Quy trình mổ khám trâu bò và loài nhai lại mắc bệnh động vật được tiến hành như thế nào theo quy định?

Cho hỏi: Danh mục các bệnh động vật có nghi ngờ nào thì không được mổ khám? Quy trình mổ khám trâu bò và loài nhai lại mắc bệnh động vật được tiến hành như thế nào theo quy định? - câu hỏi của anh H. (Hà Nội)

Danh mục các bệnh động vật có nghi ngờ nào thì không được mổ khám?

Danh mục các bệnh động vật có nghi ngờ sau đây không được mổ khám theo quy định tại tiểu mục 2.2 Mục 2 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 8402:2010 về Bệnh động vật - Quy trình mổ khám như sau:

2. Quy định chung
2.1. Khái niệm
Quy trình mổ khám phục vụ cho việc kiểm tra các biến đổi bệnh lý đại thể có thể quan sát được bằng mắt thường (hoặc kính lúp) trong các cơ quan phủ tạng và mô của gia súc, gia cầm.
2.2. Danh mục các bệnh có nghi ngờ sau đây không được mổ khám
Bệnh nhiệt thán: Tuyệt đối không được mổ
Bệnh dại và bệnh bò điên: Không nằm trong phạm vi quy trình này, báo cáo chính quyền và thú y để có biện pháp xử lý.
Bệnh cúm gia cầm: Chỉ khi có đầy đủ điều kiện bảo vệ và điều kiện có nơi mổ khám an toàn tránh reo rắc mầm bệnh ra môi trường xung quanh, hoặc báo cáo cơ quan Thú y cấp trên để xử lý.
...

Căn cứ trên quy định Danh mục các bệnh động vật có nghi ngờ sau đây không được mổ khám gồm:

- Bệnh nhiệt thán: Tuyệt đối không được mổ

- Bệnh dại và bệnh bò điên: Không nằm trong phạm vi quy trình này, báo cáo chính quyền và thú y để có biện pháp xử lý.

- Bệnh cúm gia cầm: Chỉ khi có đầy đủ điều kiện bảo vệ và điều kiện có nơi mổ khám an toàn tránh reo rắc mầm bệnh ra môi trường xung quanh, hoặc báo cáo cơ quan Thú y cấp trên để xử lý.

Các biện pháp làm chết con vật trước khi mổ khám được quy định như thế nào?

Các biện pháp làm chết con vật trước khi mổ khám được quy định tại tiểu mục 2.3 Mục 2 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 8402:2010 về Bệnh động vật - Quy trình mổ khám như sau:

- Trâu, bò: dùng điện, gây mê quá liều hoặc dùng súng chuyên dụng;

- Lợn: dùng điện, gây mê quá liều hoặc tháo tiết;

- Gia cầm: phá hành tủy, bơm không khí vào mạch gây lấp quản hoặc tháo tiết.

Quy trình mổ khám

Quy trình mổ khám trâu bò và loài nhai lại mắc bệnh động vật được tiến hành như thế nào theo quy định? (Hình từ Internet)

Quy trình mổ khám trâu bò và loài nhai lại mắc bệnh động vật được tiến hành như thế nào theo quy định?

Quy trình mổ khám trâu bò và loài nhai lại phục vụ cho việc kiểm tra các biến đổi bệnh lý đại thể có thể quan sát được bằng mắt thường (hoặc kính lúp) trong các cơ quan phủ tạng và mô của trâu bò và loài nhai lại.

Quy trình mổ khám trâu bò và loài nhai lại mắc bệnh động vật được tiến hành theo các bước quy định tại Mục 5 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 8402:2010 về Bệnh động vật - Quy trình mổ khám như sau:

Bước 01: Chuẩn bị mổ khám

Chuẩn bị bàn mổ khám nếu tiến hành mổ khám trong phòng thí nghiệm. Tại thực địa có thể chuẩn bị bàn gỗ hoặc tấm ván dễ dàng thực hiện cọ rửa, tiêu độc hoặc bao tải, túi nilon đối với lợn và gia cầm, còn trâu bò tùy thuộc vào điều kiện tình hình thực tế.

Sử dụng bộ đồ mổ gia súc, bộ đồ mổ gia cầm đã được tiệt trùng.

