Quỹ tín dụng nhân dân có được cho vay mà không có bảo đảm hay không? Quỹ tín dụng nhân dân có phải ban hành quy chế nội bộ về việc cho vay hay không?
Quỹ tín dụng nhân dân có được cho vay mà không có bảo đảm hay không?
Căn cứ Điều 8 Thông tư 32/2015/TT-NHNN, được sửa đổi bởi Điều 4 Thông tư 21/2019/TT-NHNN quy định như sau:
Giới hạn cho vay
1. Quỹ tín dụng nhân dân không được cho vay không có bảo đảm, cho vay với điều kiện ưu đãi (ưu đãi về lãi suất, hồ sơ, trình tự, thủ tục xét duyệt cho vay, biện pháp bảo đảm nghĩa vụ nợ và các biện pháp xử lý thu hồi nợ so với quy định của pháp luật và các quy định tại quy định nội bộ về hoạt động cho vay, quản lý tiền vay) cho những đối tượng sau đây:
a) Thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Giám đốc, Phó Giám đốc, kế toán trưởng của quỹ tín dụng nhân dân;
b) Tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên đang kiểm toán và thanh tra viên đang thanh tra tại quỹ tín dụng nhân dân;
c) Doanh nghiệp có một trong những đối tượng quy định tại điểm a khoản này sở hữu trên 10% vốn điều lệ của doanh nghiệp đó;
d) Người thẩm định, xét duyệt cho vay của quỹ tín dụng nhân dân.
2. Đối với các khoản cho vay các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này, quỹ tín dụng nhân dân phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:
a) Tổng mức dư nợ cho vay không được vượt quá 5% vốn tự có của quỹ tín dụng nhân dân;
b) Việc cho vay phải được Hội đồng quản trị thông qua và phải công khai trong quỹ tín dụng nhân dân;
c) Báo cáo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố khi có phát sinh khoản cho vay;
d) Báo cáo Đại hội thành viên đối với khoản cho vay phát sinh đến thời điểm lấy số liệu để họp Đại hội thành viên.
3. Tổng mức dư nợ cho vay đối với một thành viên là pháp nhân không được vượt quá tổng số vốn góp và số dư tiền gửi của pháp nhân đó tại quỹ tín dụng nhân dân tại mọi thời điểm. Thời hạn cho vay đối với thành viên là pháp nhân không được vượt quá thời hạn còn lại của số tiền gửi và khoản vay phải được đảm bảo bằng chính số tiền gửi tại quỹ tín dụng nhân dân của pháp nhân.
4. Tổng mức dư nợ cho vay đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của quỹ tín dụng nhân dân.
5. Tổng mức dư nợ cho vay đối với khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 25% vốn tự có của quỹ tín dụng nhân dân, trong đó mức cho vay đối với một khách hàng không được vượt quá tỷ lệ quy định tại khoản 4 Điều này.
6. Các giới hạn quy định tại các khoản 2, 4 và 5 Điều này không áp dụng đối với:
a) Các khoản cho vay theo ủy thác của Chính phủ, tổ chức (bao gồm cả tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) và cá nhân;
b) Các khoản cho vay có bảo đảm toàn bộ bằng tiền gửi tại chính quỹ tín dụng nhân dân.
7. Vốn tự có quy định tại điểm a khoản 2, khoản 4 và khoản 5 Điều này được xác định theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Thông tư này.
Theo đó, quỹ tín dụng nhân dân không được cho vay không có bảo đảm.
Như vậy theo quy định trên thì việc quy định tài sản nào được sử dụng để bảo đảm tiền vay thuộc về quy chế nội bộ của quỹ tín dụng nhân dân.
Do đó bạn vui lòng liên hệ với quỹ tín dụng nhân dân mà bạn có ý định vay để biết thông tin chính xác về tài sản đảm bảo cho từng khoản vay.
Quỹ tín dụng nhân dân
Quỹ tín dụng nhân dân có phải ban hành quy chế nội bộ về việc cho vay hay không?
Căn cứ Điều 38 Thông tư 04/2015/TT-NHNN, được sửa đổi bởi khoản 22 Điều 2 Thông tư 21/2019/TT-NHNN như sau:
Quản lý hoạt động cho vay
Quỹ tín dụng nhân dân phải ban hành quy chế nội bộ về cho vay, quản lý tiền vay để đảm bảo việc sử dụng tiền vay đúng mục đích, trong đó phải bao gồm tối thiểu các nội dung sau:
1. Quy định cụ thể về việc cho vay đối với thành viên là cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân, hộ nghèo không phải là thành viên bao gồm:
a) Quy trình thẩm định, đánh giá nhu cầu, mục đích vay vốn của thành viên (phục vụ sản xuất, kinh doanh dịch vụ và cải thiện đời sống); tính khả thi của dự án sản xuất, kinh doanh dịch vụ và khả năng hoàn trả vốn vay từ hiệu quả sản xuất, kinh doanh dịch vụ; nhu cầu cần cải thiện đời sống; trách nhiệm, quyền hạn của từng bộ phận, cá nhân có liên quan trong quá trình thẩm định, xét duyệt cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ;
b) Quy trình xét duyệt cho vay và xét duyệt, quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ (bao gồm gia hạn nợ và điều chỉnh kỳ hạn nợ);
c) Quy trình xét duyệt cho vay đối với hộ nghèo không phải là thành viên;
d) Quy trình giải ngân vốn vay phù hợp với tiến độ dự án sản xuất, kinh doanh dịch vụ;
đ) Quy trình kiểm soát, quản lý, giám sát để bảo đảm việc sử dụng tiền vay đúng mục đích, đồng thời làm cơ sở thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro;
e) Quy định về tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật (nếu có), phương thức xác định giá trị của tài sản bảo đảm và việc xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi khoản cho vay theo quy định của pháp luật;
g) Lãi suất cho vay, mức cho vay.
...
Như vậy, theo quy định trên thì Quỹ tín dụng nhân dân phải ban hành quy chế nội bộ về cho vay.
Việc mở tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước có phải là hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân không?
Căn cứ Điều 39 Thông tư 04/2015/TT-NHNN quy định như sau:
Hoạt động khác
1. Mở tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước.
2. Mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
3. Gửi tiền tại Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam để điều hòa vốn; mở tài khoản thanh toán để sử dụng dịch vụ thanh toán tại Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam.
4. Cung ứng dịch vụ chuyển tiền, thực hiện các nghiệp vụ thu hộ, chi hộ cho các thành viên.
5. Cung ứng dịch vụ tư vấn về ngân hàng, tài chính cho các thành viên.
6. Nhận ủy thác và làm đại lý một số lĩnh vực liên quan đến hoạt động ngân hàng, quản lý tài sản theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
7. Làm đại lý kinh doanh bảo hiểm.
8. Tham gia góp vốn thành lập Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam.
Theo đó, việc mở tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước là một trong các hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.