Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa được thành lập theo quy trình ra sao và tổ chức hoạt động dưới những những mô hình nào?
Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa được thành lập theo quy trình ra sao?
Theo Điều 6 Nghị định 34/2018/NĐ-CP quy định quy trình thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa như sau:
Bước 1:
Khi có nhu cầu thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng Đề án thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng, trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận.
Đề án thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng bao gồm các nội dung cơ bản sau:
+ Sự cần thiết thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng, khả năng đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; quy mô, phạm vi, nội dung hoạt động và tác động của việc thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng đến sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương;
+ Phương án và nguồn vốn hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng, trong đó nêu rõ về nguồn đóng góp vốn điều lệ đã được bố trí trong nguồn chi đầu tư phát triển của ngân sách địa phương (thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn được cấp có thẩm quyền phê duyệt).
Lưu ý: Đảm bảo nguồn vốn điều lệ thực có tối thiểu tại thời điểm thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng là 100 (một trăm) tỷ đồng do ngân sách cấp tỉnh cấp theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 34/2018/NĐ-CP;
+ Dự thảo Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng;
+ Danh sách các thành viên dự kiến là Chủ tịch, Kiểm soát viên, Giám đốc, Phó giám đốc và Kế toán trưởng Quỹ bảo lãnh tín dụng, đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện;
+ Thuyết minh cụ thể về cơ cấu tổ chức và bộ máy hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng;
+ Phương án tổ chức điều hành hoạt động Quỹ bảo lãnh tín dụng theo quy định tại Điều 14 Nghị định 34/2018/NĐ-CP;
+ Phương án tài chính và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng dự kiến trong vòng 05 năm sau khi thành lập và hiệu quả hoạt động dự kiến của Quỹ để chứng minh tính khả thi của việc thành lập.
Bước 2:
(i) Trường hợp đủ điều kiện thành lập và việc thành lập là khả thi, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét phê duyệt các nội dung về thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa gồm:
+ Vốn điều lệ và nguồn hình thành vốn điều lệ,
+ Vốn huy động,
+ Mô hình và cơ cấu tổ chức, bộ máy hoạt động,
+ Các nội dung khác liên quan đến Quỹ bảo lãnh tín dụng theo yêu cầu quản lý của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
(ii) Căn cứ Đề án thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành Quyết định thành lập, phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng.
(iii) Thời hạn thực hiện các công việc sau khi có Quyết định thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa như sau:
+ Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ban hành Quyết định thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng:
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi thông báo cho Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kèm theo Quyết định thành lập và Quyết định ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng.
Đồng thời, Quỹ bảo lãnh tín dụng có trách nhiệm thông báo công khai việc thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng trên các phương tiện thông tin đại chúng.
+ Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày ban hành Quyết định thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng, ngân sách địa phương có trách nhiệm cấp đủ vốn điều lệ theo quy định.
Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa (Hình từ Internet)
Ai có thẩm quyền quyết định Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa?
Theo Điều 7 Nghị định 34/2018/NĐ-CP quy định Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định, phê duyệt và bao gồm các nội dung cơ bản sau:
+ Tên và nơi đặt trụ sở chính.
+ Địa vị pháp lý, tư cách pháp nhân, đại diện pháp luật.
+ Nội dung và phạm vi hoạt động.
+ Thời hạn hoạt động.
+ Vốn điều lệ của Quỹ bảo lãnh tín dụng.
+ Tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm và nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch, Kiểm soát viên, Giám đốc, Phó giám đốc và Kế toán trưởng Quỹ bảo lãnh tín dụng theo quy định tại Nghị định này.
+ Việc tuyển dụng lao động, quy hoạch và bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo khác của Quỹ bảo lãnh tín dụng.
+ Nguyên tắc quản lý tài chính đối với Quỹ bảo lãnh tín dụng.
+ Thủ tục sửa đổi, bổ sung Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng.
+ Quan hệ giữa Quỹ bảo lãnh tín dụng với các cơ quan quản lý nhà nước, các bên nhận bảo lãnh và bên được bảo lãnh.
+ Xử lý tranh chấp, cơ cấu lại, giải thể, phá sản đối với Quỹ bảo lãnh tín dụng theo quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan.
+ Các nội dung khác theo yêu cầu quản lý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại Nghị định này và pháp luật liên quan.
Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định, phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động dưới những mô hình nào?
Theo Điều 14 Nghị định 34/2018/NĐ-CP quy định:
Tổ chức điều hành hoạt động Quỹ bảo lãnh tín dụng
1. Việc tổ chức điều hành hoạt động Quỹ bảo lãnh tín dụng được thực hiện theo một trong hai phương thức sau:
a) Thành lập bộ máy tổ chức quản lý điều hành độc lập Quỹ bảo lãnh tín dụng tại địa phương;
b) Ủy thác cho Quỹ tài chính nhà nước tại địa phương tổ chức quản lý, điều hành hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng.
…
Theo đó, Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa được tổ chức điều hành hoạt động theo một trong hai phương thức sau:
+ Thành lập bộ máy tổ chức quản lý điều hành độc lập Quỹ bảo lãnh tín dụng tại địa phương;
+ Ủy thác cho Quỹ tài chính nhà nước tại địa phương tổ chức quản lý, điều hành hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng.
Lưu ý: Trường hợp Quỹ bảo lãnh tín dụng hoạt động theo mô hình ủy thác cho Quỹ tài chính nhà nước tại địa phương thì cần đảm bảo các yêu cầu sau:
+ Quỹ bảo lãnh tín dụng phải được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập theo quy định tại Điều 5 và Điều 6 Nghị định 34/2018/NĐ-CP;
+ Việc ủy thác cho Quỹ tài chính địa phương tổ chức quản lý điều hành Quỹ bảo lãnh tín dụng phải thực hiện thông qua văn bản ủy thác giữa hai bên, trong đó nêu rõ các nội dung:
- Phạm vi ủy thác, tổ chức bộ máy (trong đó quy định rõ các nhân sự của Quỹ gồm: Chủ tịch, Giám đốc và Kiểm soát viên);
- Nội dung ủy thác;
- Quy trình ủy thác;
- Trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền hạn giữa bên ủy thác và bên nhận ủy thác, rủi ro phát sinh, trách nhiệm của các bên và các nội dung khác có liên quan.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.