Phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ phải có nội dung chủ yếu nào?
- Phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ phải có nội dung chủ yếu nào?
- Hồ sơ phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ gồm những gì?
- Cơ quan nào thực hiện đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ?
Phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ phải có nội dung chủ yếu nào?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp 2014, phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ phải có nội dung chủ yếu sau:
(1) Đánh giá thực trạng tài chính và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
(2) Mục tiêu, sự cần thiết, hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội của việc bổ sung vốn điều lệ.
(3) Xác định vốn điều lệ sau khi được bổ sung.
Đầu tư bổ sung vốn điều lệ (Hình từ Internet)
Hồ sơ phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ gồm những gì?
Căn cứ khoản 1 Điều 10 Nghị định 91/2015/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 6 Điều 2 Nghị định 140/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ lập phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ, gồm hai nội dung: vốn điều lệ xác định lại và nguồn đầu tư bổ sung vốn điều lệ theo quy định gửi cơ quan đại diện chủ sở hữu.
Hồ sơ phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ gồm những tài liệu sau:
(1) Văn bản xác định mức vốn điều lệ xác định lại và đề nghị nguồn đầu tư bổ sung vốn điều lệ của doanh nghiệp.
(2) Báo cáo đánh giá thực trạng tài chính và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và thuyết minh về mục tiêu, sự cần thiết, hiệu quả kinh tế - xã hội của việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ.
(3) Văn bản giải trình phương pháp xác định mức vốn điều lệ điều chỉnh (kèm theo bản sao quyết định phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng liên quan đến ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; bản sao chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh 05 năm của doanh nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương).
(4) Bản sao Quyết định của cấp có thẩm quyền công bố kết quả xếp loại của doanh nghiệp trong 03 năm liền kề trước năm xác định điều chỉnh vốn điều lệ.
(5) Bản sao báo cáo tài chính đã được kiểm toán trong 03 năm liền kề trước năm xác định điều chỉnh vốn điều lệ.
(6) Văn bản giải trình về các nguồn vốn sử dụng để đầu tư bổ sung vốn điều lệ và điều chỉnh vốn điều lệ.
Cơ quan nào thực hiện đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ?
Cơ quan thực hiện đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định 91/2015/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 7 Điều 2 Nghị định 140/2020/NĐ-CP, khoản 2 Điều 6 Nghị định 140/2020/NĐ-CP như sau:
Thực hiện đầu tư bổ sung vốn điều lệ và điều chỉnh vốn điều lệ đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đang hoạt động
1. Căn cứ phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cơ quan đại diện chủ sở hữu có văn bản (kèm theo hồ sơ của doanh nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Điều 10 Nghị định này), đề nghị cơ quan tài chính thực hiện đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho doanh nghiệp.
2. Cơ quan tài chính cùng cấp thực hiện đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho doanh nghiệp theo từng nguồn vốn cụ thể như sau:
a) Trường hợp đầu tư bổ sung vốn điều lệ bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước đã được bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền phê duyệt (theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước), cơ quan tài chính cùng cấp thực hiện cấp vốn từ ngân sách nhà nước cho doanh nghiệp theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Việc cấp bổ sung vốn điều lệ cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam từ nguồn lãi dầu, khí nước chủ nhà thực hiện theo quy định tại Nghị định của Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý tài chính của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
b) Trường hợp cấp bổ sung vốn điều lệ cho doanh nghiệp từ Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp, căn cứ quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính thực hiện cấp từ Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp cho doanh nghiệp.
...
Như vậy, cơ quan tài chính cùng cấp với cơ quan đại diện chủ sở hữu của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ sẽ thực hiện đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho doanh nghiệp.
Cơ quan tài chính cùng cấp thực hiện đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho doanh nghiệp theo từng nguồn vốn cụ thể quy định tại khoản 2 Điều 11 nêu trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.