Các cán bộ tham gia mổ khám phải mang đầy đủ các trang thiết bị bảo hộ.

Dụng cụ lấy mẫu đã được vô trùng, trang thiết bị để bảo quản mẫu.

Bước 02: Tiến hành mổ khám

Trường hợp các ca bệnh nghi mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể lây sang người tuyệt đối không được mổ và phải báo cáo với cơ quan thú y cấp trên để giải quyết (2.2).

Người tham gia mổ khám phải mang đầy đủ các trang thiết bị, dụng cụ bảo hộ đã được chuẩn bị sẵn.

Nếu con vật còn sống phải thực hiện các biện pháp làm chết con vật trước khi thực hiện các thao tác mổ khám, tránh gây biến đổi lớn về mức độ quan sát bệnh tích (2.3).

Đưa xác gia súc, gia cầm vào nơi mổ đã được chuẩn bị trước.

Kiểm tra bệnh ngoài về thể trạng, da, lông, khối u, mụn nước, các lỗ tự nhiên, các khớp, bộ phận sinh dục bên ngoài (trâu, bò và loài nhai lại, lợn), ngoại ký sinh trùng và các tổn thương khác bên ngoài.

Người mổ chính tiến hành các thao tác mổ khám, quan sát các biểu hiện ở từng cơ quan, tổ chức, đọc to rõ ràng cho người phụ mổ ghi lại các thông tin.

Người phụ mổ tham gia hỗ trợ mổ khám, đưa chuyển dụng cụ, hỗ trợ nâng đỡ hoặc kéo giữ chân và các bộ phận khác của con vật khi cần thiết. Đồng thời ghi chép lại các thông tin người mổ chính đọc lên trong khi mổ khám kiểm tra quan sát được.

* Mổ khám trâu bò và loài nhai lại

Đặt con vật nằm nghiêng sang bên trái. Rạch da theo các đường từ cằm tới hậu môn (nếu là gia súc lấy sữa cắt quanh bầu vú), rạch đường tiếp theo từ nách chân trước sang cẳng chân bên phải, lột da, kiểm tra các biểu hiện không bình thường dưới da.

Dùng dao cắt lớp cơ ở nách giữ chân phải trước tới khớp bả vai, người phụ mổ kéo lật chân phải trước ra phía sau lưng.

Dùng dao cắt lớp cơ ở bẹn giữ chân phải sau tới khớp hông, người phụ mổ kéo lật chân phải sau ra phía sau lưng.

Dùng dao tách lớp cơ bộc lộ các xương sườn bên phải.

Dùng kìm hoặc cưa cắt xương cắt rời xương ức ở lớp sụn hai bên từ cửa vào lồng ngực.

Dùng dao cắt đứt các cơ liên kết giữa các xương sườn phía phải tới giáp cột sống, bẻ từng chiếc ra phía sau bộc lộ xoang ngực, kiểm tra dịch trong xoang ngực và bề mặt các cơ quan nội tạng trong xoang ngực.

Dùng dao cắt cơ hoành, cắt dọc theo cơ thành bụng phía phải giáp cột sống, xuống xoang chậu bộc lộ xoang bụng, kiểm tra dịch trong xoang bụng, bề mặt các cơ quan nội tạng trong xoang bụng.

Dùng đục hoặc cưa cắt đứt khớp bán động háng bộc lộ xoang chậu, kiểm tra bề mặt các cơ quan nội tạng trong xoang chậu.

Quan sát kiểm tra bên ngoài các tổ chức trong các xoang đã được bộc lộ như tim, phổi, gan, dạ lá sách, dạ tổ ong, phần ruột bên phải, sau đó lật xác gia súc sang bên phải quan sát kiểm tra bề mặt dạ cỏ, lá lách và phần ruột bên trái và lấy bệnh phẩm cho nuôi cấy xét nghiệm.

Quan sát kiểm tra hạch lâm ba trước vai và trước đùi.

Dùng dao cắt các cơ hai bên cằm giữ lưỡi, kéo lưỡi ra khỏi xoang miệng, kiểm tra xoang miệng.

