Phòng Tư pháp cấp huyện phải thực hiện thẩm định tất cả các dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp huyện có đúng không?
- Có phải tất cả nghị quyết của hội đồng nhân dân cấp huyện đều là văn bản quy phạm pháp luật không?
- Phòng Tư pháp cấp huyện phải thực hiện thẩm định tất cả các dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp huyện có đúng không?
- Trường hợp Phòng tư pháp cấp huyện kết luận dự thảo Nghị quyết Hội đồng nhân dân huyện không đủ điều kiện để trình thì phải giải quyết sao?
Có phải tất cả nghị quyết của hội đồng nhân dân cấp huyện đều là văn bản quy phạm pháp luật không?
Căn cứ Điều 2 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 có quy định:
"Điều 2. Văn bản quy phạm pháp luật
Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản có chứa quy phạm pháp luật, được ban hành theo đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật này.
Văn bản có chứa quy phạm pháp luật nhưng được ban hành không đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật này thì không phải là văn bản quy phạm pháp luật.
...
Điều 4. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật
...
12. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện)."
Đồng thời tại Điều 3 Nghị định 34/2016/NĐ-CP được bổ sung bởi khoản 1 Điều 1 Nghị định 154/2020/NĐ-CP có quy định:
"Điều 3. Xác định văn bản quy phạm pháp luật
...
3. Nghị quyết do Hội đồng nhân dân và quyết định do Ủy ban nhân dân ban hành không phải là văn bản quy phạm pháp luật trong các trường hợp sau:
a) Nghị quyết miễn nhiệm, bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân và các chức vụ khác;
b) Nghị quyết phê chuẩn kết quả bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân và bầu các chức vụ khác;
c) Nghị quyết giải tán Hội đồng nhân dân;
...
g1) Nghị quyết về chương trình, đề án, dự án, kế hoạch"
Như vậy, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân huyện là văn bản quy phạm pháp luật tuy nhiên những Nghị quyết được liệt kê tại Khoản 3 Điều 3 nêu trên không được xem là văn bản quy phạm pháp luật.
Phòng tư pháp cấp huyện có thẩm quyền và trách nhiệm gì? (Hình từ Internet)
Phòng Tư pháp cấp huyện phải thực hiện thẩm định tất cả các dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp huyện có đúng không?
Theo Điều 134 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 có quy định:
"Điều 134. Thẩm định dự thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp huyện
1. Phòng Tư pháp có trách nhiệm thẩm định dự thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp huyện trước khi trình Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Chậm nhất là 20 ngày trước ngày Ủy ban nhân dân họp, cơ quan chủ trì soạn thảo phải gửi hồ sơ dự thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp huyện đến Phòng Tư pháp để thẩm định.
2. Thời hạn, hồ sơ, nội dung thẩm định và báo cáo thẩm định thực hiện theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 121 của Luật này."
Bên cạnh đó, tại Điều 53 Nghị định 34/2016/NĐ-CP có quy định về trách nhiệm của phòng Tư pháp cấp huyện như sau:
"Điều 53. Trách nhiệm của Phòng Tư pháp
1. Tổ chức thẩm định dự thảo đúng thời hạn, bảo đảm chất lượng.
2. Tổ chức nghiên cứu các nội dung liên quan.
3. Tham gia các hoạt động của cơ quan chủ trì soạn thảo trong quá trình soạn thảo văn bản.
4. Đề nghị các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, các ban, ngành của huyện có ý kiến đối với dự thảo văn bản trước khi tiến hành thẩm định.
Điều 54. Tổ chức thẩm định dự thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp huyện, quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện
1. Trưởng Phòng Tư pháp có trách nhiệm tổ chức thẩm định dự thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp huyện, quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
2. Đối với dự thảo có nội dung phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực thì trước khi tiến hành thẩm định, Phòng Tư pháp có thể tổ chức cuộc họp lấy ý kiến của các cơ quan, ban, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học.
3. Trên cơ sở nghiên cứu và kết quả cuộc họp thẩm định về dự thảo, Phòng Tư pháp có trách nhiệm hoàn thành báo cáo thẩm định gửi đơn vị chủ trì soạn thảo. Trường hợp Phòng Tư pháp kết luận dự thảo chưa đủ điều kiện trình theo quy định tại khoản 2 Điều 134 và khoản 3 Điều 139 của Luật thì phải nêu rõ lý do trong báo cáo thẩm định."
Như vậy, đối với Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân huyện thì Phòng Tư pháp cấp huyện chỉ thực hiện thẩm định các Nghị quyết là văn bản quy phạm pháp luật còn các Nghị quyết không phải là văn bản quy phạm pháp luật thì Phòng Tư pháp cấp huyện không phải thực hiện thẩm định dự thảo.
Trường hợp Phòng tư pháp cấp huyện kết luận dự thảo Nghị quyết Hội đồng nhân dân huyện không đủ điều kiện để trình thì phải giải quyết sao?
Theo quy định của Điều 54 Nghị định 34/2016/NĐ-CP sửa đổi bởi điểm g khoản 1 Điều 2 Nghị định 154/2020/NĐ-CP quy định tổ chức thẩm định dự thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp huyện như sau:
"Điều 54. Tổ chức thẩm định dự thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp huyện, quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện
1. Trưởng Phòng Tư pháp có trách nhiệm tổ chức thẩm định dự thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp huyện, quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
2. Đối với dự thảo có nội dung phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực thì trước khi tiến hành thẩm định, Phòng Tư pháp có thể tổ chức cuộc họp lấy ý kiến của các cơ quan, ban, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học.
3. Trên cơ sở nghiên cứu và kết quả cuộc họp thẩm định về dự thảo, Phòng Tư pháp có trách nhiệm hoàn thành báo cáo thẩm định gửi đơn vị chủ trì soạn thảo. Trường hợp Phòng Tư pháp kết luận dự thảo chưa đủ điều kiện trình phải nêu rõ lý do trong báo cáo thẩm định."
Như vậy, trường hợp Phòng Tư pháp kết luận dự thảo chưa đủ điều kiện để trình thì phải buộc nêu rõ lý do trong báo cáo thẩm định dự thảo.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.