Phục hồi chức năng là hoạt động như thế nào? Có các chức danh chuyên môn gì về phục hồi chức năng?

Phục hồi chức năng là hoạt động thế nào? Có các chức danh chuyên môn gì về phục hồi chức năng? Việc phân công chỉ đạo tuyến chuyên ngành phục hồi chức năng được thực hiện thế nào? Câu hỏi của chị Châu (Đồng Nai).

Phục hồi chức năng là hoạt động thế nào?

Căn cứ theo khoản 1 Điều 3 Thông tư 46/2013/TT-BYT (Được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Thông tư 24/2021/TT-BYT) có quy định:

Phục hồi chức năng là một tập hợp các can thiệp, bao gồm các phương pháp y học, kỹ thuật phục hồi chức năng, công nghệ trợ giúp, biện pháp giáo dục, hướng nghiệp, xã hội và cải thiện môi trường, để người bệnh và người khuyết tật (sau đây gọi chung là người bệnh) phát triển, đạt được, duy trì tối đa hoạt động chức năng, phòng ngừa và giảm khuyết tật phù hợp với môi trường sống của họ.

Phục hồi chức năng

Phục hồi chức năng (HÌnh từ Internet)

Có các chức danh chuyên môn gì về phục hồi chức năng?

Theo quy định tại Điều 4 Thông tư 46/2013/TT-BYT quy định có 8 chức danh chuyên môn về phục hồi chức năng như sau:

(1) Bác sỹ chuyên khoa phục hồi chức năng là bác sỹ đã được đào tạo định hướng chuyên khoa phục hồi chức năng trở lên và được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh về phục hồi chức năng theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.

Bác sỹ chuyên khoa phục hồi chức năng có nhiệm vụ khám bệnh, chẩn đoán bệnh, chỉ định điều trị và phục hồi chức năng cho người bệnh.

(2) Y sỹ chuyên khoa phục hồi chức năng là y sỹ đã được đào tạo định hướng chuyên khoa phục hồi chức năng và được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh về phục hồi chức năng theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.

Y sỹ chuyên khoa phục hồi chức năng có nhiệm vụ hỗ trợ bác sỹ trong chẩn đoán bệnh, chỉ định phục hồi chức năng, thực hiện chế độ hồ sơ bệnh án; xây dựng kế hoạch và phục hồi chức năng cho người bệnh.

Đối với địa phương thiếu bác sỹ chuyên khoa phục hồi chức năng, giám đốc sở Y tế có thể quy định y sỹ chuyên khoa phục hồi chức năng đã có thời gian hành nghề khám bệnh, chữa bệnh về phục hồi chức năng từ 24 tháng trở lên được chẩn đoán bệnh và chỉ định phục hồi chức năng. Việc quy định này phải thể hiện bằng văn bản (quyết định) của giám đốc sở Y tế.

(3) Cử nhân kỹ thuật y học là người được đào tạo về chuyên ngành vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu trình độ đại học.

Cử nhân kỹ thuật y học có nhiệm vụ hỗ trợ bác sỹ chuyên khoa phục hồi chức năng trong chẩn đoán bệnh, xây dựng kế hoạch và thực hiện phục hồi chức năng cho người bệnh.

(4) Cử nhân ngôn ngữ (âm ngữ) trị liệu là người được đào tạo về chuyên ngành ngôn ngữ trị liệu trình độ đại học.

Cử nhân ngôn ngữ trị liệu có nhiệm vụ hỗ trợ bác sỹ chuyên khoa phục hồi chức năng trong chẩn đoán bệnh, xây dựng kế hoạch và thực hiện ngôn ngữ trị liệu cho người bệnh.

(5) Kỹ thuật viên vật lý trị liệu là người được đào tạo chuyên ngành vật lý trị liệu có trình độ trung cấp hoặc người được đào tạo chuyên ngành điều dưỡng có trình độ từ trung cấp trở lên và đã được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về vật lý trị liệu ít nhất 03 (ba) tháng tại các cơ sở đào tạo do Bộ Y tế quy định; được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh về phục hồi chức năng theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.

Kỹ thuật viên vật lý trị liệu có nhiệm vụ thực hiện các kỹ thuật vật lý trị liệu và hoạt động trị liệu cho người bệnh.

(6) Kỹ thuật viên hoạt động trị liệu là người được đào tạo chuyên ngành hoạt động trị liệu có trình độ trung cấp hoặc người được đào tạo chuyên ngành điều dưỡng có trình độ từ trung cấp trở lên và đã được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về hoạt động trị liệu ít nhất 03 (ba) tháng tại các cơ sở đào tạo do Bộ Y tế quy định; được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh về phục hồi chức năng theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.

Kỹ thuật viên hoạt động trị liệu có nhiệm vụ luyện tập cho người bệnh các hoạt động tự chăm sóc bản thân trong đời sống và sinh hoạt hàng ngày, giúp người bệnh tái hòa nhập với môi trường sống ở gia đình và cộng đồng.

(7) Kỹ thuật viên ngôn ngữ (âm ngữ) trị liệu là người được đào tạo chuyên ngành ngôn ngữ trị liệu có trình độ trung cấp hoặc người được đào tạo chuyên ngành điều dưỡng có trình độ từ trung cấp trở lên và đã được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về ngôn ngữ trị liệu ít nhất 03 (ba) tháng tại các cơ sở đào tạo do Bộ Y tế quy định; được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh về phục hồi chức năng theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.

Kỹ thuật viên ngôn ngữ trị liệu có nhiệm vụ luyện tập cho người bệnh có rối loạn chức năng ngôn ngữ và nhận thức giao tiếp.

(8) Kỹ thuật viên dụng cụ chỉnh hình là người được đào tạo chuyên ngành dụng cụ chỉnh hình có trình độ trung cấp và được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh về phục hồi chức năng theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.

Kỹ thuật viên dụng cụ chỉnh hình có nhiệm vụ chế tạo, sản xuất, sửa chữa dụng cụ trợ giúp, dụng cụ thay thế và hướng dẫn người bệnh, gia đình người bệnh và cộng đồng tự làm một số dụng cụ trợ giúp phù hợp.

* Ngoài các chức danh chuyên môn nêu trên, việc chỉ định, tham gia thực hiện phục hồi chức năng còn có các chức danh chuyên môn về chấn thương chỉnh hình, y học thể thao, bác sĩ đa khoa, bác sĩ chuyên khoa, điều dưỡng và các chức danh chuyên môn khác có kiến thức, kỹ năng về phục hồi chức năng.

Việc phân công chỉ đạo tuyến chuyên ngành phục hồi chức năng được thực hiện thế nào?

Tại Điều 19 Thông tư 46/2013/TT-BYT có quy định:

Chỉ đạo tuyến và chuyển tuyến
1. Công tác chỉ đạo tuyến chuyên ngành PHCN được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 4026/QĐ-BYT ngày 20 tháng 10 năm 2010 của Bộ Y tế ban hành quy định phân công công tác chỉ đạo tuyến trong lĩnh vực khám, chữa bệnh.
2. Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phân công chỉ đạo tuyến về PHCN như sau:
a) Nếu có bệnh viện PHCN trên địa bàn thì bệnh viện PHCN làm đầu mối thực hiện công tác chỉ đạo tuyến về PHCN và PHCN dựa vào cộng đồng tại địa phương;
b) Nếu chưa thành lập bệnh viện PHCN thì khoa PHCN hoặc trung tâm PHCN của bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương làm đầu mối thực hiện công tác chỉ đạo tuyến về PHCN và PHCN dựa vào cộng đồng tại địa phương.
3. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc sự quản lý của Bộ, ngành thì việc chỉ đạo tuyến về PHCN theo sự phân công của cơ quan quản lý nhà nước về y tế của Bộ, ngành.
4. Việc chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở PHCN thực hiện theo quy định về chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật của Bộ Y tế.

Theo đó thì công tác chỉ đạo tuyến chuyên ngành phục hồi chức năng được thực hiện theo quy định tại Quy định phân công công tác chỉ đạo tuyến trong lĩnh vực khám, chữa bệnh do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành kèm theo Quyết định 4026/QĐ-BYT năm 2010.

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

9,841 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào