Phó trưởng phòng của đơn vị sự nghiệp công lập có được làm kế toán trưởng không? Nếu có thì có được hưởng đồng thời phụ cấp chức vụ và phụ cấp trách nhiệm không?
Đơn vị sự nghiệp công lập là gì?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 9 Luật Viên chức 2010 quy định về khái niệm đơn vị sự nghiệp công lập, theo đó quy định đơn vị sự nghiệp công lập là tổ chức do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thành lập theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân, cung cấp dịch vụ công, phục vụ quản lý nhà nước.
Ngoài ra, tại Điều 2 Luật Viên chức 2010 cũng quy định người được tuyển dụng theo vị trí việc làm và làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập là viên chức.
Tại khoản 2 Điều 9 Luật Viên chức 2010 quy định đơn vị sự nghiệp công lập bao gồm:
"2. Đơn vị sự nghiệp công lập gồm:
a) Đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ hoàn toàn về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự (sau đây gọi là đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ);
b) Đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ hoàn toàn về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự (sau đây gọi là đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ)."
Phó trưởng phòng của đơn vị sự nghiệp công lập có được làm kế toán trưởng không?
Phó trưởng phòng của đơn vị sự nghiệp công lập có được làm kế toán trưởng không?
Về điều kiện để được bố trí kế toán trưởng thì có quy định như sau:
Căn cứ Điều 51 Luật Kế toán 2015 quy định về tiêu chuẩn, quyền và trách nhiệm của người làm kế toán, cụ thể:
"Điều 51. Tiêu chuẩn, quyền và trách nhiệm của người làm kế toán
1. Người làm kế toán phải có các tiêu chuẩn sau đây:
a) Có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, trung thực, liêm khiết, có ý thức chấp hành pháp luật;
b) Có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán.
2. Người làm kế toán có quyền độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ kế toán.
3. Người làm kế toán có trách nhiệm tuân thủ các quy định của pháp luật về kế toán, thực hiện các công việc được phân công và chịu trách nhiệm về chuyên môn, nghiệp vụ của mình. Khi thay đổi người làm kế toán, người làm kế toán cũ có trách nhiệm bàn giao công việc kế toán và tài liệu kế toán cho người làm kế toán mới. Người làm kế toán cũ phải chịu trách nhiệm về công việc kế toán trong thời gian mình làm kế toán."
Căn cứ Điều 52 Luật Kế toán 2015 quy định về những người không được làm kế toán, cụ thể:
"Điều 52. Những người không được làm kế toán
...
4. Người đang là người quản lý, điều hành, thủ kho, thủ quỹ, người mua, bán tài sản trong cùng một đơn vị kế toán, trừ trong doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn do một cá nhân làm chủ sở hữu và các trường hợp khác do Chính phủ quy định.
..."
Ngoài ra, theo khoản 3 Điều 19 Nghị định 174/2016/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Kế toán 2015 có hướng dẫn thêm những người không được làm kế toán trong trường hợp :
"Điều 19. Những người không được làm kế toán
...
3. Người đang làm quản lý, điều hành, thủ kho, thủ quỹ, người được giao nhiệm vụ thường xuyên mua, bán tài sản trong cùng một đơn vị kế toán, trừ trường hợp trong cùng doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn do một cá nhân làm chủ sở hữu và các doanh nghiệp thuộc loại hình khác không có vốn nhà nước và là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa."
Căn cứ Điều 54 Luật Kế toán 2015 quy định về tiêu chuẩn và điều kiện của kế toán trưởng, cụ thể:
"Điều 54. Tiêu chuẩn và điều kiện của kế toán trưởng
1. Kế toán trưởng phải có các tiêu chuẩn và điều kiện sau đây:
a) Các tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 51 của Luật này;
b) Có chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán từ trình độ trung cấp trở lên;
c) Có chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng;
d) Có thời gian công tác thực tế về kế toán ít nhất là 02 năm đối với người có chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán từ trình độ đại học trở lên và thời gian công tác thực tế về kế toán ít nhất là 03 năm đối với người có chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán trình độ trung cấp, cao đẳng.
2. Chính phủ quy định cụ thể tiêu chuẩn và điều kiện của kế toán trưởng phù hợp với từng loại đơn vị kế toán."
Như vậy, nếu phó trưởng phòng trong đơn vị sự nghiệp công lập là người quản lý theo những quy định nếu trên thì thuộc trường hợp không được làm kế toán trưởng. Ngược lại, nếu không phải là người quản lý và không thuộc các đối tượng không được làm kế toán theo quy định và đủ tiêu chuẩn, điều kiện thì có thể được bổ nhiệm kế toán trưởng.
Về nguyên tắc, Trưởng phòng hoặc Phó trưởng phòng là người đứng đầu Phòng, sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn trước người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập. Bạn có thể đối chiếu các quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy của đơn vị sự nghiệp do cơ quan chủ quản ban hành và nội quy làm việc của đơn vị sự nghiệp công lập. Từ đó xác định được trong trường hợp của bạn, phó phòng có phải là người quản lý không.
Có được đồng thời hưởng phụ cấp chức vụ và phụ cấp trách nhiệm không?
Trong trường hợp của bạn, nếu xác định được phó trưởng phòng trong đơn vị sự nghiệp công lập của bạn không phải là người quản lý và đảm bảo đủ các điều kiện, tiêu chuẩn được bổ nhiệm kế toán trưởng. Vậy phụ cấp trách nhiệm công việc của kế toán trưởng được quy định như sau:
Căn cứ tại khoản 1 Điều 10 Thông tư 04/2018/TT-BNV của Bộ Nội vụ về hướng dẫn thẩm quyền, thủ tục bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, thay thế và phụ cấp trách nhiệm công việc của kế toán trưởng, phụ trách kế toán của các đơn vị kế toán trong lĩnh vực nhà kế toán nhà nước. cụ thể:
"Điều 10. Phụ cấp trách nhiệm công việc kế toán trưởng
1. Người được bổ nhiệm kế toán trưởng ở các đơn vị quy định tại các Khoản 1, 3, 4, 5, 8 Điều 2 của Thông tư này được hưởng mức phụ cấp trách nhiệm công việc hằng tháng 0,2 so với mức lương cơ sở.
..."
Như vậy, trường hợp bạn là phó phòng của đơn vị và nếu được bổ nhiệm kế toán trưởng đơn vị sự nghiệp công lập thì được hưởng phụ cấp chức vụ và phụ cấp trách nhiệm kế toán trưởng theo quy định hiện hành.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.