Cắt tách các tổ chức giữ lưỡi, thực quản, khí quản, phổi, cuối cùng cắt đứt thực quản, mạch quản giáp với cơ hoành (dùng dây buộc phía dưới thực quản trước khi cắt tránh thức ăn từ dạ cỏ trào ra gây nhiễm bẩn các tổ chức khác). Lấy toàn bộ phần dạ dày, ruột ra ngoài để kiểm tra sau cùng. Lấy các tổ chức trong cổ, ngực, rửa trong nước sạch trước khi kiểm tra chi tiết bên ngoài.

Kiểm tra xoang bao tim, dịch bên trong, mở tim kiểm tra các xoang, van, chân cầu.

Kiểm tra hạch amidan, rạch thanh quản, khí quản, phế quản, phế nang phổi kiểm tra bên trong về màu sắc và độ đàn hồi.

Rạch kiểm tra bên trong thực quản về chất chứa và gạt kiểm tra niêm mạc.

Lấy gan, mật, lá lách ra để kiểm tra về màu sắc, kích thước, độ cứng mềm, ký sinh trùng, các ổ viêm hoặc các khối u và các biểu hiện không bình thường. Rạch cắt gan và lách kiểm tra độ sưng, rạch tách túi mật kiểm tra niêm mạc bên trong.

Kiểm tra tuyến tụy về kích thước và các biểu hiện không bình thường.

Kiểm tra toàn bộ cơ quan sinh dục (buồng trứng, ống dẫn trứng, dạ con đối với con cái; dịch hoàn, ống dẫn tinh đối với con đực) cả bên ngoài và bên trong.

Kiểm tra bên ngoài và trong thận, ống dẫn niệu, bóng đái về màu sắc, kích thước, chất chứa bên trong và niêm mạc.

Kiểm tra toàn bộ hệ thống hạch lâm ba trong cơ thể về độ viêm sưng, màu sắc, bổ đôi hạch để kiểm tra bên trong.

Rạch kiểm tra bên trong hệ thống tiêu hóa theo thứ tự từ dạ dày tới hậu môn về các chất chứa, dịch, màu sắc, điểm hoại tử, ký sinh trùng; Loại bỏ chất chứa quan sát bề mặt niên mạc. Đặc biệt chú ý có ngoại vật trong da tổ ong hay không.

Cắt kiểm tra dịch, màu sắc các khớp xương, chẻ dọc kiểm tra tủy xương bên trong.

Cắt đầu gia súc ở đốt sống Atlas, lột da, dùng đục hoặc cưa cắt từ lỗ chẩm sang hai bên đến cạnh trước xương trán, lật xương hộp sọ, bộc lộ não, dùng kéo cong vô trùng tách màng não, cắt đứt các dây thần kinh lấy não ra kiểm tra. Tuyến yên cũng được kiểm tra (nằm ở dưới xương bướm).

Dùng cưa cắt ngang xương mũi để kiểm tra xoang và các ống cuộn.

Dùng dụng cụ vô trùng lấy mẫu cho xét nghiệm trong phòng thí nghiệm.

Bước 03: Xử lý sau khi mổ khám

Sau khi mổ khám xong phải xử lý triệt để phần xác con vật (chôn, hấp tiêu độc hoặc đốt xác) và cọ rửa, xử lý nơi mổ khám bằng thuốc sát trùng hoặc vôi bột hoặc đèn tử ngoại (phòng mổ).

Các dụng cụ mổ khám ngâm trong thuốc sát trùng, rửa bằng xà phòng (các dụng cụ có nhựa gắn kèm). Các dụng cụ kim loại (dao, kéo, panh) ngâm trong thuốc sát trùng, sau đó rửa bằng xà phòng hoặc hấp tiêu độc.

Các trang thiết bị bảo hộ dùng một lần (quần áo, găng tay, mũ, khẩu trang) xử lý đốt hủy hoặc hấp tiêu độc cùng xác con vật hoặc chôn lấp cùng xác sau mổ.

Nhúng ủng vào chậu thuốc sát trùng, cọ rửa bằng xà phòng.

Cán bộ tham gia mổ khám, lấy mẫu, xử lý xác sau mổ và khu vực mổ khám, các dụng cụ dùng trong mổ khám xong phải rửa tay chân sạch bằng xà phòng. Tắm rửa thay quần áo (tùy theo điều kiện trong phòng thí nghiệm hoặc tại thực địa).

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

1,800 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào