Quy định về đưa tài sản chung của vợ chồng vào kinh doanh như thế nào? Khi ly hôn thì việc chia tài sản chung của vợ chồng được đưa vào kinh doanh được quy định ra sao?
Quy định về đưa tài sản chung của vợ chồng vào kinh doanh như thế nào?
Theo quy định tại Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 (được hướng dẫn bởi Điều 9 và Điều 10 Nghị định 126/2014/NĐ-CP) tài sản chung của vợ chồng được xác định như sau:
Tài sản chung của vợ chồng
1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.
Bên cạnh đó, Điều 25 và Điều 36 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định:
Đại diện giữa vợ và chồng trong quan hệ kinh doanh
1. Trong trường hợp vợ, chồng kinh doanh chung thì vợ, chồng trực tiếp tham gia quan hệ kinh doanh là người đại diện hợp pháp của nhau trong quan hệ kinh doanh đó, trừ trường hợp trước khi tham gia quan hệ kinh doanh, vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc Luật này và các luật liên quan có quy định khác.
2. Trong trường hợp vợ, chồng đưa tài sản chung vào kinh doanh thì áp dụng quy định tại Điều 36 của Luật này.
Điều 36. Tài sản chung được đưa vào kinh doanh
Trong trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về việc một bên đưa tài sản chung vào kinh doanh thì người này có quyền tự mình thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung đó. Thỏa thuận này phải lập thành văn bản.
Như vậy, nếu hai vợ chồng có thỏa thuận về việc một bên đưa tài sản chung vào kinh doanh thì người này có quyền tự mình thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung đó.
Thỏa thuận này phải được lập thành văn bản thể hiện nội dung đưa tài sản chung vào việc kinh doanh của vợ chồng. Trong trường hợp một bên vợ hoặc chồng muốn góp thêm tài sản chung vào kinh doanh thì phải có sự đồng ý của bên còn lại, nếu tự ý sử dụng tài sản chung để đưa vào hoạt động kinh doanh thì giao dịch đó có thể được coi là vô hiệu.
Quy định về đưa tài sản chung của vợ chồng vào kinh doanh như thế nào? (Hình từ Internet)
Khi ly hôn thì việc chia tài sản chung của vợ chồng được đưa vào kinh doanh được quy định ra sao?
Khi ly hôn thì việc chia tài sản chung của vợ chồng đưa vào kinh doanh được thực hiện theo quy định tại Điều 64 của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau:
Chia tài sản chung của vợ chồng đưa vào kinh doanh
Vợ, chồng đang thực hiện hoạt động kinh doanh liên quan đến tài sản chung có quyền được nhận tài sản đó và phải thanh toán cho bên kia phần giá trị tài sản mà họ được hưởng, trừ trường hợp pháp luật về kinh doanh có quy định khác.
Như vậy, tài sản chung của vợ chồng được đưa vào kinh doanh thì khi ly hôn vợ hoặc chồng đang thực hiện hoạt động kinh doanh liên quan đến tài sản chung có quyền được nhận tài sản đó và phải thanh toán cho bên kia phần giá trị tài sản mà họ được hưởng, trừ trường hợp pháp luật về kinh doanh có quy định khác.
Tải về mẫu thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn mới nhất 2023: Tại Đây
Khi ly hôn thì vợ chồng được quyền lưu cư trong thời hạn bao lâu?
Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án (theo quy định tại khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014). Trong đó, thời điểm chấm dứt hôn nhân được quy định tại Điều 57 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 với nội dung:
Thời điểm chấm dứt hôn nhân và trách nhiệm gửi bản án, quyết định ly hôn
1. Quan hệ hôn nhân chấm dứt kể từ ngày bản án, quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
2. Tòa án đã giải quyết ly hôn phải gửi bản án, quyết định ly hôn đã có hiệu lực pháp luật cho cơ quan đã thực hiện việc đăng ký kết hôn để ghi vào sổ hộ tịch; hai bên ly hôn; cá nhân, cơ quan, tổ chức khác theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự và các luật khác có liên quan.
Như vậy, vào thời điểm bản án, quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật thì các bên chính thức chấm dứt quan hệ hôn nhân. Và cũng theo đó, các bên không cần phải thực hiện các nghĩa vụ của vợ chồng đối với nhau, bao gồm cả nghĩa vụ sống chung với nhau theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:
Tình nghĩa vợ chồng
…
2. Vợ chồng có nghĩa vụ sống chung với nhau, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và lý do chính đáng khác.
Tuy nhiên, trường hợp ngoại lệ, nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của vợ hoặc chồng sau khi ly hôn có khó khăn về chỗ ở và tạo điều kiện cho họ có thời gian tìm chỗ ở khác, pháp luật có quy định về quyền lưu cư sau ly hôn. Cụ thể, Điều 63 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định:
Quyền lưu cư của vợ hoặc chồng khi ly hôn
Nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng đã đưa vào sử dụng chung thì khi ly hôn vẫn thuộc sở hữu riêng của người đó; trường hợp vợ hoặc chồng có khó khăn về chỗ ở thì được quyền lưu cư trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày quan hệ hôn nhân chấm dứt, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Như vậy, trường hợp vợ hoặc chồng có khó khăn về chỗ ở thì được quyền lưu cư trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày quan hệ hôn nhân chấm dứt, nhưng hai bên hoàn toàn có thể thỏa thuận khác về thời gian lưu cư dài hơn.
Thời gian lưu cư cũng cần được Tòa án ghi nhận trong bản án để thực thi đúng và không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người vợ hoặc chồng còn lại.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.