Phương tiện có sức chở dưới 5 người khi vận tải hành khách ngang sông có phải ghi số lượng người được phép chở trên phương tiện không?
- Phương tiện có sức chở dưới 5 người khi vận tải hành khách ngang sông có phải ghi số lượng người được phép chở trên phương tiện không?
- Khi vận tải hành khách ngang sông, người lái phương tiện có sức chở dưới 5 người phải tuân thủ những quy định gì trước khi cho phương tiện rời bến?
- Có phải mọi hành khách trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông có sức chở dưới 5 người đều phải mặc áo phao không?
Phương tiện có sức chở dưới 5 người khi vận tải hành khách ngang sông có phải ghi số lượng người được phép chở trên phương tiện không?
Theo điểm c khoản 1 Điều 78 Luật Giao thông đường thuỷ nội địa 2004 quy định thì vận tải hành khách ngang sông là một hình thức của vận tải hành khách đường thuỷ nội địa, là vận tải từ bờ bên này sang bờ bên kia, trừ vận tải ngang sông bằng phà.
Căn cứ theo khoản 1 Điều 79 Luật Giao thông đường thuỷ nội địa 2004 quy định về vận tải hành khách ngang sông như sau:
Vận tải hành khách ngang sông
1. Phương tiện vận tải hành khách ngang sông phải bảo đảm điều kiện hoạt động theo quy định tại Điều 24 của Luật này.
...
Tại khoản 3 Điều 24 Luật Giao thông đường thuỷ nội địa 2004, được sửa đổi bởi khoản 7 Điều 1 Luật Giao thông đường thủy nội địa sửa đổi 2014 quy định:
Điều kiện hoạt động của phương tiện
...
3. Đối với phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần từ 1 tấn đến 15 tấn hoặc có sức chở từ 5 người đến 12 người, phương tiện có động cơ công suất máy chính dưới 5 sức ngựa hoặc có sức chở dưới 5 người khi hoạt động trên đường thủy nội địa phải có giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa và bảo đảm điều kiện an toàn như sau:
a) Thân phương tiện phải chắc chắn, không bị rò nước vào bên trong; phương tiện phải thắp một đèn có ánh sáng trắng ở nơi dễ nhìn nếu hoạt động vào ban đêm; phương tiện chở người phải có đủ chỗ cho người ngồi cân bằng trên phương tiện và có đủ áo phao hoặc dụng cụ cứu sinh cho số người được phép chở trên phương tiện;
b) Máy lắp trên phương tiện phải chắc chắn, an toàn, dễ khởi động và hoạt động ổn định;
c) Phương tiện phải được kẻ hoặc gắn số đăng ký, ghi số lượng người được phép chở trên phương tiện;
d) Phương tiện phải được sơn vạch dấu mớn nước an toàn và khi chở người, chở hàng không được ngập qua vạch dấu mớn nước an toàn. Dấu mớn nước an toàn của phương tiện được sơn một vạch có màu khác với màu sơn mạn phương tiện; vạch sơn có chiều rộng 25 milimét, chiều dài 250 milimét nằm ngang trên hai bên mạn tại vị trí giữa của chiều dài lớn nhất của phương tiện; mép trên của vạch sơn cách mép mạn 100 milimét đối với phương tiện chở hàng, cách mép mạn 200 milimét đối với phương tiện chở người.
Như vậy, đối với phương tiện có động cơ công suất máy chính dưới 5 sức ngựa hoặc có sức chở dưới 5 người khi hoạt động trên đường thủy nội địa phải có giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa và bảo đảm điều kiện an toàn được quy định cụ thể trên.
Trong đó, phương tiện phải được kẻ hoặc gắn số đăng ký, ghi số lượng người được phép chở trên phương tiện.
Vận tải hành khách ngang sông (Hình từ Internet)
Khi vận tải hành khách ngang sông, người lái phương tiện có sức chở dưới 5 người phải tuân thủ những quy định gì trước khi cho phương tiện rời bến?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 79 Luật Giao thông đường thuỷ nội địa 2004 quy định về vận tải hành khách ngang sông như sau:
Vận tải hành khách ngang sông
...
