Pháp luật về môi trường quy định như thế nào về vấn đề thu gom, tái chế, tái sử dụng và xử lý các chất được kiểm soát?

Tôi có một số câu hỏi muốn được giải đáp liên quan đến vấn đề thu gom, tái chế, tái sử dụng và xử lý các chất được kiểm soát. Pháp luật hiện hành quy định như thế nào về vấn đề thu gom, tái chế, tái sử dụng và xử lý các chất được kiểm soát? Trách nhiệm quản lý về vấn đề này như thế nào?

Thu gom chất được kiểm soát là gì? Xử lý các chất được kiểm soát là gì?

Theo quy định ở khoản 17 và khoản 19 Điều 3 Nghị định 06/2022/NĐ-CP có nội dung như sau:

- Thu gom chất được kiểm soát là hoạt động hút các chất được kiểm soát ra khỏi một hệ thống và lưu giữ các chất này trong một bình chứa bên ngoài.

- Xử lý các chất được kiểm soát là quá trình tiêu hủy các chất được kiểm soát bằng các giải pháp công nghệ, kỹ thuật để không gây tác động tiêu cực đến sức khỏe con người và môi trường.

Pháp luật về môi trường quy định như thế nào về vấn đề thu gom, tái chế, tái sử dụng và xử lý các chất được kiểm soát?

Căn cứ tại Điều 28 Nghị định 06/2022/NĐ-CP về thu gom, tái chế, tái sử dụng và xử lý các chất được kiểm soát quy định như sau:

- Tổ chức sản xuất, nhập khẩu thiết bị, sản phẩm có chứa hoặc sản xuất từ chất được kiểm soát; sở hữu thiết bị có chứa các chất được kiểm soát quy định tại điểm c và điểm d khoản 1 Điều 24 Nghị định này thực hiện việc thu gom, tái chế, tái sử dụng và xử lý các chất được kiểm soát theo nguyên tắc sau:

+ Bắt buộc thực hiện thu gom các chất được kiểm soát khi không còn sử dụng trong thiết bị, sản phẩm từ ngày 01 tháng 01 năm 2024;

+ Khuyến khích thực hiện tái chế, tái sử dụng các chất được kiểm soát sau khi thu gom;

+ Trường hợp không thực hiện tái chế, tái sử dụng các chất được kiểm soát, tổ chức phải xử lý để tiêu hủy theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải nguy hại;

+ Thực hiện báo cáo việc sử dụng các chất được kiểm soát hằng năm theo quy định tại khoản 6 Điều 24 Nghị định này.

- Thu gom, vận chuyển và lưu giữ các chất được kiểm soát được thực hiện như sau:

+ Các chất được kiểm soát phát sinh trong quá trình lắp đặt, sửa chữa, bảo dưỡng từ các sản phẩm, thiết bị riêng lẻ được thu gom, vận chuyển, lưu giữ theo quy định của Nghị định này;

+ Đối với trường hợp các chất được kiểm soát sau khi được thu gom có thể tái chế, tái sử dụng thì thực hiện tái chế, tái sử dụng theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

+ Đối với trường hợp không thể tái chế, tái sử dụng thì việc vận chuyển, lưu giữ, tiêu hủy thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải nguy hại.

- Việc thu gom, vận chuyển, lưu giữ các chất được kiểm soát phải đáp ứng yêu cầu sau đây:

+ Có các thiết bị tối thiểu cho hoạt động thu gom các chất được kiểm soát bao gồm máy thu hồi, bình chứa thu hồi, bơm chân không, cân định lượng, thiết bị kiểm tra rò rỉ, đồng hồ đo áp suất và các dụng cụ an toàn;

+ Có kỹ thuật viên đáp ứng yêu cầu tại khoản 4 Điều này;

+ Có quy trình thu gom, vận chuyển, lưu giữ an toàn theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

- Kỹ thuật viên thực hiện lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị có chứa các chất được kiểm soát phải có văn bằng, chứng chỉ phù hợp; hoặc được cấp chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo về thu gom và xử lý các chất được kiểm soát theo chương trình do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng.

- Cá nhân sở hữu thiết bị, sản phẩm có chứa hoặc sản xuất từ chất được kiểm soát khi không còn sử dụng có trách nhiệm vận chuyển đến điểm thu gom được thiết lập theo quy định mà không làm thay đổi hình dạng thiết bị, sản phẩm hoặc chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý theo quy định.

- Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thu gom, vận chuyển, lưu giữ, tái chế, tái sử dụng và xử lý các chất được kiểm soát trước ngày 31 tháng 10 năm 2023.

Thu gom, tái chế, tái sử dụng và xử lý các chất được kiểm soát

Trách nhiệm trong quản lý các chất được kiểm soát được quy định ra sao?

Theo quy định tại Điều 29 Nghị định 06/2022/NĐ-CP về trách nhiệm trong quản lý các chất được kiểm soát cụ thể như sau:

- Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Công ước Viên và Nghị định thư Montreal, chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về các chất được kiểm soát. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan:

+ Thực hiện quản lý các chất được kiểm soát theo điều ước quốc tế về bảo vệ tầng ô-dôn mà Việt Nam là thành viên; phân bổ, điều chỉnh, bổ sung hạn ngạch sản xuất, nhập khẩu các chất HCFC, HFC theo giai đoạn và hằng năm;

+ Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch quốc gia về quản lý, loại trừ các chất được kiểm soát; trình cấp có thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung danh mục, hướng dẫn sử dụng các chất được kiểm soát và quy định về điều kiện sản xuất, sử dụng các chất được kiểm soát theo cam kết thực hiện điều ước quốc tế về bảo vệ tầng ô-dôn mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

+ Công bố, sửa đổi, bổ sung danh mục các mặt hàng cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; danh mục các mặt hàng được phép xuất khẩu, nhập khẩu theo điều kiện kèm theo mã số hàng hóa thuộc phạm vi quản lý trên cơ sở thống nhất với Bộ Công Thương về danh mục hàng hóa và thống nhất với Bộ Tài chính về mã số hàng hóa;

+ Xây dựng và vận hành hệ thống dịch vụ công trực tuyến về đăng ký, báo cáo, phân bổ và quản lý hạn ngạch sản xuất, nhập khẩu các chất được kiểm soát; kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia về quản lý các chất được kiểm soát;

+ Tổ chức việc thực hiện các nghĩa vụ của quốc gia đối với Nghị định thư Montreal; phối hợp với cơ quan đầu mối của các quốc gia khác trong việc thực hiện các biện pháp tuân thủ Nghị định thư Montreal của Việt Nam;

+ Thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc đăng ký, báo cáo, sử dụng hạn ngạch; quản lý việc thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý các chất được kiểm soát;

+ Tổ chức thực hiện các nội dung được giao theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định này và các nhiệm vụ khác liên quan đến quản lý chất được kiểm soát.

- Bộ Công Thương chịu trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường phân bổ, điều chỉnh, bổ sung hạn ngạch nhập khẩu, sản xuất đối với các chất được kiểm soát; có ý kiến về danh mục hàng hóa cấm xuất nhập khẩu, hàng hóa xuất nhập khẩu theo điều kiện trong phạm vi quản lý.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, cơ quan ngang bộ liên quan:

+ Thực hiện việc quản lý, cấp phép xuất khẩu, nhập khẩu chất Methyl bromide cho mục đích quy định tại khoản 4 Điều 22 Nghị định này;

+ Kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia với hệ thống dịch vụ công trực tuyến về quản lý chất Methyl bromide của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

+ Cung cấp, chia sẻ thông tin, dữ liệu các chất được kiểm soát thuộc phạm vi quản lý gửi cơ quan đầu mối quốc gia để tổng hợp, xây dựng báo cáo quốc gia về việc thực hiện Nghị định thư Montreal tại Việt Nam trước ngày 30 tháng 01 hằng năm theo Mẫu số 07 của Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định này và khi có đề nghị của cơ quan đầu mối quốc gia.

- Bộ Tài chính chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan:

+ Phối hợp quản lý, kiểm soát xuất nhập khẩu các chất được kiểm soát trên Cổng thông tin một cửa quốc gia;

+ Cung cấp, chia sẻ thông tin, dữ liệu hải quan về hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu các chất và hàng hóa có chứa các chất được kiểm soát thuộc phạm vi quản lý gửi cơ quan đầu mối quốc gia để tổng hợp, xây dựng báo cáo quốc gia về việc thực hiện Nghị định thư Montreal tại Việt Nam trước ngày 30 tháng 01 hằng năm theo Mẫu số 08 của Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định này và khi có đề nghị của cơ quan đầu mối quốc gia.

- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường:

+ Xây dựng và triển khai chương trình đào tạo, bồi dưỡng, cấp chứng chỉ, chứng nhận cho đối tượng làm việc trong lĩnh vực có liên quan đến các chất được kiểm soát trước ngày 31 tháng 12 năm 2022;

+ Lồng ghép nội dung liên quan đến các chất được kiểm soát trong quy định khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng đối với các ngành, nghề thuộc lĩnh vực có liên quan;

+ Ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động đối với hệ thống lạnh và điều hòa không khí trước ngày 31 tháng 12 năm 2023.

- Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo thẩm quyền quản lý phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong công tác phòng ngừa và phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, kiểm soát, giảm thiểu sử dụng và loại trừ các chất được kiểm soát.

- Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ liên quan:

+ Giám sát việc thực hiện loại trừ và các quy định về thu gom, tái chế, tái sử dụng hoặc tiêu hủy các chất được kiểm soát của các tổ chức trên địa bàn quản lý;

+ Cung cấp thông tin, dữ liệu liên quan đến các tổ chức sử dụng các chất được kiểm soát trên địa bàn quản lý theo đề nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

+ Xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền về những trường hợp vi phạm quy định về quản lý, loại trừ các chất được kiểm soát theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.

Trên đây là những quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề thu gom, tái chế, tái sử dụng và xử lý các chất được kiểm soát.

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

6,329 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào