Quy hoạch thủy lợi được lập dựa trên nguyên tắc gắn kết với quy hoạch kết cấu hạ tầng quốc gia đúng không?
Quy hoạch thủy lợi có bao nhiêu loại?
Quy hoạch thủy lợi được quy định tại Điều 11 Luật Thủy lợi 2017 được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 14 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018 quy định như sau:
Quy hoạch thủy lợi
1. Quy hoạch thủy lợi là quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành, cụ thể hóa quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, làm cơ sở để đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.
2. Quy hoạch thủy lợi bao gồm các loại sau:
a) Quy hoạch thủy lợi lưu vực sông liên tỉnh;
b) Quy hoạch thủy lợi của hệ thống công trình thủy lợi liên quan từ 02 tỉnh trở lên.
3. Quy hoạch thủy lợi của hệ thống công trình thủy lợi liên quan từ 02 tỉnh trở lên phải phù hợp với quy hoạch thủy lợi lưu vực sông liên tỉnh.
4. Quy hoạch thủy lợi được lập cho giai đoạn 10 năm, tầm nhìn là từ 30 năm đến 50 năm và được rà soát theo định kỳ 05 năm.
5. Quy hoạch thủy lợi được điều chỉnh khi có sự điều chỉnh chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, chiến lược thủy lợi, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi, quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch vùng hoặc khi có biến động lớn tác động đến mục tiêu chính của quy hoạch thủy lợi.
Như vậy, theo quy định trên thì quy hoạch thủy lợi gồm có 02 loại, bao gồm:
(1) Quy hoạch thủy lợi lưu vực sông liên tỉnh;
(2) Quy hoạch thủy lợi của hệ thống công trình thủy lợi liên quan từ 02 tỉnh trở lên.
Quy hoạch thủy lợi được lập dựa trên nguyên tắc gắn kết với quy hoạch kết cấu hạ tầng quốc gia đúng không? (Hình từ Internet)
Quy hoạch thủy lợi được lập dựa trên nguyên tắc gắn kết với quy hoạch kết cấu hạ tầng quốc gia đúng không?
Căn cứ Điều 12 Luật Thủy lợi 2017 được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 14 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018 quy định nguyên tắc lập quy hoạch thủy lợi như sau:
Nguyên tắc lập quy hoạch thủy lợi
Việc lập quy hoạch thủy lợi phải tuân thủ nguyên tắc cơ bản trong hoạt động quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch và các nguyên tắc sau đây:
1. Phù hợp với chiến lược thủy lợi, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi, quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch vùng; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh;
2. Gắn kết với quy hoạch kết cấu hạ tầng quốc gia và các quy hoạch có liên quan;
3. Bảo đảm quản lý tổng hợp tài nguyên nước, thống nhất theo lưu vực sông, hệ thống công trình thủy lợi; thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế - xã hội trên lưu vực sông; phát triển bền vững;
4. Phục vụ đa mục tiêu, bảo đảm hài hòa giữa khai thác với bảo vệ tài nguyên, môi trường, phòng, chống thiên tai; chú trọng cấp nước cho hải đảo, vùng ven biển, khu vực biên giới, miền núi và vùng ven hồ chứa thủy điện;
5. Bảo đảm cân đối nguồn nước trong phạm vi toàn quốc, vùng, lưu vực sông, hệ thống công trình thủy lợi, đơn vị hành chính; chuyển nước từ nơi thừa đến nơi thiếu; trữ nước mùa mưa cho mùa khô, năm nhiều nước cho năm ít nước.
Như vậy, việc lập quy hoạch thủy lợi phải tuân thủ các nguyên tắc nêu trên, trong đó có nguyên tắc gắn kết với quy hoạch kết cấu hạ tầng quốc gia và các quy hoạch có liên quan.
Quy hoạch thủy lợi lưu vực sông liên tỉnh gồm có các nội dung nào?
Theo đó, nội dung quy hoạch thủy lợi lưu vực sông liên tỉnh được quy định tại Điều 13 Luật Thủy lợi 2017 được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 14 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018 cụ thể như sau:
(1) Phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên, nguồn nước; điều kiện kinh tế - xã hội; nguồn lực; đánh giá hiện trạng thủy lợi, kết quả thực hiện quy hoạch thời kỳ trước;
(2) Dự báo xu thế phát triển và các kịch bản phát triển, nguồn nước trong bối cảnh chịu tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai; dự báo tiến bộ khoa học và công nghệ, nguồn lực ảnh hưởng trực tiếp đến thủy lợi;
(3) Đánh giá về liên kết ngành, liên kết vùng; xác định yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường đối với thủy lợi; cơ hội và thách thức đối với phát triển thủy lợi trên phạm vi lưu vực sông;
(4) Xác định quan điểm, mục tiêu phát triển thủy lợi trên phạm vi lưu vực sông;
(5) Phân tích, tính toán và xây dựng phương án thủy lợi theo các kịch bản phát triển trên phạm vi lưu vực sông; bảo đảm tạo nguồn, tích trữ, cân đối, điều hòa, phân phối nguồn nước, giảm thiểu rủi ro hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, sa mạc hóa, lũ, ngập lụt, úng, ô nhiễm, suy thoái nguồn nước và các thiên tai khác liên quan đến nước trên phạm vi lưu vực sông;
(6) Đề xuất giải pháp, danh mục công trình, dự án, thứ tự ưu tiên;
(7) Định hướng nhu cầu sử dụng đất phục vụ xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp công trình thủy lợi; nhu cầu sử dụng đất để chứa vật liệu nạo vét, mở rộng kênh, mương;
(8) Giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch;
(9) Hệ thống sơ đồ, bản đồ quy hoạch.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.