Quy định về thực hiện sáp nhập thôn, bản như thế nào? Điều kiện để thực hiện sáp nhập thôn, bản được quy định thế nào?
Quy định về thực hiện sáp nhập thôn, bản như thế nào?
Căn cứ tại Điều 3 Thông tư 04/2012/TT-BNV (Được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Thông tư 14/2018/TT-BNV) quy định về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của thôn như sau:
Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố
1. Bảo đảm tính tự quản của cộng đồng dân cư, chấp hành sự quản lý nhà nước trực tiếp của chính quyền cấp xã và sự lãnh đạo của cấp ủy đảng.
2. Tuân thủ pháp luật, thực hiện theo hương ước (quy ước); đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch.
3. Không chia tách các thôn, tổ dân phố đang hoạt động ổn định; thực hiện sáp nhập các thôn, tổ dân phố phù hợp với điều kiện, đặc điểm từng địa phương.
Theo đó, việc sáp nhập các thôn, tổ dân phố phải phù hợp với điều kiện, đặc điểm của từng địa phương. Tại quy định này chưa nêu khi nào phải sáp nhập thôn, tổ dân phố.
Quy định về thực hiện sáp nhập thôn, bản như thế nào? Điều kiện để thực hiện sáp nhập thôn, bản được quy định thế nào? (Hình từ Internet)
Điều kiện để thực hiện sáp nhập thôn, bản được quy định thế nào?
Điều kiện sáp nhập theo khoản 1 Điều 7a được bổ sung vào Chương 2 Thông tư 04/2012/TT-BNV bởi khoản 5 Điều 1 Thông tư 14/2018/TT-BNV, cụ thể như sau:
Điều kiện sáp nhập, giải thể, đặt tên, đổi tên thôn, tổ dân phố
1. Trường hợp sáp nhập thôn, tổ dân phố
a) Đối với các thôn, tổ dân phố có quy mô số hộ gia đình dưới 50% quy mô số hộ gia đình quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư này thì phải sáp nhập với thôn, tổ dân phố liền kề;
b) Đối với các thôn, tổ dân phố đạt từ 50% quy mô số hộ gia đình trở lên theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư này ở những nơi có đủ điều kiện thì thực hiện sáp nhập;
c) Trong quá trình thực hiện sáp nhập thôn, tổ dân phố cần xem xét đến các yếu tố đặc thù về vị trí địa lý, địa hình và phong tục tập quán của cộng đồng dân cư tại địa phương;
d) Đề án sáp nhập thôn, tổ dân phố phải được trên 50% số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình của từng thôn, tổ dân phố sáp nhập tán thành.
...
Như vậy tại quy định trên có nêu rõ trường hợp thực hiện sáp nhập thôn là các hộ có quy mô số hộ gia đình dưới 50% quy mô số hộ gia đình để thành lập một thôn mới.
Hoặc các thôn đã đạt từ 50% quy mô số hộ gia đình trở lên theo quy mô thành lập thôn mới nhưng ở những nơi có đủ điều kiện thì thực hiện sáp nhập.
Tuy nhiên cần xem xét đến các yếu tố đặc thù về vị trí địa lý, địa hình và phong tục tập quán của cộng đồng dân cư tại địa phương, đồng thời phải được trên 50% số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình của từng thôn, tổ dân phố sáp nhập tán thành.
Quy định đặt tên thôn mới sau sáp nhập thôn như thế nào?
Tại khoản 3, khoản 4 Điều 7a được bổ sung vào Chương 2 Thông tư 04/2012/TT-BNV bởi khoản 5 Điều 1 Thông tư 14/2018/TT-BNV có quy định như sau:
Điều kiện sáp nhập, giải thể, đặt tên, đổi tên thôn, tổ dân phố
...
3. Tên của thôn, tổ dân phố do thành lập mới hoặc sáp nhập không được trùng với tên của thôn, tổ dân phố hiện có trong cùng một đơn vị hành chính cấp xã;
4. Việc đổi tên thôn, tổ dân phố được thực hiện theo nguyện vọng của nhân dân sinh sống tại thôn, tổ dân phố
Về các bước đặt tên và đổi tên được hướng dẫn tại khoản 4 Điều 8a được bổ sung vào Chương 2 Thông tư 04/2012/TT-BNV bởi khoản 2 Điều 1 Thông tư 05/2022/TT-BNV như sau:
Quy trình và hồ sơ sáp nhập, giải thể và đặt tên, đổi tên thôn, tổ dân phố
...
4. Việc đặt tên, đổi tên thôn, tổ dân phố:
a) Việc đặt tên thôn, tổ dân phố được thực hiện trong quy trình lập hồ sơ thành lập thôn mới, tổ dân phố mới, sáp nhập thôn, tổ dân phố;
b) Việc đổi tên thôn, tổ dân phố thực hiện theo các bước như sau:
Ủy ban nhân dân cấp xã lập hồ sơ gồm: Tờ trình và Phương án đổi tên thôn, tổ dân phố (phương án cần nêu rõ lý do của việc đổi tên thôn, tổ dân phố; tên của thôn, tổ dân phố sau khi đổi tên) và tổ chức lấy ý kiến của toàn thể cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố về phương án đổi tên thôn, tổ dân phố, tổng hợp các ý kiến và lập thành biên bản lấy ý kiến.
Phương án đổi tên thôn, tổ dân phố nếu được trên 50% số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình tán thành thì Ủy ban nhân dân cấp xã hoàn chỉnh hồ sơ trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua Phương án đổi tên thôn, tổ dân phố; trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày có Nghị quyết Hội đồng nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp xã hoàn chỉnh hồ sơ trình Ủy ban nhân dân cấp huyện. Tại nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp xã, trong thời hạn mười ngày làm việc kể từ ngày lấy ý kiến cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình, Ủy ban nhân dân cấp xã hoàn chỉnh hồ sơ trình Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Trường hợp Phương án đổi tên thôn, tổ dân phố chưa được trên 50% số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình tán thành thì Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức lấy ý kiến lần thứ 2; nếu vẫn không được trên 50% số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình tán thành thì trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày có biên bản lấy ý kiến lần thứ 2, Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định.
Trong thời hạn mười ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ do Ủy ban nhân dân cấp xã chuyển đến, Ủy ban nhân dân cấp huyện có Tờ trình kèm theo hồ sơ gửi Sở Nội vụ thẩm định;
Trong thời hạn mười ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ do Ủy ban nhân dân cấp huyện chuyển đến, Sở Nội vụ thẩm định, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét ban hành Nghị quyết về việc đổi tên thôn, tổ dân phố.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.