2. Ngoài việc thực hiện các quy định tại khoản 3 Điều 78 của Luật này, thuyền trưởng, người lái phương tiện vận tải hành khách ngang sông phải thực hiện các quy định sau đây:
a) Có đủ dụng cụ cứu sinh còn hạn sử dụng và bố trí đúng nơi quy định;
b) Hướng dẫn hành khách lên, xuống; sắp xếp hàng hóa, hành lý; hướng dẫn hành khách ngồi bảo đảm ổn định phương tiện;
c) Chỉ được cho phương tiện rời bến khi hành khách đã ngồi ổn định, hàng hóa, hành lý, xe máy, xe đạp đã xếp gọn gàng và sau khi đã kiểm tra phương tiện không chìm quá vạch dấu mớn nước an toàn;
d) Không chở người quá sức chở người của phương tiện, chở hàng hoá quá trọng tải quy định.
3. Hành khách phải tuyệt đối tuân theo sự hướng dẫn của thuyền trưởng, người lái phương tiện.
Tại khoản 3 Điều 78 Luật Giao thông đường thuỷ nội địa 2004 quy định thì người lái phương tiện chở khách phải thực hiện các quy định sau:
- Trước khi khởi hành phải kiểm tra điều kiện an toàn đối với người và phương tiện. Phổ biến nội quy an toàn và cách sử dụng các trang thiết bị an toàn cho hành khách và không để hành khách đứng, ngồi ở các vị trí không an toàn;
- Xếp hàng hoá, hành lý của hành khách gọn gàng, không cản lối đi. Yêu cầu hành khách mang theo động vật nhỏ phải nhốt trong lồng, cũi;
- Không chở hàng hoá dễ cháy, dễ nổ, hàng độc hại, động vật lớn chung với hành khách và không để hành khách mang theo súc vật đang bị dịch bệnh lên phương tiện;
- Khi có giông, bão không được cho phương tiện rời cảng, bến, nếu phương tiện đang hành trình thì phải tìm nơi trú ẩn an toàn.
Ngoài việc thực hiện các quy định nêu trên, khi vận tải hành khách ngang sông, người lái phương tiện có sức chở dưới 5 người còn phải thực hiện các quy định sau:
- Có đủ dụng cụ cứu sinh còn hạn sử dụng và bố trí đúng nơi quy định;
- Hướng dẫn hành khách lên, xuống; sắp xếp hàng hóa, hành lý; hướng dẫn hành khách ngồi bảo đảm ổn định phương tiện;
- Chỉ được cho phương tiện rời bến khi hành khách đã ngồi ổn định, hàng hóa, hành lý, xe máy, xe đạp đã xếp gọn gàng và sau khi đã kiểm tra phương tiện không chìm quá vạch dấu mớn nước an toàn.
- Không chở người quá sức chở người của phương tiện, chở hàng hoá quá trọng tải quy định.
Có phải mọi hành khách trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông có sức chở dưới 5 người đều phải mặc áo phao không?
Căn cứ theo Điều 5 Thông tư 15/2012/TT-BGTVT quy định như sau:
Sử dụng áo phao, dụng cụ nổi cá nhân trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông
Mọi hành khách, thuyền viên, người lái phương tiện trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông phải mặc áo phao hoặc cầm (đeo) dụng cụ nổi cá nhân trong suốt hành trình của phương tiện từ lúc rời bến đến khi cập bến an toàn.
Theo đó, mọi hành khách, thuyền viên, người lái phương tiện trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông phải mặc áo phao hoặc cầm (đeo) dụng cụ nổi cá nhân trong suốt hành trình của phương tiện từ lúc rời bến đến khi cập bến an toàn.
Như vậy, nếu không mặc áo phao thì phải cầm, đeo dụng cụ nổi cá nhân trong suốt hành trình của phương tiện từ lúc rời bến đến khi cập bến an toàn.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.