cấp điều độ có quyền điều khiển.
4. Đơn vị quản lý vận hành có trách nhiệm viết phiếu, duyệt phiếu và thực hiện phiếu thao tác trong nội bộ phạm vi 01 (một) trạm điện, nhà máy điện, trung tâm điều khiển. Trước khi thực hiện phiếu thao tác phải được cấp điều độ có quyền điều khiển cho phép.
5. Cấp điều độ có quyền điều khiển có trách nhiệm viết phiếu, duyệt phiếu và chỉ huy thực hiện phiếu thao tác khi phải phối hợp thao tác thiết bị điện tại nhiều trạm điện, nhà máy điện, trung tâm điều khiển hoặc trong trường hợp thao tác xa từ cấp điều độ có quyền điều khiển.
Quy trình thao tác trong hệ thống điện quốc gia (Hình từ Internet)
Quy trình thao tác trong hệ thống điện quốc gia được thực hiện trong giờ có nhu cầu sử dụng điện cao trong trường hợp nào?
Theo quy định tại Điều 15 Thông tư 44/2014/TT-BCT có nêu như sau:
Thao tác trong giờ nhu cầu sử dụng điện cao và giao nhận ca
1. Hạn chế thao tác trong giờ có nhu cầu sử dụng điện cao và thời gian giao nhận ca, trừ các trường hợp sau:
a) Xử lý sự cố;
b) Đe dọa an toàn đến người hoặc thiết bị;
c) Cần phải hạn chế phụ tải để ổn định hệ thống điện.
2. Trường hợp thao tác được thực hiện từ trước và kéo dài đến giờ giao nhận ca, nhân viên vận hành ca trước phải lựa chọn hạng mục thao tác để ngừng cho hợp lý và bàn giao cho nhân viên vận hành ca sau tiếp tục thực hiện thao tác. Trong trường hợp thao tác phức tạp, nhân viên vận hành ca trước phải ở lại để thực hiện hết các hạng mục thao tác, chỉ được phép giao ca nếu nhân viên vận hành ca sau đã nắm rõ các bước thao tác tiếp theo và đồng ý nhận ca. Nhân viên vận hành ca sau có trách nhiệm tiếp tục thực hiện thao tác để đảm bảo nhân viên vận hành ca trước không bị quá thời gian làm thêm theo quy định của pháp luật về lao động.
Theo đó đối với quy trình thao tác trong hệ thống điện quốc gia quy định hạn chế thao tác trong giờ có nhu cầu sử dụng điện cao và thời gian giao nhận ca, trừ các trường hợp sau:
- Xử lý sự cố;
- Đe dọa an toàn đến người hoặc thiết bị;
- Cần phải hạn chế phụ tải để ổn định hệ thống điện.
Trong hệ thống điện quốc gia các thao tác ngoài trời được ngừng khi có điều kiện thời tiết thế nào?
Căn cứ theo Điều 16 Thông tư 44/2014/TT-BCT có quy định như sau:
Thao tác trong điều kiện thời tiết xấu
1. Không được thực hiện thao tác ngoài trời tại vị trí đặt thiết bị điện trong điều kiện thời tiết xấu (ngoài trời có mưa tạo thành dòng chảy trên thiết bị điện, giông sét, ngập lụt, gió từ cấp 06 trở lên).
2. Cho phép thực hiện các thao tác trong điều kiện thời tiết xấu với điều kiện các thao tác này được thực hiện từ phòng điều khiển và không cần thiết phải kiểm tra ngay trạng thái tại chỗ của thiết bị đóng cắt.
Theo quy định trên thì khi có mưa tạo thành dòng chảy trên thiết bị điện, giông sét, ngập lụt, gió từ cấp 06 trở lên thì các thao tác ngoài trời tại vị trí đặt thiết bị điện sẽ không được thực hiện.
Vào lúc có thời tiết xấu như vậy chỉ thực hiện các thao tác này từ phòng điều khiển và không cần thiết phải kiểm tra ngay trạng thái tại chỗ của thiết bị đóng cắt.
Thao tác trong hệ thống điện quốc gia được ngừng trong trường hợp nào?
Căn cứ theo Điều 17 Thông tư 44/2014/TT-BCT quy định cho phép tạm ngừng thao tác trong các trường hợp sau:
(1) Thời gian thao tác kéo dài liên tục quá 04 giờ đối với người thao tác trực tiếp tại trạm điện hoặc nhà máy điện. Thời gian tạm ngừng thao tác không được quá 01 giờ. Khi tạm ngừng thao tác, nhân viên vận hành phải đảm bảo các điều kiện an toàn theo quy định về an toàn điện.
(2) Thao tác phải thực hiện ngoài trời trong điều kiện thời tiết xấu.
(3) Tạm ngừng thao tác cho tới khi xử lý xong sự cố, hiện tượng bất thường trong trường hợp đang thao tác thì xảy ra sự cố hoặc có cảnh báo hiện tượng bất thường tại trạm điện, nhà máy điện hoặc trên hệ thống điện.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.