Quỹ tín dụng nhân dân có phải là tổ chức tín dụng không? Quỹ có 20 thành viên thì được cấp phép hoạt động hay không?

Tôi muốn biết quỹ tín dụng nhân dân cụ thể là gì, do ai thành lập? Hiện nay tôi cùng một số công chức khác có nhu cầu muốn thành lập quỹ tín dụng nhân dân. Vậy nếu số lượng của chúng tôi là 20 người thì có đủ điều kiện để được cấp phép thành lập và hoạt động hay không? Ngoài ra, có thể cho tôi biết trường hợp nào thì bị thu hồi giấy phép được không?

Quỹ tín dụng nhân dân là gì, do ai thành lập?

Quỹ tín dụng nhân dân

Quỹ tín dụng nhân dân

Khoản 1 và khoản 6 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 quy định:

“1. Tổ chức tín dụng là doanh nghiệp thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động ngân hàng. Tổ chức tín dụng bao gồm ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân.”
“6. Quỹ tín dụng nhân dân là tổ chức tín dụng do các pháp nhân, cá nhân và hộ gia đình tự nguyện thành lập dưới hình thức hợp tác xã để thực hiện một số hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật này và Luật hợp tác xã nhằm mục tiêu chủ yếu là tương trợ nhau phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống.”

Như vậy, quỹ tín dụng nhân dân là một loại hình của tổ chức tín dụng, do các pháp nhân, cá nhân và hộ gia đình tự nguyện thành lập dưới hình thức hợp tác xã. Nội dung hoạt động chủ yếu là các hoạt động ngân hàng theo quy định của pháp luật hiện hành.

Quỹ tín dụng nhân dân có 20 thành viên được cấp phép hay không?

Khoản 1 Điều 20 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 quy định về điều kiện được cấp phép của tổ chức tín dụng nói chung như sau:

- Có vốn điều lệ, vốn được cấp tối thiểu bằng mức vốn pháp định;

- Chủ sở hữu của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, cổ đông sáng lập, thành viên sáng lập là pháp nhân đang hoạt động hợp pháp và có đủ năng lực tài chính để tham gia góp vốn; cổ đông sáng lập hoặc thành viên sáng lập là cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có đủ khả năng tài chính để góp vốn.

Điều kiện đối với chủ sở hữu của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, cổ đông sáng lập, thành viên sáng lập do Ngân hàng Nhà nước quy định;

- Người quản lý, người điều hành, thành viên Ban kiểm soát có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại Điều 50 của Luật này;

- Có Điều lệ phù hợp với quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;

- Có Đề án thành lập, phương án kinh doanh khả thi, không gây ảnh hưởng đến sự an toàn, ổn định của hệ thống tổ chức tín dụng; không tạo ra sự độc quyền hoặc hạn chế cạnh tranh hoặc cạnh tranh không lành mạnh trong hệ thống tổ chức tín dụng.

Điều kiện cụ thể để quỹ tín dụng nhân dân được cấp phép được quy định tại khoản 5 Điều 20 Luật Các tổ chức tín dụng 2010, hướng dẫn bởi Điều 10 Thông tư 04/2015/TT-NHNN như sau:

- Có vốn điều lệ tối thiểu bằng mức vốn pháp định theo quy định của Chính phủ tại thời điểm đề nghị cấp Giấy phép.

- Có tối thiểu 30 thành viên đáp ứng quy định tại Điều 31 Thông tư này, có đủ năng lực tài chính để tham gia góp vốn thành lập quỹ tín dụng nhân dân.

- Người quản lý, thành viên Ban kiểm soát đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định tại các Điều 20, Điều 23 và Điều 24 Thông tư này.

- Cơ cấu tổ chức của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát phù hợp với quy định của Luật các tổ chức tín dụng và Thông tư này.

- Có Điều lệ phù hợp với quy định tại Luật các tổ chức tín dụng, Luật Hợp tác xã và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

- Có Đề án thành lập, phương án kinh doanh khả thi trong 03 năm đầu hoạt động.

Có thể thấy, để được cấp giấy phép, quỹ tín dụng nhân dân phải đảm bảo có tối thiểu 30 thành viên đáp ứng quy định về điều kiện đối với cá nhân tại khoản 1 Điều 31 Thông tư 04/2015/TT-NHNN được sửa đổi bởi khoản 17 Điều 2 Thông tư 21/2019/TT-NHNN. Do đó, trường hợp của bạn chỉ có 20 người thì không đủ điều kiện để được cấp phép thành lập và hoạt động mô hình quỹ tín dụng nhân dân.

Trường hợp nào quỹ tín dụng nhân dân bị thu hồi giấy phép hoạt động?

Điều 28 Luật Các tổ chức tín dụng nhân dân 2010, được hướng dẫn cụ thể tại Điều 16 Thông tư 23/2018/TT-NHNN quy định những trường hợp quỹ tín dụng nhân dân bị thu hồi giấy phép gồm:

- Quỹ tín dụng nhân dân tự nguyện xin giải thể khi có khả năng thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác.

- Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép quỹ tín dụng nhân dân có thông tin gian lận để có đủ điều kiện được cấp Giấy phép.

- Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động không đúng nội dung quy định trong Giấy phép.

- Quỹ tín dụng nhân dân vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động.

- Quỹ tín dụng nhân dân không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ quyết định xử lý của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh để bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng.

- Quỹ tín dụng nhân dân bị chia, sáp nhập, hợp nhất, phá sản.

- Quỹ tín dụng nhân dân hết thời hạn hoạt động không xin gia hạn hoặc xin gia hạn nhưng không được Ngân hàng Nhà nước chi nhánh chấp thuận bằng văn bản.

Như vậy, quỹ tín dụng nhân dân là một dạng của tổ chức tín dụng, được cấp phép thành lập và hoạt động khi đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo luật định. Trường hợp số lượng thành viên là cá nhân của quỹ tín dụng nhân dân chỉ có 20 người thì không đủ điều kiện để được cấp giấy phép.

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

10,792 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào