Pháp luật quy định như thế nào về an toàn hồ chứa nước trong quản lý, khai thác? Chất lượng nước trong công trình thủy lợi được bảo vệ như thế nào?
Pháp luật quy định như thế nào về an toàn hồ chứa nước trong quản lý, khai thác?
An toàn hồ chưa nước trong quản lý, khai thác
Tại Điều 45 Luật Thủy lợi 2017 quy định an toàn đập, hồ chứa nước trong quản lý, khai thác như sau:
- Việc bảo đảm an toàn cho đập, hồ chứa nước là ưu tiên cao nhất trong quản lý, khai thác.
- Tổ chức, cá nhân khai thác đập, hồ chứa nước phải đáp ứng điều kiện năng lực theo quy định của pháp luật và có trách nhiệm sau đây:
+ Khai thác đập, hồ chứa nước bảo đảm an toàn, phát huy hiệu quả của công trình;
+ Thực hiện kê khai đăng ký an toàn đập, hồ chứa nước; tổ chức lập và điều chỉnh quy trình vận hành hồ chứa, quy trình vận hành liên hồ chứa; quan trắc đập, khí tượng thủy văn; kiểm tra hiện trạng, kiểm định, đánh giá an toàn đập, hồ chứa nước; bảo trì, sửa chữa, nâng cấp, hiện đại hóa đập; bảo vệ, bảo đảm an toàn công trình, vùng hạ du đập, hồ chứa nước; lưu trữ hồ sơ theo quy định của pháp luật;
+ Đối với đập, hồ chứa nước có cửa van điều tiết, phải căn cứ thông tin dự báo khí tượng thủy văn để chủ động điều tiết cắt lũ bảo đảm an toàn cho đập và vùng hạ du đập; trước khi vận hành mở cửa xả nước đầu tiên, phải thông báo, cung cấp thông tin theo quy định tại quy trình vận hành hồ chứa, quy trình vận hành liên hồ chứa đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
+ Trường hợp phải vận hành trong tình huống khẩn cấp hoặc không thực hiện được theo quy trình vận hành hồ chứa, quy trình vận hành liên hồ chứa phải báo cáo ngay với cơ quan phòng, chống thiên tai và cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quy trình vận hành hồ chứa, quy trình vận hành liên hồ chứa;
+ Khi xuất hiện nguy cơ gây mất an toàn đập, phải cứu hộ đập khẩn cấp, đồng thời báo cáo với cơ quan nhà nước và cơ quan phòng, chống thiên tai có thẩm quyền, cơ quan, đơn vị có liên quan để kịp thời hỗ trợ, ứng cứu và chỉ đạo ứng phó;
+ Trước mùa mưa hằng năm, tổ chức đánh giá hiện trạng đập, báo cáo chủ quản lý đập, hồ chứa nước.
- Chủ quản lý đập, hồ chứa nước có trách nhiệm sau đây:
+ Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc tổ chức, cá nhân khai thác đập, hồ chứa nước thực hiện quy định về quản lý an toàn đập tại điểm b khoản 2 Điều này và quy định khác của pháp luật có liên quan;
+ Tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có đập trên địa bàn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết quả đánh giá hiện trạng đập của tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác đập;
+ Đề xuất chủ sở hữu đập, hồ chứa nước bảo đảm kinh phí cho an toàn đập, hồ chứa nước;
+ Quyết định theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc huy động lực lượng, vật tư, phương tiện, khắc phục hậu quả sự cố đập, hồ chứa nước.
- Chủ sở hữu đập, hồ chứa nước có trách nhiệm sau đây:
+ Tổ chức kiểm tra, kiểm định thường xuyên, đột xuất và định kỳ đối với đập, hồ chứa nước theo quy định của pháp luật;
+ Bảo đảm kinh phí cho an toàn đập, hồ chứa nước.
- Trước mùa mưa hằng năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức đánh giá an toàn đập, hồ chứa nước; quyết định phương án tích nước hồ chứa nước và giải pháp bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước thuộc phạm vi quản lý.
- Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Chất lượng nước trong công trình thủy lợi được bảo vệ như thế nào?
Theo Điều 46 Luật Thủy lợi 2017 quy định bảo vệ chất lượng nước trong công trình thủy lợi như sau:
"1. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ chất lượng nước trong công trình thủy lợi.
2. Tổ chức, cá nhân cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi trực tiếp bảo vệ chất lượng nước trong công trình thủy lợi, kiểm soát việc xả nước thải vào công trình thủy lợi.
3. Tổ chức, cá nhân sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi có trách nhiệm bảo vệ chất lượng nước trong quá trình sử dụng nước."
Thay đổi mục đích sử dụng công trình thủy lợi có được không?
Căn cứ Điều 47 Luật Thủy lợi 2017 quy định thay đổi mục đích sử dụng công trình thủy lợi như sau:
"1. Việc thay đổi mục đích sử dụng công trình thủy lợi hiện có phải được chấp thuận của cơ quan đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình và phải tuân theo quy hoạch thủy lợi được phê duyệt.
2. Cơ quan phê duyệt thay đổi mục đích sử dụng công trình thủy lợi quyết định biện pháp bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên liên quan do việc thay đổi mục đích sử dụng công trình thủy lợi.
3. Chủ đầu tư dự án làm thay đổi mục đích sử dụng công trình thủy lợi có trách nhiệm bồi thường cho tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do thay đổi mục đích sử dụng công trình thủy lợi."
Do đó, được phép thay đổi mục đích sử dụng công trình thủy lợi nhưng phải được sự chấp thuận của cơ quan đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng… Ngoài ra, khi thay đổi mục đích sử dụng nếu có thiệt hại do việc chuyển mục đích sử dụng công trình thủy lợi phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho tổ chức, cá nhân thiệt hại đó.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.