Quy định về vận tải hành lý bằng đường sắt như thế nào? Trường hợp phát hiện hành lý thuộc loại hàng bị cấm vận tải thì xử lý ra sao?

Vận tải hành lý bằng đường sắt có thuộc hoạt động kinh doanh vận tải đường sắt không? Điều kiện thực hiện hoạt động kinh doanh này là gì? Trường hợp phát hiện hành lý thuộc loại hàng bị cấm vận tải thì xử lý ra sao? Mong nhận được giải đáp, xin cảm ơn.

Điều kiện kinh doanh vận tải hành lý bằng đường sắt

Theo khoản 1 Điều 52 Luật Đường sắt 2017 quy định: Kinh doanh vận tải đường sắt bao gồm kinh doanh vận tải hành khách, hành lý và hàng hóa trên đường sắt.

Mà tại khoản 1 Điều 49 Luật Đường sắt 2017 quy định như sau:

Kinh doanh đường sắt bao gồm kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt, kinh doanh vận tải đường sắt, kinh doanh đường sắt đô thị.

Theo khoản 2 Điều 49 Luật Đường sắt 2017 có quy định thêm: Kinh doanh đường sắt là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Vậy, ta thấy kinh doanh vận tải đường sắt là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện do đó khi thực hiện kinh doanh vận tải hành lý cũng là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Theo đó, kinh doanh vận tải hành lý phải đáp ứng các điều kiện sau, được quy định cụ thể tại Điều 21 Nghị định 65/2018/NĐ-CP:

- Có bộ phận phụ trách công tác an toàn vận tải đường sắt.

- Có ít nhất 01 người phụ trách công tác an toàn có trình độ đại học về chuyên ngành vận tải đường sắt và có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm việc trực tiếp về quản lý, khai thác vận tải đường sắt.

- Người được giao chịu trách nhiệm chính về quản lý kỹ thuật khai thác vận tải phải có trình độ đại học và có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm việc về khai thác vận tải đường sắt.

 Điều kiện kinh doanh vận tải hành lý bằng đường sắt

Điều kiện kinh doanh vận tải hành lý bằng đường sắt

Quy định đối với việc vận tải hành lý bằng đường sắt

Theo các khoản 6, khoản 7 và khoản 8 Điều 3 Thông tư 09/2018/TT-BGTVT quy định về các loại hành lý vận tải bằng đường sắt như sau:

- Hành lý là vật dụng, hàng hóa vận chuyển trên tàu khách bao gồm hành lý xách tay và hành lý ký gửi.

+ Hành lý xách tay là hành lý của hành khách đi tàu được mang theo người lên toa xe khách.

+ Hành lý ký gửi là hành lý gửi trên toa hành lý.

Các quy định đối với hành lý và việc vận tải hành lý trên đường sắt thực hiện theo các Điều 11, 12, 13, 14, 15 và Điều 17 Thông tư 09/2018/TT-BGTVT như sau:

* Quy định chung về hành lý

- Hành khách không phải mua vé đối với hành lý xách tay trong phạm vi khối lượng và chủng loại theo quy định của doanh nghiệp. Trường hợp vượt quá khối lượng quy định thì hành khách phải mua vé theo quy định của doanh nghiệp.

- Hành khách, người gửi hành lý ký gửi phải mua vé cho hành lý ký gửi.

- Trường hợp khối lượng hành lý xách tay của hành khách đã có các quy định theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên thì thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế đó.

* Quy định gửi hành lý ký gửi

- Hành khách, người gửi hành lý ký gửi có trách nhiệm phải ghi đúng, đủ nội dung của tờ khai gửi hàng, đúng tên hàng hóa theo mẫu do doanh nghiệp quy định và chịu trách nhiệm về tính trung thực của việc kê khai, tính hợp pháp của hàng hóa trong hành lý ký gửi.

- Doanh nghiệp tổ chức kiểm tra bao bì, số lượng, ký hiệu, mã hiệu, biểu trưng đặc tính của hàng hóa và xác nhận vào tờ khai gửi hàng.

* Quy định vận tải hành lý

- Hành lý được vận tải phải tuân thủ các quy định tại Điều 11 của Thông tư này.

- Hành lý là vật dụng, hàng hóa không thuộc loại bị nghiêm cấm vận chuyển trong vận tải đường sắt, trường hợp vật dụng, hàng hóa là hàng nguy hiểm, động vật sống, thi hài, hài cốt phải tuân thủ các quy định tại các Điều 62, Điều 63, Điều 64 của Luật Đường sắt và các quy định của pháp luật có liên quan.

- Hành lý xách tay do hành khách đóng gói phải có đồ chứa đựng đảm bảo an toàn hành lý, không để các tính chất, đặc tính tự nhiên của hàng hóa ảnh hưởng đến hành khách khác và được để đúng nơi quy định trên toa hành khách, do hành khách tự bảo quản.

- Hành lý ký gửi phải đảm bảo các điều kiện sau:

+ Hành lý ký gửi phải được hành khách, người gửi hành lý ký gửi đóng gói chắc chắn theo đúng quy định của doanh nghiệp về kích thước, trọng lượng mỗi kiện hàng. Đảm bảo không bị mất mát, giảm khối lượng, hư hỏng hoặc giảm chất lượng trong quá trình vận chuyển;

+ Bên ngoài bao gói của hành lý ký gửi phải có các thông tin sau: Họ tên, địa chỉ, số điện thoại, số fax (nếu có) của hành khách, người gửi hành lý ký gửi, người nhận hành lý ký gửi; số hiệu vé hành lý ký gửi; ký hiệu, biểu trưng đặc tính của hàng hóa;

+ Trước khi nhận vận chuyển, doanh nghiệp có trách nhiệm kiểm tra bao gói và yêu cầu sửa chữa, bổ sung cho đúng quy định, trường hợp nghi ngờ về tính xác thực của hàng hóa chứa bên trong, doanh nghiệp được quyền yêu cầu hành khách, người gửi hành lý ký gửi mở bao gói để kiểm tra.

- Doanh nghiệp quy định những loại hành lý ký gửi không bắt buộc phải đóng gói khi vận chuyển.

- Những vật dụng, hàng hóa không được mang theo người bao gồm:

- Hàng nguy hiểm;

+ Vũ khí, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép sử dụng hợp lệ;

+ Những chất gây mất vệ sinh, làm bẩn toa xe;

+ Thi hài, hài cốt;

+ Hàng hóa cấm lưu thông;

+ Động vật sống (trừ chó cảnh, mèo, chim, cá cảnh nhưng phải có trang bị thích hợp để giữ gìn vệ sinh, không gây ảnh hưởng tới người xung quanh);

+ Vật cồng kềnh làm trở ngại việc đi lại trên tàu, làm hư hỏng trang thiết bị toa xe.

* Quy định xếp dỡ, bảo quản hành lý ký gửi

- Doanh nghiệp chịu trách nhiệm trong việc xếp, dỡ, bảo quản hành lý ký gửi và được thu tiền xếp, dỡ hành lý ký gửi theo quy định của doanh nghiệp.

- Hành lý ký gửi bị mất mát, giảm khối lượng, hư hỏng hoặc giảm chất lượng trong quá trình vận chuyển, xếp, dỡ, bảo quản, nếu do lỗi của doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải đền bù phần hàng hóa bị mất mát, giảm khối lượng, hư hỏng hoặc giảm chất lượng theo quy định tại Điều 29 của Thông tư này.

* Báo tin hành lý ký gửi đến

- Khi hành lý ký gửi được vận chuyển tới ga đến, doanh nghiệp phải báo tin ngay cho người nhận biết và xác nhận về thời điểm mà người nhận hành lý ký gửi đã nhận được tin báo.

- Hành lý ký gửi đến ga đến chậm hơn hoặc sớm hơn theo thỏa thuận giữa hành khách, người gửi hành lý ký gửi với doanh nghiệp thì doanh nghiệp có trách nhiệm báo tin kịp thời cho hành khách, người gửi hành lý ký gửi và người nhận.

* Giao trả hành lý ký gửi

- Khi nhận hành lý ký gửi, hành khách, người nhận hành lý ký gửi phải kiểm tra hành lý, xuất trình và trả lại cho doanh nghiệp vé hành lý.

- Đối với người nhận hành lý ký gửi ngoài việc thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này đồng thời phải xuất trình một trong các giấy tờ theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư này.

- Trường hợp hành khách, người nhận hành lý ký gửi bị mất vé hành lý thì phải kê khai, khai báo các nội dung liên quan cần thiết theo hướng dẫn của doanh nghiệp; xuất trình một trong các giấy tờ theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư này, để được nhận hành lý.

- Trường hợp hành lý ký gửi bị mất mát, giảm khối lượng, hư hỏng hoặc giảm chất lượng sai khác so với nội dung đã được kê khai theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Thông tư này, hành khách, người nhận hành lý ký gửi phải kịp thời báo với người đại diện bên giao hành lý ký gửi của doanh nghiệp và bên giao hành lý ký gửi của doanh nghiệp có trách nhiệm lập biên bản xác nhận hiện trạng của hành lý ký gửi với hành khách, người nhận hành lý ký gửi để làm cơ sở bồi thường và giải quyết tranh chấp (nếu có).

- Doanh nghiệp có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi nhất để hành khách và người nhận hành lý ký gửi nhận hành lý.

Trường hợp phát hiện hành lý thuộc loại hàng bị cấm vận tải thì giải quyết như thế nào?

Theo Điều 27 Thông tư 09/2018/TT-BGTVT quy định về việc giải quyết sự cố, trở ngại trong trường hợp phát hiện hành lý ký gửi thuộc loại hàng bị cấm vận chuyển bằng đường sắt như sau:

- Khi phát hiện hành lý ký gửi thuộc loại hàng hóa bị nghiêm cấm trong hoạt động vận tải bằng đường sắt theo quy định Luật Đường sắt và các văn bản pháp luật liên quan thì xử lý như sau:

+ Trường hợp phát hiện tại ga đi, doanh nghiệp từ chối vận chuyển và báo cho cơ quan có thẩm quyền gần nhất để tiếp nhận xử lý;

+ Trường hợp phát hiện khi đang vận chuyển, Trưởng tàu có trách nhiệm lập biên bản xác nhận, đưa hành lý này về ga gần nhất tàu có đỗ, bàn giao cho nhân viên của doanh nghiệp tại ga để báo với cơ quan có thẩm quyền gần nhất để tiếp nhận xử lý.

- Khi có yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thu giữ hành lý ký gửi thì đại diện của doanh nghiệp hoặc Trưởng tàu lập biên bản về sự việc và bàn giao cụ thể cho người đại diện cơ quan ra lệnh thu giữ. Mẫu biên bản do doanh nghiệp quy định. Ngoài việc lập biên bản, đối với từng trường hợp được giải quyết như sau:

+ Trường hợp hành lý ký gửi bị thu giữ ở ga đi, nếu hành lý ký gửi chưa xếp lên toa xe thì doanh nghiệp có trách nhiệm báo cho hành khách, người gửi hành lý ký gửi đến để giải quyết. Trường hợp hành lý ký gửi đã xếp lên toa xe nhưng tàu chưa chạy nếu còn đủ thời gian tác nghiệp xếp, dỡ không ảnh hưởng đến biểu đồ chạy tàu thì phải dỡ xuống và báo cho hành khách, người gửi hành lý ký gửi đến để giải quyết;

+ Trường hợp khi tàu đang chạy mà hành lý ký gửi bị cơ quan có thẩm quyền yêu cầu thu giữ, nếu hành lý ký gửi không thuộc loại hàng hóa quy định khoản 1, khoản 2 Điều này thì được phép vận chuyển đến ga đến và báo cho hành khách, người gửi hành lý ký gửi đến để giải quyết;

+ Trường hợp hành lý ký gửi bị thu giữ ở ga đến, Trưởng tàu bàn giao cho đại diện của doanh nghiệp tại ga để báo cho hành khách, người nhận hành lý ký gửi đến để giải quyết.

- Ngoài việc chịu các biện pháp xử lý của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, hành khách, người gửi hành lý ký gửi vi phạm quy định tại các khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này còn phải:

+ Trả tiền vận chuyển đối với toàn bộ số hành lý ký gửi trên đoạn đường đã vận chuyển theo quy định của doanh nghiệp;

+ Bồi thường toàn bộ các thiệt hại do vi phạm gây ra;

+ Bồi thường các khoản chi phí phát sinh nếu có.

Như vậy, kinh doanh vận tải hành lý là hình thức kinh doanh vận tải đường sắt phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện khi thực hiện hoạt động. Theo đó, trong hoạt động vận tải hành lý, doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành lý cũng như cá nhân, tổ chức có hành lý được vận tải bằng đường sắt phải thực hiện đúng theo quy định của pháp luật đối với hành lý và hoạt động vận tải hành lý.

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Trần Thị Huyền Trân Lưu bài viết
4,477 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào